Tài chính

Đế chế kinh doanh của người từng giàu nhất châu Á rung lắc mạnh: Cổ phiếu loạt công ty con ‘bốc hơi’ sâu 104 tỷ USD,

Một thập kỷ trước, Gautam Adani vạch ra chiến lược cho sự phát triển nhanh chóng của đế chế kinh doanh tỷ USD: đòn bẩy một công ty để mở rộng quy mô hoạt động một công ty khác. “Hoặc bạn sẽ chỉ đơn thuần ngồi trên đống tiền mặt hoặc bạn tiếp tục phát triển mạnh mẽ”, ông nói với Financial Times.

Chiến lược này đã đưa doanh nhân người Ấn Độ trở thành tỷ phú, sau khi tập đoàn Adani ‘bành trướng’ và đa dạng hóa một loạt danh mục, từ cảng đến điện. Gautam Adani sau đó trở thành một trong những người giàu nhất thế giới với khối tài sản trị giá hơn 100 tỷ USD tính đến đầu năm nay.

Tốc độ vay mượn bắt đầu tăng lên khi Adani đặt ra thêm nhiều mục tiêu tham vọng vào các lĩnh vực như 5G và hydro xanh. Khoản nợ của tập đoàn này đã tăng gấp đôi lên khoảng 30 tỷ USD trong 4 năm.

Sẽ không có gì xảy ra nếu hồi tuần trước, Hindenburg Research không tiết lộ một thông tin chấn động. Báo cáo của công ty có trụ sở tại Mỹ nêu rõ mối lo ngại về mức nợ cao và việc sử dụng các “thiên đường thuế”, đồng thời cáo buộc ông Adani trong một thời gian dài “thao túng chứng khoán và gian lận kế toán trắng trợn”.

Đế chế kinh doanh của người từng giàu nhất châu Á rung lắc mạnh: Cổ phiếu loạt công ty con ‘bốc hơi’ sâu 104 tỷ USD, túi nợ phình to 30 tỷ USD sau 4 năm - Ảnh 1.

Báo cáo chấn động Ấn Độ của Hindenburg Research khiến tập đoàn Adani có một khởi đầu 2023 không mấy suôn sẻ.

Trong lời phản bác, Adani tuyên bố “không có lấy một” trong số các câu hỏi Hindenburg đặt ra “dựa trên sự tìm hiểu thực tế độc lập hoặc báo chí thực sự. Chúng đơn giản chỉ là sự lặp lại có chọn lọc của những tiết lộ công khai hoặc bóng gió tô điểm cho tin đồn”.

Theo Bloomberg, cổ phiếu Adani đã “bốc hơi” sâu tổng cộng 104 tỷ USD sau khi một loạt các công ty hàng đầu chịu cảnh báo tháo. Phía Adani Group quyết liệt phủ nhận mọi cáo buộc, đồng thời cho biết họ đang cố gắng giảm thiểu nợ nần. Tập đoàn này cũng buộc phải ngừng huy động vốn cổ phần trị giá 2,4 tỷ USD với lý do thị trường quá biến động.

“Dựa trên số liệu, biện pháp đòn bẩy chắc chắn bị sử dụng quá mức. Câu hỏi đặt ra là liệu các hoạt động kinh doanh cơ bản của tập đoàn có thể phát triển đủ nhanh để trả nợ hay không”, Brian Freitas, người sáng lập Periscope Analytics có trụ sở tại Auckland, cho biết.

Là một tập đoàn lớn với 7 công ty đã niêm yết, mọi kế hoạch tham vọng nhất của Adani tập trung vào Adani Enterprises. Công ty này đóng vai trò như một “vườn ươm” cho các doanh nghiệp non trẻ. Theo FT, tỷ lệ nợ/EBITDA của Adani Enterprises hiện đang ở mức 10 theo tính toán của công ty Fitch CreditSights, khá cao từ trước tới nay. Tỷ lệ nợ/EBITDA thường được các cơ quan xếp hạng tín dụng tài chính phổ biến như Standard & Poor's, Moody's và Fitch Ratings sử dụng để đánh giá rủi ro vỡ nợ của tổ chức phát hành. Khi tỷ lệ nợ/EBITDA cao, các cơ quan có xu hướng hạ cấp xếp hạng vì nó cho thấy họ có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Đế chế kinh doanh của người từng giàu nhất châu Á rung lắc mạnh: Cổ phiếu loạt công ty con ‘bốc hơi’ sâu 104 tỷ USD, túi nợ phình to 30 tỷ USD sau 4 năm - Ảnh 2.

Cổ phiếu loạt công ty con biến động

Được biết Adani Green Energy, được thành lập vào năm 2015 với mục đích trở thành một trong những nhà cung cấp năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, có tỷ lệ nợ/EBITDA ở mức 14,9, theo CreditSights.

Để xoa dịu những lo ngại xoay quanh khoản nợ khổng lồ, tập đoàn Adani đã tìm đến các nhà đầu tư toàn cầu và thuyết phục họ bơm vốn. TotalEnergies của Pháp kể từ năm 2019 đã đầu tư hơn 7 tỷ USD vào các doanh nghiệp khí đốt, năng lượng tái tạo và hydro xanh của Adani, trong khi Công ty Cổ phần Quốc tế của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất năm ngoái đầu tư 2 tỷ USD vào Adani Enterprises, Adani Green và Adani Transmission.

Adani có truyền thống vay mượn từ các ngân hàng quốc doanh và giới đầu tư Ấn Độ, song theo CreditSights, tập đoàn này đang chuyển sang khai thác ngày càng nhiều từ các ngân hàng toàn cầu và bộ phận đầu tư trái phiếu - những người sớm bị thu hút bởi tốc độ tăng trưởng nhanh và dòng tiền đáng tin cậy.

Điều này giúp Adani Green huy động thành công 750 triệu USD trái phiếu xanh vào năm ngoái. Đến tháng 12, tập đoàn này cũng công bố một cơ sở tái cấp vốn bằng đồng yên trị giá 200 triệu USD với Ngân hàng MUFG. Tập đoàn Sumitomo Mitsui đóng vai trò là bên cho vay chính.

Trong khi đó, Adani Enterprises cũng vay khoảng 1 tỷ USD từ các tổ chức quốc tế bao gồm Apollo, Barclays và Standard Chartered để mở rộng hoạt động kinh doanh sân bay.

Đế chế kinh doanh của người từng giàu nhất châu Á rung lắc mạnh: Cổ phiếu loạt công ty con ‘bốc hơi’ sâu 104 tỷ USD, túi nợ phình to 30 tỷ USD sau 4 năm - Ảnh 3.

Khủng hoảng tại đế chế Adani: Cổ phiếu loạt công ty con ‘bốc hơi’ sâu 104 tỷ USD vì cáo buộc gian lận trắng trợn, 'túi nợ' phình to 30 tỷ USD sau 4 năm

Theo công ty môi giới CLSA, khoản nợ tại 5 công ty lớn nhất của Adani đã tăng gấp đôi lên 2,1 nghìn tỷ Rupee kể từ năm 2019. Giám đốc tài chính của Tập đoàn Adani, Jugeshinder Singh, cho biết hôm thứ Hai rằng tổng số nợ của tập đoàn là 30 tỷ USD.

“Các cổ đông lo ngại khi một tập đoàn tự đẩy mình vào quá nhiều lĩnh vực nhưng chuyên môn không có. Sẽ mất bao lâu để tăng tốc với một doanh nghiệp như vậy?”, Sharmila Gopinath, cố vấn chuyên môn của Hiệp hội Quản trị Doanh nghiệp Châu Á, cho biết.

Báo cáo của Hindenburg hiện đã gây ra tranh cãi khắp cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ bởi các công ty của Adani hoạt động trên phạm vi rộng bao gồm dầu khí, cảng, sân bay và khai thác mỏ. Đây là một trong những tập đoàn cơ sở hạ tầng tư nhân lớn nhất Ấn Độ và trước khi cổ phiếu bị bán tháo, Gautam Adani là người giàu nhất châu Á.

Đại diện Adani Group khẳng định họ là nạn nhân của một cuộc tấn công “ác ý” của Hindenburg trước khi tập đoàn này chuẩn bị cho một vòng gọi vốn lớn. Giám đốc pháp lý Jatin Jalundhwala cho biết Hindenburg sẽ hưởng lợi khi giá cổ phiếu của Adani giảm.

Theo: FT, Bloomberg

Cùng chuyên mục

Đọc thêm