Thời sự

Bộ trưởng KH&ĐT: Lạm phát tăng cao không xuất phát từ thị trường tài chính, tiền tệ như giai đoạn 1997 và 2008

Phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, lạm phát cơ bản tháng 1 tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn lạm phát chung (4,89%), là mức tăng cao nhất cùng kỳ tháng 1 từ năm 2016 đến nay.

Việc này đã được dự báo từ trước, khi lạm phát và giá cả tháng 1 chịu tác động cộng hưởng đồng thời bởi nhiều yếu tố: Quy luật tiêu dùng, giá cả tăng cao vào dịp Tết; các chính sách hỗ trợ thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, thuế giá trị gia tăng, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí… hết hiệu lực từ đầu năm 2023; xu hướng lạm phát tăng từ nửa cuối năm 2022 đến nay; chi phí sản xuất tăng, bao gồm cả lãi vay, tiền lương, giá nguyên vật liệu đầu vào trong nước và nhập khẩu…

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: VGP).

Phân tích nguyên nhân chủ yếu của lạm phát hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, căn nguyên không xuất phát từ thị trường tài chính, tiền tệ như giai đoạn 1997 và 2008-2013, mà do gián đoạn chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.

Đây là vấn đề chưa từng có tiền lệ, phát sinh do kinh tế thế giới đồng thời bị tác động bởi đại dịch COVID-19, xung đột Nga-Ukraine, cộng hưởng với chính sách tiền tệ nới lỏng mà nhiều quốc gia theo đuổi trong giai đoạn trước đây.

Cùng với đó, để ứng phó với tình trạng lạm phát cao, nhiều nền kinh tế lớn tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, làm thu hẹp phía cầu của nền kinh tế để tận dụng thời gian, củng cố lại các chuỗi cung ứng và sản xuất.

Tuy nhiên, mặt trái là xu hướng này làm suy giảm hoạt động đầu tư, hạn chế việc cải thiện phía cung của nền kinh tế. Từ đó, tạo thành nguy cơ "đình lạm" kéo dài, tức là lạm phát cao, tăng trưởng thấp.

Để giải quyết tình trạng trên, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, trọng tâm chính sách để kiểm soát lạm phát không chỉ tập trung vào chính sách tiền tệ, mà phải đồng thời là cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trong đó, chính sách tài khóa phải đóng vai trò quan trọng và quyết định.

Ngoài ra, trước tình hình doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp khó khăn, thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động, lãi suất tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn trong thời gian vừa qua sẽ tác động đến sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh phải kịp thời nghiên cứu, bổ sung ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Thường kỳ tháng 1. (Ảnh: VGP).

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng cho rằng, tình hình thế giới tháng 1 tiếp tục phức tạp, khó lường. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại mang lại nhiều cơ hội, như khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.

Nhiệm vụ của tháng 2 là rất lớn, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích, dự báo tình hình, nhất là những vấn đề mới nổi lên, các bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, từ đó đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sát tình hình thực tế, khả thi, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ bên ngoài, phát huy tối đa mặt mạnh, làm được của năm 2022 và tháng 1/2023.

Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị tập trung phát triển kinh tế - xã hội với tinh thần phục hồi nhanh, phát triển bền vững ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm, giải quyết những vấn đề ách tắc, vướng mắc, tháo gỡ những vấn đề mà doanh nghiệp, nhân dân đang gặp khó khăn; đặt nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm