Có người nói rằng muốn thành công, chúng ta cần cơ hội, cần quý nhân giúp đỡ. Còn Vương Kiện Lâm, người giàu nhất Châu Á tới hết năm 2016, nói rằng chìa khóa để làm giàu là làm việc chăm chỉ. Tào Đức Vượng, chủ tịch của một trong những tập đoàn kính lớn nhất thế giới, cũng nói rằng bản thân ông thực ra cũng thích ngủ nướng, ông nói rằng bản thân đã giàu có và tự do từ lâu, và rằng mình có đủ tư cách để ngủ nướng, nhưng ông vẫn luôn duy trì thói quen dậy từ 4h hoặc 5h mỗi ngày, bởi ông luôn nhớ lời mẹ từng nói với mình rằng cứ dậy sớm ba ngày, ông sẽ kiếm thêm được một ngày, được sống nhiều hơn người khác một ngày.
Một người nếu muốn thành công, chăm chỉ chính là điểm mấu chốt nhất. Nếu bản thân không đủ nỗ lực, dù thiên thời địa lợi, cũng chưa chắc đã nắm bắt được thời cơ. Đây là lý do tại sao nhiều người nói rằng cơ hội luôn chỉ được dành cho những người có sự chuẩn bị.
Người Hoa giàu nhất thế giới, Lý Gia Thành, từng có một tuổi thơ rất cơ cực, ông bắt đầu làm việc trong một quán trà khi mới 14 tuổi. Từ một người làm công ăn lương bình thường trở thành người Hoa giàu nhất, Lý Gia Thành đã phải trải qua những gì? Một trong những yếu tố quan trọng nhất ở ông chính là sự siêng năng.
Jack Ma từng nói rằng Lý Gia Thành vẫn bận rộn từ sáng đến tối dù tuổi đã cao. Lý Gia Thành có một thói quen mà có thể nhiều người không biết, cho dù đi ngủ muộn thế nào vào đêm hôm trước, ông cũng đều sẽ thức dậy vào lúc 6 giờ ngày hôm sau để làm việc.
Ông duy trì thói quen này trong suốt nhiều thập kỷ. Hành vi quyết định thói quen, thói quen quyết định tính cách, tính cách quyết định vận mệnh. Một người bình thường, muốn phản công, chăm chỉ phải là nhân tố được đặt lên hàng đầu.
Mỗi ngày, sau khi thức dậy lúc 6 giờ, ông sẽ tập thể dục, sau đó ăn sáng rồi đến công ty làm việc. Cường độ làm việc hàng ngày của Lý Gia Thành rất cao, gần như từ sáng đến tối. Hoạt động kinh doanh do ông quản lý trải rộng ra hàng chục quốc gia trên thế giới. Để cụ thể hơn, nếu Lý Gia Thành đến mọi quốc gia để kiểm tra doanh nghiệp của mình hàng năm, trung bình sẽ mất 2 ngày ở một quốc gia và sẽ mất hơn 100 ngày chỉ cho công việc kiểm tra các doanh nghiệp này.
Vua trang sức Hồng Kông, ông Zheng Yutong, từng nói rằng Lý Gia Thành là một người vô cùng chăm chỉ và hầu như ngày nào cũng bay trên bầu trời. Lý Gia Thành đã đạt được tự do tài chính ở tuổi 30, chính bản thân ông cũng từng nói rằng số tiền ông kiếm được ở tuổi 30 cũng đã đủ để ông sống cả đời. Ở tuổi 30, chỉ riêng thu nhập cho thuê hàng năm của ông cũng đã đạt tới con số 10 triệu tệ (khoảng 34 tỷ đồng).
Nhiều người thay đổi khi họ có tiền, họ có thể vô cùng chăm chỉ khi chưa có gì, nhưng khi có tiền, họ lại bắt đầu tìm kiếm niềm vui và sự hưởng thụ. Bản thân Lý Gia Thành có thể nghỉ hưu sớm ở tuổi 30, nhưng tại sao ông vẫn làm việc đến tận những năm 90 tuổi, đồng thời duy trì cường độ làm việc cao?
Đây chính là điểm khác biệt của Lý Gia Thành với người khác. Mục tiêu kiếm tiền của ông sau này đã không còn chỉ đơn thuần là cải thiện cuộc sống, mà là để hiện thực hóa ước mơ của mình.
Ước mơ của Lý Gia Thành là hiện thực hóa giá trị của bản thân, giúp đỡ nhiều người hơn và đóng góp nhiều hơn cho đất nước và xã hội. Đó là lý do tại sao Lý Gia Thành vẫn luôn làm việc rất chăm chỉ để kiếm tiền. Sau khi tự do tài chính ở tuổi 30, Lý Gia Thành vẫn miệt mài kiếm tiền. Ở độ tuổi 40, ông bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản Năm 1972, IPO thành công.
Năm 1978, ở tuổi 50, việc mua lại thành công Hutchison Whampoa đã đưa sự nghiệp của ông lên một tầm cao mới. Vào những năm 1980, Lý Gia Thành bắt đầu đầu tư khắp thế giới và bắt đầu đa dạng hóa các hình thức kinh doanh của mình. Sau tuổi 60, sự nghiệp của Lý Gia Thành bước vào thời kỳ đỉnh cao. Tuy nhiên, dù ở độ tuổi nào, vị tỷ phú này cũng không cảm thấy mình làm việc vất vả hay mệt mỏi, ông chỉ đơn giản là tận hưởng cảm giác này, tận hưởng quá trình kiếm tiền. Với ông, càng kiếm được nhiều tiền, nghĩa là càng có thể giúp đỡ được nhiều người hơn.
Lý Gia Thành là người Hoa giàu nhất thế giới trong suốt 15 năm, và chìa khóa thành công của ông chỉ gói gọn trong hai chữ "chăm chỉ", sự chăm chỉ đó được kéo dài trong nhiều thập kỷ với sự kiên trì và nhiệt huyết. Làm việc chăm chỉ trong một, hai năm có lẽ không khó, nhưng duy trì được tinh thần nỗ lực trong suốt hàng chục năm, thậm chí cả ở độ tuổi đáng ra đã có thể được nghỉ ngơi thì có lẽ không phải là điều ai cũng kiên trì được, và đó vừa hay cũng chính là ranh giới đánh dấu sự khác biệt giữa người nghèo và giới siêu giàu.