Mua hàng xa xỉ như một cách chi tiêu trả thù
Các chuyến du lịch nước ngoài kết hợp với mua hàng hóa xa xỉ trở nên quen thuộc với nhiều người Trung Quốc. Theo Jessy Zhang, nhà phân tích từ công ty tư vấn Daxue chia sẻ với CNBC, “chi tiêu trả thù” đi kèm với sự trở lại của các chuyến du lịch nước ngoài sẽ dẫn đến sự gia tăng tiêu thụ hàng xa xỉ vào năm 2023.
Nhưng trong gần 3 năm xảy ra dịch Covid, người dân Trung Quốc đã thay đổi thói quen chi tiêu, thường xuyên mua hàng xa xỉ trong nước. “Mức tiêu dùng xa xỉ trong nước của Trung Quốc sẽ vượt xa ở nước ngoài”.
Trước đó, vào đầu tháng 6/2022, ở Thượng Hải đã diễn ra làn sóng mua hàng xa xỉ để trả thù, khi mà trong trung tâm thương mại thời điểm đó có rất nhiều người đứng xếp hàng để vào các cửa hàng của thương hiệu đắt đỏ như Prada, Dior và Louis Vuitton. Một quản lý cửa hàng thương hiệu De Beers chia sẻ với SCMP: “Chúng tôi rất vui khi khách hàng đến mua tại các cửa hàng. Trong đó, có nhiều người còn hỏi đến những chiếc nhẫn kim cương 1 carat”.
Nhiều người xếp hàng mua đồ xa xỉ
Chi tiêu trả thù là hiện tượng người tiêu dùng vội vàng chi tiêu nhiều hơn bình thường cho các sản phẩm và dịch vụ, điển hình là những sản phẩm mà họ cảm thấy bị tước đoạt trong một sự kiện kinh tế bất lợi. Chi tiêu trả thù có thể cải thiện sự hài lòng của người tiêu dùng trong thời gian ngắn để bù đắp cho những cơ hội bị mất trong một sự kiện kinh tế bất lợi. Tuy nhiên, điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính cá nhân khi nhiều người chi sạch toàn bộ số tiền mình có để “trả thù”.
Bên cạnh đó, một người rất khó để nhận biết bản thân đang chi tiêu trả thù hay chỉ để giải tỏa áp lực trong khoảng thời gian dài chẳng hạn như thời điểm Covid phải giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, chi tiêu trả thù thường mang đến cảm giác vui vẻ và hài lòng cho người tiêu dùng khiến họ khó có thể nhìn nhận thực tế một cách rõ ràng. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng trước khi xem xét chi tiêu trả thù đặc biệt là mua đồ xa xỉ, điều quan trọng trước tiên là suy nghĩ về việc trả hết mọi khoản nợ tồn đọng và thành lập một quỹ tiết kiệm khẩn cấp đầy đủ.
Ảnh minh hoạ - Pinterest
Đồ xa xỉ giúp nâng cao địa vị
Ngoài chi tiêu để trả thù, theo báo cáo của KPMG, người tiêu dùng Trung Quốc đang háo hức mua hàng xa xỉ như một phương tiện để thăng tiến xã hội và tự tạo sự khác biệt cho bản thân. Trong nghiên cứu này, KPMG đã xác định những điểm chính mà các thương hiệu xa xỉ cần cân nhắc khi nhắm mục tiêu đến người tiêu dùng Trung Quốc đang phát triển, bao gồm định hướng có mục đích, tôn trọng văn hóa địa phương, tận dụng kỹ thuật số hóa, hiểu khái niệm xa xỉ mới và tận dụng sự phát triển của Gen Z.
Trong thời đại truyền thông mạnh mẽ hiện nay, những món đồ đắt tiền có thể được đưa ra để gắn nhãn vào một người. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người đặc biệt là các bạn trẻ sử dụng hàng hiệu như một cách để khẳng định tính cách và đôi khi là phô trương sự giàu có của họ. Và có một cụm từ để chỉ điều đó là “văn hoá flex”.
Ảnh minh hoạ - Pinterest
Hiểu một cách đơn giản, văn hóa flex là việc sở hữu xa xỉ phẩm để chứng tỏ độ giàu có của bản thân - bạn có thể mua được những món đồ đắt tiền. Bên cạnh đó, mặc đồ từ nhãn hiệu cao cấp cũng thể hiện địa vị của người sở hữu chúng.
Mặt khác, việc sử dụng các thương hiệu xa xỉ không phải lúc nào cũng vì văn hoá flex. Trên thực tế, một số người sở hữu chúng như một sự đánh giá cao đối với những thương hiệu này hoặc như một phần thưởng cho chính họ. Vì vậy, nếu sở hữu một thương hiệu xa xỉ khiến bạn hài lòng thì bạn không cần phải cảm thấy tồi tệ khi phô trương nó.
Song, đừng lo lắng rằng bản thân đang bị bỏ lại khi không thể mua những món hàng xa xỉ. Chuyện người khác đang mặc hay mua gì không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Sắm những thứ bản thân thích và hãy hạnh phúc theo cách bạn cảm nhận chứ không phải từ ánh nhìn từ người khác.
Theo CNBC, Bloomberg