Sau gần một tháng chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM, cổ phiếu VNZ đã có những đơn vị đầu tiên được khớp lệnh trong phiên 1/2. Theo đó, kết phiên giao dịch ngày 1/2, giá cổ phiếu VNZ dừng ở 336.000 đồng/cp, tăng 96.000 đồng/cp (tăng 40%) với khối lượng giao dịch được khớp lệnh là 100 đơn vị, tổng giá trị khớp lệnh tương ứng 33,6 triệu đồng.
Tính đến 10h30 phiên 2/2, giá cổ phiếu VNZ tăng kịch trần lên 386.400 đồng/cp với tổng khối lượng khớp lệnh là 100 đơn vị và khối lượng dư bán giá trần 13.300 đơn vị. VNZ trở thành mã cổ phiếu có thị giá cao nhất trên sàn chứng khoán thời điểm hiện tại.
Như vậy, chỉ với 200 đơn vị đầu tiên được giao dịch, vốn hóa của VinaGame đã tăng thêm gần 5.300 tỷ lên gần 14.000 tỷ đồng (xấp xỉ 595 triệu USD). Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức định giá mà VinaGame từng đạt tới trong quá khứ.
Trước đó, gần 36 triệu cổ phiếu VNZ của CTCP VNG chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM từ ngày 5/1 với mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 240.000 đồng/cp. Trong phiên giao dịch đầu tiên này không có giao dịch nào được khớp lệnh với tổng khối lượng được đặt mua là 113.300 đơn vị, tổng giá trị tương ứng là hơn 33,86 triệu đồng.
Về lịch sử hình thành, CTCP VNG là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực Công nghệ tại Việt Nam, luôn tiên phong kiến tạo hệ sinh thái sản phẩm công nghệ đa dạng, làm thay đổi cuộc sống của hàng trăm triệu người dùng trong và ngoài nước, tiêu biểu như Zalo, Zing MP3, ZaloPay, VNG Cloud,… Sau 17 năm hình thành và phát triển, VNG hiện đã có gần 5.000 thành viên với 11 văn phòng tại 5 quốc gia.
Về kết quả hoạt động kinh doanh, lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của VNG đạt 7.801 tỷ, tăng 2% so với năm 2021. Công ty lỗ sau thuế kỷ lục hơn 1.315 tỷ đồng kể từ khi công bố thông tin. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế của VNG đến hết năm 2022 hơn 5.311 tỷ đồng.
Với kết quả trên, VNG mới thực hiện được 77% kế hoạch doanh thu và phá vỡ mục tiêu lỗ 993 tỷ đồng năm 2022.