Ngày 23/2, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Đắk Lắk cho biết ngành rất đau đầu, đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học .
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, từ năm học 2018-2019 đến hết học kỳ I năm học 2022-2023, toàn tỉnh có hơn 9.600 học sinh bỏ học, cấp THCS và THPT chiếm đa số. Thời điểm học sinh bỏ học nhiều nhất rơi vào lúc dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Riêng học kỳ I năm 2022-2023, toàn tỉnh có hơn 1.000 em bỏ học.
Theo ông Khoa, có nhiều nguyên dân dẫn đến tình trạng trên gồm năng lực tiếp thu của 1 bộ phận học sinh hạn chế, học lực thấp, dễ chán nản, bỏ học, kinh tế khó khăn, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên một bộ phận phụ huynh mải lo cơm áo gạo tiền, ít quan tâm đến tình hình học tập của con, một bộ phận học sinh cấp THCS và THPT đi học nghề hoặc theo gia đình xuống các tỉnh miền Đông Nam bộ (TP Hồ Chí Minh…) làm việc.
Đặc biệt, tác động của dịch COVID-19 khiến tình trạng trẻ bỏ học rất nhiều, đây là nguyên nhân chính dẫn đến số lượng học sinh bỏ học trong năm 2019-2022 rất lớn. Bên cạnh đó, học sinh bỏ học để lập gia đình cũng là nguyên nhân đáng quan tâm.
Chỉ hơn 3 tháng nữa, em Giàng Thị D. (Trường PT DTBT-THCS Tô Hiệu, huyện M'Đrắk) sẽ tốt nghiệp THCS. Thế nhưng, D. vẫn quyết định bỏ học để lấy chồng. D. nói, rất yêu và muốn lấy chồng. Sau này chồng làm gì, D. sẽ làm đó. Việc D. có ý định bỏ học để lấy chồng đã được các thầy cô trong trường thuyết phục song không thể lay chuyển được quyết định của em. Bố D. - ông Giàng Seo C. nói, gia đình rất muốn con đi học nhưng bị đưa vào thế đã rồi.
“Bố mẹ chưa biết gì thì nó đem chồng xuống xin hỏi cưới. Mình không đồng ý không được vì theo phong tục như vậy là không tốt”, ông C. cho hay.
Thầy Nguyễn Văn Kiên, Trường PT DTBT-THCS Tô Hiệu, huyện M'Đrắk cho biết việc tảo hôn là do các em yêu sớm, tìm hiểu nhau và tiến tới hôn nhân. Với người Mông lời hứa rất quan trọng, khi nhà trai đã đến xin cưới thì rất khó thay đổi, dù thầy cô giáo đã nhiều lần vận động.
Để ngăn dòng học sinh bỏ học, ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thêm, hàng năm, sở chỉ đạo các trường tập trung vận động trẻ trong độ tuổi đi học, giáo viên, nhà trường chịu trách nhiệm phân luồng học sinh để lên kế hoạch phụ đạo miễn phí cho các em học lực yếu, nhà trường, thầy cô quan tâm sát sao, phối hợp chính quyền, các tổ chức đoàn thể hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần những trường hợp khó khăn (như tặng sách vở, đồ dùng học tập…).
Với trường tiểu học vùng sâu, theo ông Khoa cần đẩy mạnh triển khai lớp học bán trú để trẻ được chăm sóc chu đáo, có điều kiện ôn tập kiến thức, kéo giảm tình trạng bỏ học. Đặc biệt, phụ huynh có vai trò rất lớn trong việc tạo điều kiện, động viên trẻ đến trường.
"Đắk Lắk đang triển khai đề án phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Theo đề án, mỗi năm tỉnh này chỉ tuyển 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT (kể cả hệ GDTX). Tuy nhiên, do cơ sở đào tạo nghề ở tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu nên Đắk Lắk tuyển dưới 80% học sinh vào THPT. Thời gian tới, tỉnh này cố gắng giảm tỷ lệ học sinh vào THPT để phân luồng giáo dục theo đề án, đồng thời nâng cao hệ thống đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu học nghề", ông Khoa thông tin thêm.