Xã hội

Hơn 200.000 trụ sở công vụ sẽ được sắp xếp lại

Tóm tắt:
  • Đến tháng 12/2024, có 205.862 cơ sở nhà đất đã được sắp xếp lại.
  • Hơn 62.700 cơ sở chưa có phương án xử lý do vướng mắc và chậm tiến độ.
  • Phó chủ tịch Quốc hội yêu cầu rà soát quản lý, sử dụng tài sản công hiệu quả.
  • Các dự án chậm tiến độ gây lãng phí, cần thanh tra và tháo gỡ cơ chế.
  • Nguyên nhân chủ yếu là thiếu chỉ đạo quyết liệt và quản lý chưa chặt chẽ.

Thông tin được Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên làm việc về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 của Chính phủ, sáng 24/4.

Lý giải về số lượng cơ sở nhà đất công chưa được xử lý còn nhiều, Bộ trưởng Thắng cho biết quá trình thực hiện phát sinh vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp lại. Số lượng các cơ sở nhà, đất của một số Bộ, ngành, địa phương chưa có phương án tương đối lớn, làm kéo dài thời gian.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu sáng 24/4. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu rà soát toàn diện việc quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt tại địa phương, do tình trạng kém hiệu quả kéo dài nhiều năm. Ông nhấn mạnh việc siết chặt quản lý tài chính, tài sản trong quá trình sắp xếp bộ máy chính trị, nhằm chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, đặc biệt đối với trụ sở và tài sản công dôi dư.

Ông Định cũng lưu ý tình trạng dự án chậm tiến độ, như Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam, gây lãng phí, Tổng Bí thư phải chỉ đạo thanh tra. Ông đề nghị Chính phủ cụ thể hóa giải pháp, rà soát các dự án chậm triển khai và tháo gỡ cơ chế để khơi thông nguồn lực.

"Khi còn ở địa phương, tôi chỉ đạo rất rõ những dự án chậm tiến độ nhiều năm, thống kê hết để thu hồi. Sau đó một số dự án đã triển khai ngay", ông Định nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu sáng 24/4. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh sự cần thiết của việc Chính phủ chỉ rõ hạn chế, nguyên nhân chậm trễ trong xử lý cơ sở nhà đất, cơ sở dữ liệu đất đai chưa đạt tiến độ, gây lãng phí tài nguyên. Theo ông, tình trạng chậm trễ tương tự cũng diễn ra ở việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đổi mới công ty nông lâm trường, đòi hỏi các giải pháp đột phá.

Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh cho rằng nguyên nhân nằm ở sự thiếu quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ bộ, ngành, địa phương, chậm phân cấp kiểm tra và lập phương án xử lý nhà đất. Tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai không đáp ứng yêu cầu và tình trạng đất nông lâm trường bỏ hoang vẫn còn phổ biến.

Cơ quan thẩm tra đề nghị đẩy mạnh sắp xếp lại cơ sở nhà, đất; rà soát, chuyển giao tài sản kém hiệu quả về địa phương; xử lý tình trạng hoang hóa nhà ở công vụ, công trình phúc lợi; và có kế hoạch sử dụng hiệu quả trụ sở sau tinh gọn bộ máy.

Các tin khác

Vingroup đặt mục tiêu 300.000 tỷ đồng doanh thu năm 2025, tiên phong phát triển xanh – bền vững

Tập đoàn Vingroup – Công ty CP (mã CK: VIC) đã tổ chức thành công Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2025. Với tầm nhìn chiến lược và khát vọng kiến tạo tương lai xanh, Vingroup đặt mục tiêu tăng trưởng bền vững, tiên phong xây dựng nền kinh tế xanh, góp phần thúc đẩy Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Ra mắt Tập đoàn Tài chính Ngân hàng HD

Ngày 24.4, tại đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank – mã chứng khoán: HDB), ông Kim Byoungho - Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết năm 2025 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình đổi mới của HDBank khi chúng ta chính thức ra mắt Tập đoàn Tài chính Ngân hàng HD (HD Financial Group),

Lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng cao

Kết quả kinh doanh quý I năm nay của nhiều ngân hàng đạt mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh lãi suất duy trì ở mức thấp, cầu tín dụng tăng. Theo đó, lợi nhuận của nhiều ngân hàng đều tăng cao so với năm trước.