Kinh doanh

Tập đoàn Xuân Thiện khởi công nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ tại Hòa Bình

Tóm tắt:
  • Ngày 24/4, Tập đoàn Xuân Thiện khởi công Dự án nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ tại Hòa Bình.
  • Dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, công suất 2,16 triệu tấn/năm.
  • Giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành vào tháng 7 năm 2026 với vốn gần 3.500 tỷ đồng.
  • Dự án sẽ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và đóng góp vào ngân sách tỉnh.
  • Đây là dự án mở đầu cho chuỗi đầu tư lớn của Tập đoàn tại Hòa Bình, trị giá lên tới 100.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Xuân Thiện khởi công nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ tại Hòa Bình ảnh 1

Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cùng lãnh đạo Tập đoàn Xuân Thiện ấn nút khởi công Dự án nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện Hòa Bình sáng 24/4.

Dự lễ khởi công có ông Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình; bà Bùi Thị Minh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình; ông Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình; ông Nguyễn Xuân Thành, Chủ tịch Tập đoàn Xuân Thành; ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Tập đoàn Xuân Thiện, cùng lãnh đạo các ban, sở, ngành trong tỉnh.

Dự án Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện Hòa Bình có tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, bao gồm hạng mục nhà máy có tổng công suất 2,16 triệu tấn/năm và cảng sông Bôi với công suất 8,2 triệu tấn/năm, được xây dựng trên tổng diện tích 158,4 ha tại xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Dự án nằm liền kề với mỏ đá Quèn Cốc và sông Bôi, trong quá trình xây dựng và vận hành sẽ sử dụng giao thông đường thủy là chủ đạo nên rất thuận lợi trong việc xuất nhập sản phẩm, không gây ô nhiễm, giúp giữ gìn môi trường xanh trên địa bàn.

Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án với tổng vốn đầu tư gần 3.500 tỷ đồng, công suất 760 nghìn tấn/năm, sẽ khánh thành vào tháng 7 năm 2026 và toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào tháng 7 năm 2027.

Tập đoàn Xuân Thiện khởi công nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ tại Hòa Bình ảnh 2

Dự án nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện Hòa Bình có tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng.

Nhà máy sản xuất vôi công nghiệp, bột nhẹ là những nguyên liệu thiết yếu, được sử dụng rộng rãi trong luyện kim, xử lý môi trường, hóa chất, sơn, giấy, nhựa, cao su... Sản phẩm bột nhẹ chất lượng cao còn được dùng trong các ngành như thực phẩm, dược và mỹ phẩm với yêu cầu khắt khe, giá thành lên tới hàng nghìn USD/tấn. Mỗi năm nhu cầu thị trường thế giới cần hàng trăm triệu tấn vôi và bột nhẹ, giá trị vào khoảng 7 tỷ USD và có xu hướng ngày càng tăng.

Đặc biệt, việc đầu tư Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ là sự chuẩn bị đồng bộ, chủ động cung cấp khoảng 1,5 triệu tấn nguyên liệu đầu vào mỗi năm cho Tổ hợp sản xuất Thép xanh của Xuân Thiện tại Nam Định và khu kinh tế Chân Mây tại Huế.

Dự án Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện Hòa Bình sẽ đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào ngân sách tỉnh Hòa Bình. Đặc biệt, Tập đoàn có chủ trương ưu tiên sử dụng lao động là người địa phương, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân. Đây là bước đi chiến lược đầy trách nhiệm, đánh dấu sự hiện diện vững chắc của Xuân Thiện tại tỉnh Hòa Bình, tạo tiền đề quan trọng để Tập đoàn tiếp tục triển khai các dự án xi măng và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với quy mô lớn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Tập đoàn Xuân Thiện khởi công nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ tại Hòa Bình ảnh 3

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Tổng giám đốc Xuân Thiện Hòa Bình chia sẻ trong Lễ khởi công.

“Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện Hòa Bình là dự án khởi đầu, đặt nền móng cho chuỗi các dự án đầu tư quy mô lớn của Tập đoàn tại Hòa Bình, với tổng vốn lên đến 100.000 tỷ đồng, bao gồm: Nhà máy xi măng Xuân Thiện Hòa Bình công suất 10 triệu tấn/năm và Tổ hợp các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi lợn chất lượng cao trên nhà nhiều tầng với quy mô 3,5 triệu con lợn thịt/năm.

Chuỗi dự án này khi hoàn thành đồng bộ sẽ tạo ra một không gian phát triển mới, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đa dạng cơ cấu kinh tế tỉnh nhà, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Hòa Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực và cả nước”, ông Nguyễn Huy Hoàng, Tổng giám đốc Xuân Thiện Hòa Bình chia sẻ trong lễ khởi công.

PV

Các tin khác

Ra mắt Tập đoàn Tài chính Ngân hàng HD

Ngày 24.4, tại đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank – mã chứng khoán: HDB), ông Kim Byoungho - Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết năm 2025 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình đổi mới của HDBank khi chúng ta chính thức ra mắt Tập đoàn Tài chính Ngân hàng HD (HD Financial Group),

Lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng cao

Kết quả kinh doanh quý I năm nay của nhiều ngân hàng đạt mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh lãi suất duy trì ở mức thấp, cầu tín dụng tăng. Theo đó, lợi nhuận của nhiều ngân hàng đều tăng cao so với năm trước.

Dự án truyền tải điện quan trọng ở "thủ phủ tôm" Cà Mau

Cà Mau - thủ phủ nuôi tôm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long - có nhu cầu phụ tải rất cao, đặc biệt tại các huyện vùng bán đảo Cà Mau và huyện Châu Thành, nhu cầu điện tăng mạnh. Để đảm bảo nguồn điện ổn định liên tục cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã đầu tư nâng cấp đường dây 110 kV Rạch Giá 2 - Minh Phong nhằm nâng cao khả năng cấp điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, an sinh xã hội cho khu vực. Đây là một trong những dự án truyền tải điện quan trọng của vùng.

Giá điện tái tạo bất cập làm sao thu hút được đầu tư?

Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh vừa được phê duyệt có mục tiêu rất lớn khi chỉ trong 5 năm tới, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam sẽ gấp 2 - 2,8 lần so với hiện tại. Theo tính toán, mỗi năm ngành điện cần số vốn lên tới 27,6 tỷ USD. Các chuyên gia cho rằng, đây là bài toán nan giải trong thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là vấn đề liên quan đến giá điện.