Xã hội

Đề xuất duy trì 6 ngạch công chức, thêm quy định khắc phục "biên chế suốt đời"

Tóm tắt:
  • Dự thảo Luật giữ 6 ngạch công chức, loại bỏ chế độ "biên chế suốt đời".
  • Hệ thống vị trí việc làm và ngạch củng cố ổn định và đổi mới tuyển dụng.
  • Vị trí việc làm gồm lãnh đạo, chuyên môn, hỗ trợ, phân loại rõ ràng hơn.
  • Tuyển dụng theo hình thức thi hoặc xét tuyển, không còn tập sự.
  • Luật sửa đổi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và đánh giá công chức.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) gửi Quốc hội.

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 52 điều, giảm 35 điều so với quy định hiện hành; dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (khai mạc ngày 5/5).

Duy trì 6 ngạch công chức trong Luật Cán bộ công chức khắc phục biên chế suốt đời - Ảnh 1.

Chính phủ đề xuất duy trì 6 ngạch công chức, đồng thời bổ sung quy định để loại bỏ chế độ "biên chế suốt đời".

Giữ 6 ngạch công chức, bỏ nâng ngạch

Tờ trình của Chính phủ cho biết, một trong những nội dung được dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung là cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ, công chức.

Nội dung được chỉnh lý, thay đổi đáng kể trong bản dự thảo mới nhất này so với các dự thảo Bộ Nội vụ lấy ý kiến trước đó là tiếp tục giữ quy định về vị trí việc làm và ngạch công chức để bảo đảm ổn định đội ngũ cán bộ, công chức.

Các khái niệm vị trí việc làm và ngạch được hoàn thiện để làm căn cứ tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, đào tạo, bồi dưỡng... trên cơ sở nguyên tắc khi được bố trí vào vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ hoặc chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý sẽ được xem xét bổ nhiệm vào ngạch tương ứng (bỏ nội dung nâng ngạch).

" Việc bố trí nhân sự vào vị trí việc làm phải bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, gắn với sản phẩm, kết quả cụ thể theo nguyên tắc có vào có ra, có lên có xuống ", tờ trình của Chính phủ nêu.

Về vị trí việc làm của công chức, dự thảo Luật quy định gồm: Tên gọi vị trí việc làm; tiêu chuẩn chức vụ, chức danh; bản mô tả công việc (nội dung công việc và kết quả của công việc, khung năng lực); nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm.

Vị trí việc làm được phân thành 3 loại: Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ và vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.

Về ngạch công chức, dự thảo Luật giữ nguyên 6 nhóm: Chuyên viên cao cấp và tương đương; chuyên viên chính và tương đương; chuyên viên và tương đương; cán sự và tương đương; nhân viên; ngạch khác theo quy định của Chính phủ.

Tuyển dụng công chức thông qua thi tuyển, xét tuyển

Tại dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Chính phủ đề xuất đổi mới phương thức tuyển dụng theo vị trí việc làm.

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền có thể thực hiện tuyển dụng công chức vào tất cả các vị trí việc làm thuộc phạm vi quản lý. Người được tuyển dụng phải đáp ứng ngay yêu cầu nhiệm vụ của vị trí việc làm và được bổ nhiệm vào ngạch công chức của vị trí việc làm trúng tuyển. Do đó, quy định công chức phải tập sự không còn được quy định.

Để thực hiện chủ trương "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", dự thảo Luật không quy định việc thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Việc tuyển dụng công chức do các Bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo thẩm quyền.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá công chức để có cơ chế sàng lọc trên cơ sở kết quả, sản phẩm cụ thể và xử lý đối với các trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, khắc phục chế độ "biên chế suốt đời".

Cụ thể, dự thảo Luật có quy định, việc tuyển dụng công chức vào vị trí việc làm được thực hiện thông qua thi tuyển, xét tuyển.

Người có tài năng từ khu vực ngoài công lập, viên chức, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức, người quản lý tại doanh nghiệp thực hiện tuyển dụng theo hình thức tiếp nhận.

Cơ quan quản lý công chức thực hiện tuyển dụng hoặc phân cấp thẩm quyền tuyển dụng cho cơ quan sử dụng công chức thực hiện.

Theo đề xuất của Chính phủ, căn cứ vào kết quả tuyển dụng, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức ban hành quyết định tuyển dụng, bố trí theo vị trí việc làm tuyển dụng và bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng đối với người trúng tuyển.

Các tin khác

Ra mắt Tập đoàn Tài chính Ngân hàng HD

Ngày 24.4, tại đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank – mã chứng khoán: HDB), ông Kim Byoungho - Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết năm 2025 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình đổi mới của HDBank khi chúng ta chính thức ra mắt Tập đoàn Tài chính Ngân hàng HD (HD Financial Group),

Lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng cao

Kết quả kinh doanh quý I năm nay của nhiều ngân hàng đạt mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh lãi suất duy trì ở mức thấp, cầu tín dụng tăng. Theo đó, lợi nhuận của nhiều ngân hàng đều tăng cao so với năm trước.

Dự án truyền tải điện quan trọng ở "thủ phủ tôm" Cà Mau

Cà Mau - thủ phủ nuôi tôm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long - có nhu cầu phụ tải rất cao, đặc biệt tại các huyện vùng bán đảo Cà Mau và huyện Châu Thành, nhu cầu điện tăng mạnh. Để đảm bảo nguồn điện ổn định liên tục cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã đầu tư nâng cấp đường dây 110 kV Rạch Giá 2 - Minh Phong nhằm nâng cao khả năng cấp điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, an sinh xã hội cho khu vực. Đây là một trong những dự án truyền tải điện quan trọng của vùng.

Giá điện tái tạo bất cập làm sao thu hút được đầu tư?

Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh vừa được phê duyệt có mục tiêu rất lớn khi chỉ trong 5 năm tới, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam sẽ gấp 2 - 2,8 lần so với hiện tại. Theo tính toán, mỗi năm ngành điện cần số vốn lên tới 27,6 tỷ USD. Các chuyên gia cho rằng, đây là bài toán nan giải trong thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là vấn đề liên quan đến giá điện.