Công nghệ

Hội thảo về bảo mật toàn diện trên đám mây

Tiếp nối sự kiện tại Hà Nội, hội thảo "Enhancing the security future - Kích hoạt tương lai bảo mật toàn diện" diễn ra tại TP HCM ngày 23/8 vừa qua đã nhận được sự quan tâm của đông đảo chuyên gia công nghệ hàng đầu Việt Nam cùng hơn 100 đại diện doanh nghiệp đến từ các lĩnh vực tài chính ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ, truyền thông và thương mại điện tử.

Đông đảo đại diện các doanh nghiệp và các chuyên gia trong ngành tham dự hội thảo Enhancing the security future - Kích hoạt tương lai bảo mật toàn diện tại TP HCM hôm 23/8.

Đông đảo đại diện các doanh nghiệp và các chuyên gia trong ngành tham dự hội thảo Enhancing the security future - Kích hoạt tương lai bảo mật toàn diện" tại TP HCM hôm 23/8. Ảnh: Viettel IDC

Góp mặt tại sự kiện với tư cách Phó giám đốc Trung tâm Hợp tác Kinh doanh của Viettel IDC, ông Nguyễn Trọng Bảo nhấn mạnh về tầm quan trọng của dữ liệu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Trên thế giới đã và đang có rất nhiều cuộc tấn công ngày càng tinh vi và nguy hại hơn nhằm vào dữ liệu của doanh nghiệp, bao gồm cả thủ đoạn sử dụng mã độc để đòi tiền chuộc từ doanh nghiệp, làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần phải chuyển đổi chiến lược của mình theo hướng ưu tiên bảo vệ tài nguyên dữ liệu của mình.

Quang cảnh hội thảo Enhancing the security future - Kích hoạt tương lai bảo mật toàn diện

Quang cảnh hội thảo Enhancing the security future - Kích hoạt tương lai bảo mật toàn diện". Ảnh: Viettel IDC

Ông Trần Văn Thành, Phó giám đốc Trung tâm Giải pháp và Dịch vụ số Viettel IDC dẫn số liệu của Bộ Thông tin Truyền thông và Trung tâm Giám sát An toàn Thông tin và An ninh mạng (Ban Cơ yếu Chính phủ) trong Hội nghị thượng đỉnh Bảo mật An toàn thông tin 2021 và 2022, 52% các cuộc tấn công đến từ khai thác lỗ hổng ở tất cả các layer (lớp) khác nhau từ data, ứng dụng, đến phần hypervisor, network và cơ sở hạ tầng (infrastructure). "Tất cả các thông tin đó cho chúng ta thấy các mối đe dọa trên không gian mạng ngày càng gia tăng. Chúng ta không có cách nào, chỉ có cách đối diện với nó", ông Thành nói. Theo ông, mỗi doanh nghiệp cần phải có những chiến lược bảo mật phù hợp với hiện trạng doanh nghiệp của mình, đảm bảo ba yếu tố: con người, quy trình và công cụ.

Bên cạnh các giải pháp chủ động bảo vệ, dự phòng và tăng cường bảo vệ hệ thống, ông Nguyễn Thành Công, đại diện Nessar cũng chia sẻ tới khách hàng nền tảng Open XDR Platform. Giải pháp này có thể xem là Full SOC in one box, đang là xu hướng cho việc xây dựng trung tâm điều hành an ninh mạng SOC/VSOC, MSSP toàn diện, hiệu quả, thông minh và tiết kiệm chi phí.

Hiện nay, nguồn lực an toàn thông tin tại Việt Nam đang khá khan hiếm, chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp lớn trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thực sự chú trọng an toàn thông tin. Các doanh nghiệp chỉ bắt đầu nghĩ đến việc đầu tư sau khi gặp vấn đề và rút kinh nghiệm cho lần sau, chứ chưa phải là một tâm thế chủ động phòng chống. Qua hội thảo, những góc nhìn toàn diện về thách thức trong việc bảo mật trên điện toán đám mây được mang ra mổ xẻ, cùng với đó là chiến lược bảo vệ dữ liệu chủ động. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tìm cho mình một giải pháp bảo mật thiết thực trên đám mây.

Là nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hàng đầu tại Việt Nam với hệ sinh thái hơn 30 sản phẩm, dịch vụ, Viettel IDC giới thiệu những giải pháp phát triển, vận hành, cho đến giải pháp bảo mật dữ liệu - bước cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng đối với các doanh nghiệp. Mới đây, vào tháng 3/2022, Viettel IDC đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng. Đây được xem là chìa khóa quan trọng giúp Viettel IDC mang đến những dịch vụ bảo mật đáng tin cậy cho doanh nghiệp Việt Nam.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm