"Nếu được sinh ra vào năm 2000 trước Công nguyên ở dãy núi Alps, chắc tôi cũng vẫn trầm cảm, nhưng tình trạng này trở nên tồi tệ hơn vì môi trường sinh sống hiện nay", C, 22 tuổi sống tại thành phố Salt Lake của Mỹ, nói.
C thường nằm ôm iPod Touch quá nửa đêm, lướt mạng xã hội, và chia sẻ ảnh. Nhiều người khen ngợi ảnh của cô gái trẻ. Tuy nhiên, đi kèm với đó là hàng loạt bình luận khiếm nhã và bức ảnh tục tĩu từ những người đàn ông lạ.
"Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Bạn phải làm gì khi có người gửi những hình ảnh ghê tởm vào tin nhắn? Không gì cả, hãy phớt lờ nó đi", C nói.
Điều này không mang lại kết quả. Internet bắt đầu tác động đến tâm lý của C. Cô bị trầm cảm và tìm đến bạn bè đồng cảnh ngộ trên mạng, thậm chí học cách tự làm hại bản thân.
"Tôi không muốn đổ lỗi cho Internet, nhưng thực sự tôi muốn nói đó là lỗi của Internet", C nói.
Tình trạng sức khỏe tâm thần của nhiều thanh thiếu niên đã lao dốc từ trước Covid-19, nhưng giờ đây trở thành khủng hoảng toàn diện, tác động tới lượng lớn người trẻ tuổi. Xu thế này cũng đi kèm với sự gia tăng thời gian online của thiếu niên. Mạng xã hội thường bị coi là thủ phạm chính. Tháng 9/2021, Wall Street Journal công khai kết quả khảo sát của Facebook rằng 40% nữ giới dùng Instagram cảm thấy tự tự, kém hấp dẫn vì so sánh với những gì họ thấy trên nền tảng này.
Thực tế còn phức tạp hơn thế. Hàng loạt nghiên cứu đã cho thấy tương tác trên thế giới ảo có thể tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ, cả tích cực và tiêu cực, tùy thuộc trạng thái tâm lý của từng người. "Internet là chất xúc tác và phóng đại", Byron Reeves, giáo sư ngành truyền thông ở Đại học Stanford của Mỹ, nhận xét.
Bất chấp mạng lưới bạn bè rộng lớn trên mạng, giới trẻ ngày càng trở nên cô độc. Một số nghiên cứu cho thấy thanh thiếu niên dành nhiều thời gian trên mạng lại ít hạnh phúc hơn.
C lớn lên trong gia đình trung lưu và thể hiện năng khiếu âm nhạc từ bé. Tuy nhiên, vấn đề sức khỏe tâm thần từng xuất hiện trong gia đình cô gái. "Tôi bắt đầu dậy thì khi còn đang học tiểu học. Đột nhiên bộ não hoạt động nhanh gấp 20 lần với những thứ đen tối", C nhớ lại.
Ở tuổi lên 10, C gia nhập Mini Nation, cộng đồng online với mục đích tìm kiếm bạn bè, nhưng lại mang đến sự quấy rối. C không nói với bố mẹ vì sợ bị tịch thu iPod. "Đó là kết nối duy nhất của tôi với thế giới bên ngoài", C nói.
Các vụ tự cắt tay ngày càng nhiều hơn. " Tự hại giống như giờ nghỉ ngơi. Tôi sẽ cắt tay, xem YouTube, nghỉ ngơi rồi lại tự cắt tay", C nhớ lại.
Sau khi một bạn học báo cho giáo viên về những vết thương trên tay C, cô bé được đưa vào viện tâm thần điều trị một tuần. Bác sĩ kê thuốc và cho cô xuất viện. Gia đình C chuyển tới bang Utah với hy vọng có khởi đầu mới, nhưng các thách thức với cô vẫn xuất hiện khắp nơi.
Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy mạng xã hội là con dao hai lưỡi, mở ra mạng lưới hỗ trợ mới nhưng cũng khiến các thanh thiếu niên đối mặt với sự thù ghét. "Có hàng nghìn tin nhắn thù hận có thể được gửi đi trong chớp mắt", Gary Harper, giáo sư tại Đại học Michigan, nhận xét.
Sau nhiều năm đau khổ và tự tìm hiểu bản thân, quan hệ giữa C và Internet đang trải qua sự chuyển dịch đáng kể. Ở tuổi 15, cô phải nhập viện một tuần và lâu hơn thế khi bước sang 18 tuổi. "Làm sao có thể tin mọi chuyện sẽ tốt hơn khi bộ não lớn lên nhưng bạn vẫn bị đối xử như trẻ con. Bên cạnh đó là chứng trầm cảm. Nó khiến tôi cảm thấy không muốn sống", C nói.
Trong đợt nhập viện thứ hai, C gặp một bác sĩ tâm lý và trao đổi về những đợt lạm dụng trên mạng trong quá khứ. "Đó là lần đầu tôi công khai thừa nhận rằng thời gian lên mạng từ khi 10 tuổi không có lợi cho sức khỏe của mình", C nhớ lại. Cô dần thoát khỏi "vùng tối" trên Internet.
Đầu năm nay, C hoàn thành khóa học nghiên cứu sinh bộ môn khoa học phát biểu và thính giác. Cô cũng đóng vai trò ca sĩ, nhạc sĩ và chơi đàn trong một ban nhạc. "Giờ đây tôi cảm thấy có sức sống và theo đuổi âm nhạc, không còn là cô bé chỉ để người khác ngắm nhìn trên mạng. Tôi thấy mình đang nắm quyền kiểm soát cuộc sống bản thân", C cho hay.
(theo New York Times)