Tài chính

Hồi chuông cảnh tỉnh từ thảm họa sóng thần

Các buổi lễ đã diễn ra khắp châu Á trong ngày 26-12 để tưởng nhớ khoảng 230.000 người thiệt mạng khi trận động đất mạnh cấp độ 9,1 gây sóng thần tàn phá các bờ biển quanh Ấn Độ Dương cách đây 20 năm. Sóng thần đã tấn công hơn 10 quốc gia và lan tới tận Đông Phi, khiến khoảng 1,7 triệu người mất nhà cửa.

Sóng thần cao đến 51 m

Theo hãng tin Kyodo, Indonesia có người thiệt mạng nhiều nhất trong thảm họa thiên nhiên tồi tệ này với hơn 160.000 người tại tỉnh Aceh.

Tại buổi lễ ở làng Ulee Lheue, tỉnh Aceh, nhiều người bật khóc trước ngôi mộ tập thể, nơi hơn 14.000 nạn nhân sóng thần chưa được nhận dạng và không có người thân nhận chôn cất. Theo đài Sky News, đây là một trong số nhiều ngôi mộ tập thể ở Banda Aceh, thủ phủ của Aceh. Văn phòng Giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết tại Aceh, sóng thần cao đến 51 m và gây ngập lụt sâu vào đất liền tới 5 km.

Sri Lanka là nước có nhiều thương vong thứ 2 với hơn 35.000 người thiệt mạng, theo sau là Ấn Độ (gần 16.400 người). Trong khi đó, Thái Lan có hơn 5.000 người thiệt mạng trong thảm họa, trong đó một nửa là du khách nước ngoài.

Ông Bernado Aliaga, người đứng đầu chương trình tăng cường khả năng chống chịu với sóng thần của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), nhận định thảm họa nói trên đã gióng lên "hồi chuông cảnh tỉnh" về những hiểm họa tương tự. Theo trang Euronews, khoảng 700 triệu người đang sống tại những khu vực dễ bị tổn thương bởi các mối nguy hiểm từ đại dương. Con số này dự kiến đạt một tỉ người vào năm 2050. Dù khoảng 80% sóng thần được tạo ra bởi động đất, chúng cũng có thể được kích hoạt bởi lở đất dưới đáy biển và núi lửa.

Một người đàn ông cầu nguyện tại ngôi mộ tập thể ở làng Ulee Lheue, TP BandaAceh - Indonesia  ngày 26-12. Ông đã mất nhiều người thân trong thảm họa sóng thần năm 2004Ảnh: Reuters

Một người đàn ông cầu nguyện tại ngôi mộ tập thể ở làng Ulee Lheue, TP BandaAceh - Indonesia ngày 26-12. Ông đã mất nhiều người thân trong thảm họa sóng thần năm 2004Ảnh: Reuters

Nâng cao nhận thức cộng đồng

Ngoài ra, thảm họa năm 2004 cũng thay đổi vĩnh viễn bộ mặt của khoa học về sóng thần. Vào thời điểm đó, việc không có cảnh báo về sóng thần sắp ập đến khiến người dân không kịp sơ tán dù có khoảng thời gian dài giữa các đợt sóng đánh vào những lục địa khác nhau. Theo sau thảm họa kinh hoàng này, LHQ đã tổ chức các cuộc họp nhằm thúc đẩy sự chuẩn bị tốt hơn tại các quốc gia dễ bị tổn thương.

Hiện nay, các trung tâm quốc tế và các quốc gia theo dõi động đất suốt ngày đêm. Trong khi đó, Hệ thống Cảnh báo sóng thần và Đánh giá đại dương (DART) sử dụng phao theo dõi thay đổi áp suất trên đáy biển nhằm xác định xem có sóng thần được tạo ra hay không. Có 75 phao DART được triển khai khắp các đại dương. Ngoài ra, khoảng 1.400 trạm giám sát mực nước biển đang cung cấp dữ liệu thời gian thực khắp Ấn Độ Dương, so với 1 trạm hồi năm 2004. Theo trang Guardian, hiện có 3 hệ thống cảnh báo sớm bao phủ khu vực Ấn Độ Dương, lần lượt đặt tại Indonesia, Úc và Ấn Độ.

"Vào năm 2003, chúng tôi mất khoảng 15 đến 20 phút, có khi lên đến 50 phút, để biết có động đất và xác định rằng sóng thần đã hình thành" - bà Laura Kong, Giám đốc Trung tâm Thông tin sóng thần quốc tế ở TP Honolulu, bang Hawaii - Mỹ, nhớ lại. Giờ đây, theo bà Kong, thời gian này đã giảm còn 5-7 phút nhờ có thêm nhiều trạm và thuật toán tốt hơn, cho phép phát đi cảnh báo trước khi sóng thần ập đến.

Một bước tiến đáng kể nữa là nâng cao nhận thức cộng đồng. Ngoài cảnh báo sớm, theo các chuyên gia, điều quan trọng không kém là hướng dẫn người dân về những việc cần làm khi nhận được cảnh báo. Có thể làm điều này thông qua việc lập bản đồ sơ tán, thông báo công khai, cảnh báo qua điện thoại di động, hoạt động diễn tập... Các cộng đồng cũng cần học cách nhận biết dấu hiệu sóng thần ngay cả trước khi nhận được cảnh báo chính thức.

Tại tỉnh Aceh - Indonesia, theo đài Sky News, hệ thống cảnh báo sớm đã được lắp đặt ở các khu vực ven biển. Ngoài ra, các trường học, bệnh viện và cơ sở hạ tầng thiết yếu bị phá hủy bởi thảm họa đã được xây dựng lại với độ bền và kiên cố cao hơn so với 20 năm trước. Riêng ở TP Banda Aceh, các cộng đồng nghệ thuật cứ vào đầu tháng 12 mỗi năm có các buổi biểu diễn kịch hoặc âm nhạc nhằm lan tỏa nhận thức về thảm họa.

Dù vậy, giới chuyên gia chỉ ra những lỗ hổng như thiếu hệ thống giám sát sóng thần do các yếu tố phi địa chấn gây ra, chẳng hạn sạt lở dưới đáy biển. Ngoài ra, cần có các chương trình giáo dục liên tục tại những cộng đồng có nguy cơ nhằm chuẩn bị cho thảm họa trong tương lai. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm