Như Dân trí đưa tin, ngày 16/7, đại diện Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận xác nhận đã phẫu thuật thành công, lấy gần 0,5kg tóc trong bụng một bé trai 5 tuổi.
Trước đó ngày 12/3, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi cho biết các bác sĩ đã phẫu thuật lấy gần 1kg tóc trong dạ dày bé gái 12 tuổi.

Búi tóc được lấy từ dạ dày của bệnh nhi (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận).
Trong quá trình thăm khám cho cả 2 bé, các bác sĩ phát hiện khối cứng có tóc ở khu vực ổ bụng, cản trở hệ tiêu hoá hoạt động dẫn đến các triệu chứng phải nhập viện. Sau khi phẫu thuật lấy búi tóc ra khỏi dạ dày, các bé đều nhanh chóng hồi phục sức khỏe, ăn uống trở lại bình thường.
Các bác sĩ cảnh báo tình trạng rối loạn tâm lý với biểu hiện thích ăn tóc, dẫn đến việc tắc nghẽn dạ dày, cản trở quá trình tiêu hoá. Hội chứng này được biết tới với tên gọi Hội chứng Rapunzel (hội chứng công chúa tóc mây).
Hội chứng lạ khiến trẻ thích ăn tóc
Hội chứng Rapunzel là một hội chứng hiếm gặp, đặc trưng là thói quen ngậm, ăn tóc của chính mình hoặc của người khác. Ở trẻ nhỏ, nhiều trẻ có thói quen tự bứt tóc hoặc nhặt tóc rụng để nếm thử rồi nuốt vào bụng.
Với các búi tóc lớn được lấy ra từ dạ dày, có thể thói quen này đã được trẻ duy trì trong một thời gian dài.
Tóc vào dạ dày không thể tiêu hoá, tích tụ thành các búi trong ổ bụng, cản trở việc tiêu hoá thức ăn gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới sức khoẻ như tắc ruột, viêm loét thậm chí thủng ruột.
Nguyên nhân của chứng ăn tóc ở trẻ có thể đến từ cả thói quen lẫn các ảnh hưởng tâm lý.
Việc ăn tóc có thể xuất phát từ hành vi sờ vào tóc, bứt tóc hoặc gãi đầu dẫn tới tóc rụng.
Hành vi này lặp lại nhiều lần tạo thành thói quen, trẻ có thể sẽ vô thức “vò đầu bứt tóc” hoặc thậm chí tự giật đứt tóc để thoả mãn hoặc giảm cảm giác lo âu, căng thẳng.
Với những sợi tóc đã rụng, trẻ sẽ nếm, nuốt để che giấu chúng. Về lâu dài, tóc sẽ tụ lại thành khối ở ổ bụng, cản trở hệ tiêu hoá làm việc.
Trẻ mắc hội chứng Rapunzel có thể mắc các chứng rối loạn tâm thần liên quan đến tóc như chứng nhổ tóc (trichotillomania) và chứng ăn tóc (trichophagia). Cả hai chứng rối loạn tâm thần này dẫn tới sự kích thích thần kinh của hành vi tự làm đứt tóc và ăn tóc ở trẻ.

Hội chứng Rapunzel có thể biểu hiện qua thói quen hay bứt tóc của trẻ (Ảnh minh hoạ: DallE).
Ngoài ra, hội chứng Pica ở trẻ nhỏ cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến thói quen ăn tóc. Pica là chứng rối loạn ăn uống khiến trẻ nhai, nuốt các thứ không được xem là thực phẩm, trong đó có tóc.
Hội chứng Pica có thể hình thành do nhiều nguyên nhân như thiếu hụt dinh dưỡng, rối loạn phát triển, thiếu sự quan tâm cần thiết hay căng thẳng… khiến trẻ không tự nhận thức được thực phẩm nên ăn.
Các thuật ngữ y khoa gọi các vùng tích tụ xơ có nguồn gốc từ con người hoặc động vật là bezoar. Không chỉ tóc, nhiều loại lông khác như lông mày, lông mi, râu ria mép, lông vùng kín… thậm chí các loại sợi, rơm cũng nằm trong danh sách các dị vật tạo thành bezoar.
Trong hầu hết trường hợp, để loại bỏ bezoar cần đến các cuộc phẫu thuật mở ổ bụng.
Nhận biết trẻ mắc hội chứng Rapunzel
Có tới 70% trẻ dưới 16 tuổi, đặc biệt là các bé gái dễ mắc phải hội chứng Rapunzel.

Phụ huynh cần lưu ý khi con có các biểu hiện liên tục gãi đầu, bứt tóc (Ảnh minh hoạ: Dall.E).
Phụ huynh cần chú ý khi con trẻ có các biểu hiện bất thường như thường xuyên gãi, bứt tóc; da đầu ngày càng mỏng, có các mảng tóc thưa rõ ràng; đau bụng, buồn nôn, khó tiêu, chán ăn do đường tiêu hoá có dị vật chèn ép...
Khi nhận thấy con trẻ có các biểu hiện của hội chứng Rapunzel, cha mẹ cần đưa con đến các cơ sở y tế để có các can thiệp y tế kịp thời.
Trẻ cần được chữa trị bằng cả thuốc và các liệu pháp tâm lý sau phẫu thuật. Tuy nhiên, thói quen ăn, nuốt tóc xuất phát từ hành vi nên nếu không được điều trị tâm lý triệt để, trẻ rất dễ tái diễn hành động này.