Khoa học

Làm gì khi tàu bắt đầu chìm: Kỹ năng sống còn ai cũng cần biết

Vụ lật tàu khách QN-7105 trên vùng biển Hạ Long đã đặt ra những câu hỏi cấp thiết về an toàn hàng hải, đặc biệt là kỹ năng thoát hiểm của hành khách trong các tình huống khẩn cấp.

Anh Phạm Quốc Việt, Đội trưởng Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trang bị kỹ năng thoát hiểm, cho rằng đây là yếu tố then chốt giúp tăng cơ hội sống sót khi xảy ra sự cố chìm tàu.

Cần trang bị kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm

"Nhiều người cho rằng tai nạn là điều hiếm khi xảy ra. Nhưng khi sự cố bất ngờ ập đến, liệu chúng ta có đủ kỹ năng để tự cứu mình và cả người thân?", anh Việt chia sẻ.

Làm gì khi tàu bắt đầu chìm: Kỹ năng sống còn ai cũng cần biết - 1

Anh Phạm Quốc Việt, Đội trưởng Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel (Ảnh: Toàn Vũ).

Quan trọng nhất là phải trang bị trước kỹ năng bơi lội và sinh tồn dưới nước (bơi thành thạo, thả nổi, giữ ấm, vượt sóng lớn), kỹ năng sơ cứu và cấp cứu cơ bản (xử lý vết thương, hô hấp nhân tạo cho người đuối nước) và kỹ năng sử dụng thiết bị an toàn (áo phao, phao cứu sinh, pháo hiệu, bộ đàm, la bàn). 

Ngoài ra, thuyền viên cũng cần biết kỹ năng sinh tồn trên biển (tạo tín hiệu, thu thập nước, tìm thức ăn, xây nơi trú ẩn) và kỹ năng phòng ngừa, ứng phó sự cố (kiểm tra tàu thuyền, nắm quy tắc an toàn hàng hải, lập kế hoạch chuyến đi, ứng phó cháy nổ).

Biết cách thoát hiểm

Khi mới lên tàu, bạn cần quan sát kỹ vị trí lối thoát hiểm, áo phao, xuồng cứu sinh, các thiết bị khẩn cấp, lắng nghe kỹ hướng dẫn an toàn của thuyền viên.

Theo Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) và U.S. Coast Guard, thời gian phản ứng hiệu quả nhất là khi tàu vẫn còn cân bằng hoặc chỉ bị nghiêng nhẹ. Đây là giai đoạn vàng để sơ tán.

Làm gì khi tàu bắt đầu chìm: Kỹ năng sống còn ai cũng cần biết - 2

Lực lượng chức năng cứu hộ du thuyền bị lật (Ảnh: Minh Khôi).

Ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường như nước tràn vào khoang, tàu nghiêng mạnh, động cơ mất kiểm soát hoặc nhận cảnh báo thời tiết xấu, hành khách cần lập tức mặc áo phao đúng cách. Áo phao cần được buộc chặt quanh ngực và giữa hai chân.

Việc rời tàu nên được thực hiện theo hướng dẫn của thuyền viên. Hành khách nên di chuyển ra khu vực boong thoáng, giữ khoảng cách đều nhau để không dồn tải trọng một bên. Nếu có xuồng cứu sinh, ưu tiên cho trẻ em và người già lên trước.

Duy trì thân nhiệt, tránh bị sốc lạnh

Theo anh Việt, để duy trì thân nhiệt và tránh sốc lạnh khi rơi xuống biển trong thời gian dài, điều quan trọng là phải hạn chế cử động tối đa bằng cách áp dụng tư thế HELP (co gối lên ngực, ôm chặt) nếu đơn độc hoặc tư thế Huddle (ôm sát vào nhau) nếu có nhiều người. 

Hãy luôn giữ phần đầu và cổ trên mặt nước vì đây là những vùng mất nhiệt nhanh nhất. 

Mặc càng nhiều quần áo càng tốt (kể cả khi ướt) vì chúng tạo ra một lớp cách nhiệt mỏng. Tuyệt đối tránh uống nước biển và cố gắng giữ bình tĩnh, kiểm soát hơi thở để không tiêu hao năng lượng. 

Hạn chế tối đa vùng da tiếp xúc với nước và tận dụng mọi thiết bị nổi có sẵn để tiết kiệm sức lực. Nếu có thể, hãy tìm kiếm nơi trú ẩn hoặc bám vào vật thể lớn.

Mặc áo phao, bám vào vật nổi

"Điều cốt lõi khi gặp sự cố tàu chìm là phải giữ được bình tĩnh và mặc áo phao càng sớm càng tốt. Ngay sau đó, cần nhanh chóng xác định lối thoát gần nhất, tiếp cận các thiết bị an toàn như phao, bè cứu sinh và tuyệt đối không quay lại lấy tài sản cá nhân", anh Việt phân tích.

Khi rời tàu, nên nhảy chân xuống trước, cách xa thân tàu để tránh bị hút vào và nhanh chóng bơi ra xa khoảng 100-200m.

Nhiều trường hợp thương vong đáng tiếc xảy ra do tâm lý cố quay lại lấy điện thoại, túi xách hay hành lý. Đây là phản xạ nguy hiểm không chỉ trong sự cố tàu chìm mà còn trong các tình huống khẩn cấp như cháy nhà, sập hầm. 

Ưu tiên hàng đầu phải là giữ mạng sống, thoát khỏi khu vực nguy hiểm càng nhanh càng tốt.

Lưu ý khi sơ cứu người bị sặc nước

Chuyên gia này cho biết, khi gặp người bị sặc nước, điều đầu tiên là phải nhanh chóng đánh giá tình trạng nạn nhân (ý thức, hô hấp, mạch). Nếu nạn nhân tỉnh và còn ho được, cần khuyến khích họ ho mạnh để tống nước ra ngoài, không nên dốc ngược hay ép bụng sai cách.

Trong trường hợp nạn nhân bất tỉnh hoặc có dấu hiệu ngừng thở/ngừng tim, cần gọi cấp cứu 115 ngay lập tức và thực hiện hồi sinh tim phổi (CPR) nếu cần (ép tim kết hợp thổi ngạt).

Quan trọng là phải giữ ấm cho nạn nhân sau khi sơ cứu và luôn đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để kiểm tra, tránh nguy cơ đuối nước thứ cấp.

Theo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam, năm 2024, đã có 1.118 người gặp nạn trên biển được lực lượng hàng hải Việt Nam cứu và hỗ trợ kịp thời.

Công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển hiện đối mặt với nhiều thách thức khi lực lượng và phương tiện còn mỏng, năng lực ứng phó trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt ở vùng biển xa, còn hạn chế. 

Sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan khiến số vụ tai nạn hàng hải ngày càng nhiều, đồng thời gây cản trở lớn cho hoạt động cứu hộ. 

Các tin khác

Trung Nguyên Legend phát triển hệ thống giáo dục quốc tế tại Thành Phố Cà Phê

Ngày 20.7.2025, Trung Nguyên Legend chính thức ký kết hợp tác chiến lược phát triển giáo dục với hệ thống trường INschool thuộc Tổ chức Giáo dục Interlink Education và hệ thống trường Xanh Tuệ Đức nhằm triển khai hệ thống trường mầm non, tiểu học chuẩn quốc tế tại khu đô thị Thành Phố Cà Phê.

Giá nhà tiếp tục tăng

Thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đà phục hồi nhưng diễn biến chậm, chưa có đột phá. Giá cả có thể tăng nhẹ ở một số phân khúc do có sự điều tiết của bảng giá đất mới nhưng sẽ không có biến động mạnh.

Điểm tên công ty chứng khoán thực lãi trên 100 tỷ đồng

Kết thúc quý II/2025, 17 công ty chứng khoán ghi nhận lợi nhuận sau thuế trên 100 tỷ đồng, tổng giá trị chiếm 91% toàn ngành. Trong khi nhiều đơn vị duy trì đà tăng trưởng ổn định hoặc lập kỷ lục lợi nhuận, vẫn có một số trường hợp sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ.

"Gấu ơi về nhà đi con ngoài biển lạnh lắm"

Tiếng gào khóc của người thân xé toang màn đêm 'Gấu ơi về nhà đi con' khiến ai cũng không cầm được nước mắt, mong nạn nhân 6 tuổi trong vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long sớm được tìm thấy.