Sức khỏe

Trở về từ Anh quốc, Tiến sĩ Việt khao khát đưa Việt Nam lên bản đồ Neurotech: ‘Tâm trí là tài nguyên mạnh mẽ nhất của con người và khoa học là chìa khóa để chúng ta hiểu và làm chủ nó!’

Vi Chí Thành sinh năm 1984, lớn lên tại vùng trung du Phú Thọ. Anh theo học ngành Điện tử - Viễn thông tại Đại học Bách Khoa Hà Nội và tốt nghiệp năm 2006 với thành tích xuất sắc. Hai năm sau, anh giành được học bổng toàn phần từ Chính phủ Anh để học Thạc sĩ tại Đại học Bristol - một trong những trung tâm hàng đầu về khoa học máy tính và tương tác người - máy ở châu Âu.

Trở về từ Anh quốc, Tiến sĩ Việt khao khát đưa Việt Nam lên bản đồ Neurotech: ‘Tâm trí là tài nguyên mạnh mẽ nhất của con người và khoa học là chìa khóa để chúng ta hiểu và làm chủ nó!’- Ảnh 1.

Khi bắt đầu chương trình Tiến sĩ, anh Thành chọn đi theo một hướng khá mới tại thời điểm đó: nghiên cứu tín hiệu điện não (EEG) để tạo ra các giao diện kết nối giữa não người và thiết bị kỹ thuật số - còn gọi là BCI (Brain–Computer Interface). " Lúc đầu, tôi đơn giản nghĩ đó là một công cụ để giúp người khuyết tật giao tiếp với máy tính. Nhưng càng đi sâu, tôi càng nhận ra bộ não là một thế giới phức tạp, đầy tiềm năng. Và nếu hiểu đúng, chúng ta có thể mở ra cả một hệ sinh thái ứng dụng mới", anh kể lại.

Trong 10 năm làm việc tại Anh, anh cộng tác với nhiều nhóm nghiên cứu quốc tế, tham gia phát triển các thiết bị giao tiếp não - máy, các hệ thống cảm nhận đa giác quan và nhiều công trình học thuật chuyên sâu. Thành tích của anh ghi nhận qua hơn 20 bài báo quốc tế, các dự án hợp tác cùng Đại học Sussex và Đại học Bristol, đặc biệt là với nhóm nghiên cứu của Giáo sư Sriram Subramanian – một trong những người tiên phong trong công nghệ tương tác cảm ứng 3D.

Trở về Việt Nam, anh giữ vị trí Giảng viên tại Trường Khoa học Máy tính và Kỹ thuật, Đại học Quốc tế – ĐHQG-HCM. Cùng lúc, anh đặt nền móng cho Brain-Life, công ty khởi nghiệp chuyên về giải pháp BCI kết hợp AI phục vụ sức khỏe tinh thần, chăm sóc stress, cải thiện tập trung và nâng cao chất lượng sống. T rong văn phòng nhỏ tại TP.HCM, một thiết bị nhỏ đang đọc tín hiệu não người để gợi ý trạng thái stress - đó không phải viễn tưởng, mà là hiện thực đang được tạo dựng.

Chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng Tiến sĩ Vi Chí Thành, lắng nghe những chia sẻ của anh về hành trình đào tạo chương trình học thuật quốc tế, lựa chọn trở về và khát vọng kiến tạo một hệ sinh thái công nghệ thần kinh tại Việt Nam.

Từ Bristol đến TP.HCM: Hành trình của một nhà khoa học EEG Việt

Hành trình nghiên cứu của tiến sĩ bắt đầu từ đâu và vì sao anh chọn lĩnh vực giao diện não - máy, một lĩnh vực được coi là mới mẻ ở Việt Nam ở thời điểm 15-20 năm trước?

Tôi sinh năm 1984 tại Phú Thọ. Sau khi tốt nghiệp ngành Điện tử Viễn thông tại Bách Khoa Hà Nội năm 2006, tôi giành học bổng du học tại Đại học Bristol, Anh Quốc, nơi tôi theo học Thạc sĩ và sau đó là Tiến sĩ về Khoa học Máy tính. Khoảng 2010, tôi bắt đầu tiếp xúc với lĩnh vực EEG - phân tích tín hiệu điện não, và nhận ra tiềm năng to lớn của nó: kết nối giữa khoa học, máy tính và tâm trí con người.

EEG cho phép chúng ta "đọc" các trạng thái thần kinh một cách không xâm lấn. Từ đó, tôi theo đuổi BCI - giao diện não - máy, để tìm cách biến tín hiệu sóng não thành đầu vào cho hệ thống máy tính, giúp tăng khả năng giao tiếp hoặc điều khiển cho con người.

Sau khi bảo vệ xong luận án, tôi làm trợ lý nghiên cứu tại Bristol, rồi chuyển sang Sussex. Tôi có cơ hội hợp tác cùng các giáo sư đầu ngành như GS. Sriram Subramanian, và làm việc trong các nhóm nghiên cứu về trải nghiệm đa giác quan – như việc não bộ phản ứng thế nào với âm thanh, rung động, hình ảnh khi chúng được tích hợp.

Nhiều người sẽ chọn ở lại châu Âu để tiếp tục nghiên cứu, vì sao anh quyết định trở về?

TS. Vi Chí Thành: Thời điểm đầu năm 2021 khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra vô cùng căng thẳng, vì một sự thôi thúc lớn: cảm giác mình có thể tạo tác động lớn hơn nếu quay trở về Việt Nam. Tôi không chỉ muốn nghiên cứu trong phòng lab, mà muốn đưa những gì tôi biết ra đời sống, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tinh thần, vốn đang rất cần thiết nhưng còn thiếu giải pháp.

Đầu năm 2023, tôi sáng lập Brain-Life với giấc mơ: Mang công nghệ não - máy ra khỏi phòng lab, để bất kỳ ai cũng có thể hiểu và quản lý tâm trí mình một cách khoa học.

Trở về từ Anh quốc, Tiến sĩ Việt khao khát đưa Việt Nam lên bản đồ Neurotech: ‘Tâm trí là tài nguyên mạnh mẽ nhất của con người và khoa học là chìa khóa để chúng ta hiểu và làm chủ nó!’- Ảnh 2.

"Người Việt có quyền hiểu tâm trí của mình bằng công nghệ do người Việt làm ra"

Brain-Life có gì khác biệt so với các thiết bị đo như đồng hồ thông minh hay vòng tay thông minh - vốn cũng đo nhịp tim, giấc ngủ, cảnh báo - theo dõi sức khoẻ?

Khác biệt lớn nhất là chúng tôi đo trực tiếp hoạt động điện não chứ không chỉ dựa vào nhịp tim hay giấc ngủ như smartwatch. Thiết bị không phát sóng, không bluetooth, mà là cảm biến thụ động - hoàn toàn an toàn sinh học. Dữ liệu thu được cho phép chúng tôi phát hiện dấu hiệu stress, căng thẳng, mất tập trung… và từ đó đưa ra lời khuyên. Với người dùng phổ thông, thiết bị hoạt động gần giống một "huấn luyện viên tinh thần". Với bác sĩ, nó là công cụ hỗ trợ theo dõi và đánh giá bệnh nhân theo thời gian thực. Tất cả dữ liệu được mã hóa, lưu trữ trên nền tảng điện toán đám mây và cá nhân hóa cho từng người.

Chúng tôi xây dựng một nền tảng thiết bị đeo đầu sử dụng công nghệ cảm biến thần kinh tiên tiến như EEG (điện não đồ), fNIRS (cảm biến quang học đo lưu lượng máu não) và PPG (nhịp tim), kết hợp với trí tuệ nhân tạo để đo lường trạng thái tâm trí theo thời gian thực. Không chỉ dừng ở việc "biết", Brain-Life còn cung cấp can thiệp cá nhân hóa, giúp người dùng điều chỉnh, lấy lại sự tập trung, giảm stress hay tránh kiệt sức - đúng lúc, đúng cách.

Trở về từ Anh quốc, Tiến sĩ Việt khao khát đưa Việt Nam lên bản đồ Neurotech: ‘Tâm trí là tài nguyên mạnh mẽ nhất của con người và khoa học là chìa khóa để chúng ta hiểu và làm chủ nó!’- Ảnh 3.

Ứng dụng AI đa mô hình để cá nhân hóa từng người dùng được cụ thể hoá trên Brain-Life như thế nào, thưa Tiến sĩ?

Dữ liệu não được xử lý bằng hệ thống AI đa mô hình (Multimodal Machine Learning), giúp phân tích trạng thái tinh thần theo từng người dùng, từng thời điểm, từ đó đưa ra gợi ý tức thì như nghỉ ngắn, tập thở, âm thanh thư giãn, âm thanh kích hoạt sóng alpha, hoặc nhắc đổi công việc.

Brain-Life gọi đây là "Smartwatch for the Mind", không chỉ theo dõi, mà chủ động điều tiết trí tuệ. Brain-Life Focus là sự kết hợp giữa công nghệ giao diện não- máy (BCI) và AI đa mô hình (multimodal AI) – một hướng đi tiên phong giúp hiểu trạng thái tinh thần của con người một cách toàn diện và chính xác hơn.

Về BCI, thiết bị sử dụng các cảm biến đo sóng não EEG, tuần hoàn não (fNIRS), và nhịp tim (PPG), để ghi lại dữ liệu sinh lý trong thời gian thực. Nhờ thiết kế gọn nhẹ, người dùng có thể sử dụng tại nhà, trường học hay nơi làm việc thay vì phải đến phòng lab hay bệnh viện như các hệ thống truyền thống.

Về AI đa mô hình, chúng tôi phát triển các thuật toán kết hợp đồng thời dữ liệu EEG, fNIRS và PPG, nhằm tăng độ chính xác trong việc phân tích các trạng thái như: tập trung, mệt mỏi, căng thẳng, hay mất động lực. Mỗi người sẽ có một "mô hình AI cá nhân hóa", giúp đưa ra khuyến nghị phù hợp nhất với thể trạng và hành vi của họ.

Về kiểm chứng khoa học, công nghệ này được phát triển dựa trên hơn 10 năm nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực thần kinh học, HCI và học máy, với các bài báo đã được công bố trên các tạp chí và hội nghị khoa học quốc tế uy tín như CHI, UIST, IJHCS… Ngoài ra, phiên bản Alpha của thiết bị đã được thử nghiệm thực tế tại các trường đại học và phòng lab tại Việt Nam, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ – với kết quả cho thấy tính ứng dụng cao và tiềm năng mở rộng.

Dữ liệu có thể hỗ trợ bác sĩ kê đơn hoặc can thiệp không, thưa Tiến sĩ?

Nếu người dùng đồng ý chia sẻ dữ liệu, bác sĩ có thể đánh giá xem bệnh nhân có cải thiện sau khi dùng thuốc không. Dữ liệu này tạo thành nền tảng học máy y–sinh (biomedical machine learning), giúp phát hiện sớm các trạng thái như trầm cảm, burnout, hoặc nguy cơ lo âu kéo dài.

Tâm trí là tài nguyên mạnh mẽ nhất mà chúng ta có!

Được biết sản phẩm có giá 3-5 triệu đồng - mức giá rẻ 1/3-1/5 so với thiết bị y tế tương tự trên thế giới. Bên cạnh đó, "Made in Vietnam" trong lĩnh vực y - sinh thường gặp rào cản niềm tin. Tiến sĩ nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Mức chi phí 3-5 triệu đồng đã bao gồm thiết bị phần cứng và ứng dụng di động (mobile app) đi kèm, giúp người dùng theo dõi, quản lý và truy cập dữ liệu một cách thuận tiện. Chúng tôi hiểu rằng nhu cầu sử dụng có thể khác nhau giữa từng cá nhân và tổ chức. Do đó, ngoài gói tiêu chuẩn, người dùng hoàn toàn có thể nâng cấp hoặc mở rộng tính năng theo nhu cầu cụ thể. Ví dụ: Nếu cần theo dõi trí nhớ hoặc hoạt động vùng não trước trán, thiết bị có thể được tùy biến để tích hợp thêm cảm biến ở hai bên thái dương. Với các đơn hàng nghiên cứu hoặc sử dụng chuyên biệt, công ty sẵn sàng xây dựng các gói tính năng riêng, phù hợp với từng mục tiêu ứng dụng.

Đúng là ban đầu người dùng có tâm lý chuộng sản phẩm ngoại. Nhưng thực tế, thứ người ta tin là lời khuyên từ bác sĩ, chuyên gia. Chúng tôi hợp tác với các trường y, bệnh viện để chứng minh hiệu quả lâm sàng và được đón nhận nhờ chính sự minh bạch khoa học.

Trở về từ Anh quốc, Tiến sĩ Việt khao khát đưa Việt Nam lên bản đồ Neurotech: ‘Tâm trí là tài nguyên mạnh mẽ nhất của con người và khoa học là chìa khóa để chúng ta hiểu và làm chủ nó!’- Ảnh 4.

"Made in Vietnam" không phải điểm yếu, mà là lợi thế, vì chúng tôi hiểu rõ hành vi người dùng bản địa, thiết kế giải pháp sát với nhu cầu thực tế và chi phí chấp nhận được. Ngoài ra, việc phát triển tại Việt Nam cũng giúp giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc tế.

Hiện tại chúng tôi đang trong giai đoạn cung cấp thử nghiệm cho các đơn vị nghiên cứu, phòng lab, bệnh viện thông qua hình thức đặt hàng trước (pre-order). Khoảng 20 thiết bị đã được các nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước sử dụng. Dây chuyền sản xuất quy mô lớn dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2026.

Tôi có một thắc mắc, tại sao sản phẩm Brain-Life không chọn hướng xuất khẩu trước, bởi tổn thất do kiệt sức toàn cầu lên tới 332 tỷ USD mỗi năm - thị trường rộng mở và đầy tiềm năng?

Tổn thất do kiệt sức (burnout) toàn cầu ước tính lên đến 332 tỷ USD mỗi năm, là một vấn đề nghiêm trọng và mang tính toàn cầu. Tại Việt Nam, mặc dù chưa có thống kê chính thức ở quy mô quốc gia, các khảo sát bước đầu và trao đổi với bác sĩ trong nước mà Brain-Life thực hiện cho thấy tỷ lệ người gặp tình trạng kiệt sức cũng đang ở mức đáng báo động.

Chúng tôi chọn Việt Nam là thị trường đầu tiên không chỉ vì đây là "sân nhà", mà còn vì nhớ lại lý do tôi lựa chọn trở về: Để phục vụ trực tiếp cho người dân mảnh đất tôi sinh ra và lớn lên, những người đang đối mặt với vấn đề sức khỏe tinh thần ngày càng gia tăng nhưng vẫn còn nhiều rào cản trong việc tiếp cận giải pháp phù hợp. Việt Nam mang lại lợi thế hiểu rõ văn hóa, nhu cầu và hành vi người dùng bản địa, giúp chúng tôi tối ưu hóa sản phẩm trong giai đoạn đầu. Việc mở rộng ngay ra thị trường quốc tế, dù hấp dẫn, sẽ đi kèm nhiều rào cản như pháp lý, y tế, đội ngũ chi nhánh, hậu cần... Trong khi đó, giải pháp chúng tôi đang phát triển là một trong những công nghệ tiên tiến hàng đầu trên thế giới, và chúng tôi tin rằng khi đã chứng minh được hiệu quả và quy mô tại Việt Nam, việc mở rộng ra thị trường toàn cầu sẽ bền vững hơn và mạnh mẽ hơn.

Nhìn lại hành trình từ Bristol đến Việt Nam, điều gì khiến Tiến sĩ tự hào nhất?

Có lẽ là việc tạo ra một không gian nơi khoa học được ứng dụng thực tế, chứ không chỉ nằm trên giấy. Việc có thể giúp một người hiểu tâm trí mình - đó là điều đáng giá. Tôi luôn tin rằng tâm trí là tài nguyên mạnh mẽ nhất mà chúng ta có. Khoa học là chiếc chìa khóa để chúng ta hiểu và làm chủ nó.

Cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trò chuyện!

Các tin khác

Người dân ở Hà Nội chú ý

Đợt mưa dữ dội do ảnh hưởng của bão số 3 có thể gây ngập lụt trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội, người dân được khuyến cáo không nên ra đường.

Hỗ trợ lắp điện mặt trời mái nhà chưa hấp dẫn

Bộ Công thương vừa có đề xuất hỗ trợ bằng tài chính cho hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ và hệ thống lưu trữ điện. Đây cũng là một trong những chính sách thúc đẩy tăng nguồn điện trong bối cảnh tiến tới chuyển đổi xe máy dùng xăng sang xe dùng điện.

Miền Bắc huy động tổng lực ứng phó bão số 3

Ghi nhận trong ngày 21.7, các tỉnh miền Bắc đã huy động tối đa nhân lực, vật lực, căng mình chuẩn bị sẵn sàng nhiều phương án ứng phó với bão số 3. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu chuẩn bị phương án cao nhất để giảm thiệt hại ở mức thấp nhất.

Chuyên gia: Mẹo nhỏ khi nấu cơm, lợi ích lớn cho sức khỏe

Trong một bài đăng nhận được hàng triệu lượt xem và hàng trăm ngàn lượt thích và chia sẻ, chuyên gia Kylie Sakaida, chủ sở hữu Trung tâm dinh dưỡng Nutrition By Kylie, LLC (Mỹ), tiết lộ phương pháp để tăng cường sức mạnh dinh dưỡng cho cơm.