Họa sĩ Thụy Điển Simon Stalenhag nổi tiếng với những tác phẩm kết hợp giữa khung cảnh tự nhiên với sự kỳ quái của robot tương lai, máy móc công nghiệp và sinh vật ngoài hành tinh. Bản thân ông vừa trải qua một phần nỗi sợ hãi được thể hiện trong tranh khi phát hiện AI đã được sử dụng để mô phỏng phong cách của mình.
Màn trình diễn AI được thực hiện bởi Andres Guadamuz, chuyên gia luật sở hữu trí tuệ tại Đại học Sussex của Anh và đang nghiên cứu vấn đề pháp lý liên quan đến tác phẩm hội họa do AI tạo ra. Guadamuz sử dụng công cụ Midjourney để sáng tác tranh mang phong cách ma quái của Stalenhag và đăng lên Twitter.
Guadamuz nói những tác phẩm này được tạo ra để nhấn mạnh vấn đề pháp lý và đạo đức liên quan đến thuật toán vẽ tranh. Midjourney chỉ là một trong nhiều chương trình AI có khả năng tạo tác phẩm hội họa theo yêu cầu bằng văn bản, sử dụng thuật toán học máy và hàng triệu bức ảnh được dán nhãn. Sau quá trình huấn luyện, chúng có thể vẽ dựa theo phong cách riêng của từng họa sĩ với độ chính xác rất cao.
Nhà nghiên cứu chọn Stalenhag vì họa sĩ này từng chỉ trích các tác phẩm của AI và nhiều khả năng sẽ phản đối thử nghiệm, nhưng khẳng định ông không muốn khiêu khích họa sĩ. Guadamuz cũng cho rằng đơn kiện vi phạm bản quyền sẽ không thành công, bởi phong cách nghệ thuật không được bảo hộ.
Stalenhag thừa nhận vay mượn phong cách là một phần trong văn hóa hội họa, nhưng ông vẫn căm ghét AI bởi "nó thể hiện những gì giới công nghệ sẽ buộc công chúng tiếp nhận trong tương lai".
Ông không coi các tác phẩm của AI là sao chép và cho rằng những công cụ như Midjourney có thể được dùng để khám phá những ý tưởng nghệ thuật mới. Tuy nhiên, điều họa sĩ Thụy Điển lo ngại là công nghệ mới có thể giúp làm giàu cho giới công nghệ. "AI là công cụ mới và nguy hiểm nhất trong số đó. Nó lấy các tác phẩm cả đời của nghệ sĩ mà không cần xin phép, sử dụng làm nguyên liệu trung tâm để tạo ra sản phẩm mang lại lợi nhuận lớn, làm giàu cho các ông chủ", Stalenhag nói.
Các thuật toán đã được dùng để tạo tranh ảnh suốt hàng chục năm, nhưng kỷ nguyên AI hội họa mới bắt đầu từ tháng 1/2021 khi OpenAI công bố Dall-E, chương trình có thể vẽ tranh từ các đoạn mô tả bằng văn bản.
Hồi tháng 4, OpenAI ra mắt Dall-E 2 với khả năng tạo ảnh, hình minh họa và tranh giống tác phẩm của con người. Công ty này tuyên bố chương trình này sẽ được phát hành rộng rãi, trong khi những tác phẩm của nó được dùng cho mục đích thương mại.
OpenAI áp dụng bộ lọc từ và công cụ để phát hiện ảnh có khả năng xúc phạm. Nhiều công ty cũng phát triển AI tương tự, nhưng có thể đề ra quy tắc khác biệt trong sử dụng. Trong khi đó, ngày càng nhiều họa sĩ đặt dấu hỏi về khả năng sao chép của AI khi người dùng có thể tiếp cận hàng loạt công cụ khác nhau.
RJ Palmer, chuyên vẽ các sinh vật tưởng tượng và từng tham gia phim Detective Pikachu, cho biết đã thử qua Dall-E 2 vì tò mò, cũng như lo ngại tác động của AI với công việc của ông. Palmer sốc khi chứng kiến mọi người dùng công cụ Stable Diffusion để thay đổi phong cách tranh chỉ bằng cách thêm tên họa sĩ vào phần mô tả.
David Oreilly, họa sĩ từng chỉ trích Dall-E, cho rằng ý tưởng dùng AI học hỏi những tác phẩm trong quá khứ để tạo ra tranh ảnh mới và kiếm tiền là sai trái. "Họ không sở hữu những sản phẩm được tái hiện. Điều này giống như tính phí khi sử dụng Google Images", ông nói.
Jonathan Low, CEO công ty ảnh Jumpstory tại Đan Mạch, không hiểu tranh do AI tạo ra sẽ được dùng cho mục đích thương mại như thế nào. "Tôi hứng thú với công nghệ này, nhưng cũng rất quan ngại và hoài nghi", ông nói.
Phát ngôn viên OpenAI Hannah Wong khẳng định dịch vụ tạo ảnh bằng AI của công ty được nhiều nghệ sĩ sử dụng và họ luôn tìm kiếm phản hồi từ giới hội họa trong quá trình phát triển. "Luật bản quyền trong quá khứ từng được điều chỉnh để phù hợp với công nghệ mới, điều tương tự sẽ diễn ra với nội dung từ AI. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với giới nghệ sĩ và các nhà lập pháp để bảo vệ quyền của người tạo nội dung", bà nói.
(theo Wired)