Ngày 9/8, Tổng thống Joe Biden ký ban hành luật CHIPS & Science Act nhằm thúc đẩy tự chủ công nghệ và sản xuất bán dẫn ở nước này. Đây là một trong những nỗ lực để giải quyết tình trạng thiếu hụt chip kéo dài, cũng như giảm sự phụ thuộc sản xuất vào các quốc gia khác như Trung Quốc.
Chính sách mới cam kết dành 280 tỷ USD cho thúc đẩy sản xuất công nghệ cao, với điểm nhấn là gói 52,7 tỷ USD cho sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn. Số tiền này dự kiến bổ sung vào Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF), Bộ Thương mại Mỹ và Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ (NIST) cho nghiên cứu và phát triển, cũng như thay thế các đơn vị sản xuất nước ngoài.
Trong luật mới, các công ty được trợ cấp sẽ nhận chính sách ưu đãi để mở rộng sản xuất tại Mỹ, đồng thời được khấu trừ 25% thuế. Tuy nhiên, họ phải cam kết không được mở rộng sản xuất ở Trung Quốc trừ "chất bán dẫn kế thừa" - được định nghĩa là chip sản xuất bằng công nghệ 28 nanomet trở lên - trong vòng 10 năm. Chính phủ Mỹ có toàn quyền quyết định loại thiết bị nào sẽ được phân loại là thiết bị kế thừa trong phân khúc thị trường chip nhớ.
Theo các chuyên gia, CHIPS & Science Act có khả năng thúc đẩy nhiều công ty đưa nhà máy đến Mỹ hơn. "Xây nhà máy là quá trình tiêu tốn nhiều tiền của và thời gian. Do đó, các công ty chỉ chuyển dịch khi được khuyến khích bằng tiền bạc và chính sách tốt", Phó giáo sư Zachary Collier của Đại học Radford nói với CNN.
Tham vọng sai thời điểm?
Theo FT, CHIPS & Science Act là đạo luật được chờ đợi từ lâu. Tuy nhiên, khi chữ ký của ông Biden còn chưa ráo mực, hàng loạt tin tức xấu xuất hiện.
Ngày 10/8, hãng sản xuất chip nhớ Micton Technology cảnh báo các nhà đầu tư rằng doanh số quý IV/2022 sẽ ở "mức rất thấp". Trong quý II/2022, doanh thu của công ty cũng chỉ đạt 7,2 tỷ USD, thấp hơn mức dự đoán 9,1 tỷ USD từ giới phân tích. Cùng ngày, chỉ số bán dẫn Philadelphia - chuyên theo dõi thị trường bán dẫn với các công ty hàng đầu như Micron, Intel, Nvidia, TSMC... - đã giảm 4,6%, mức giảm cao nhất kể từ 2020.
Cảnh báo của Micron phản ánh sự đi xuống về nhu cầu chip trong toàn ngành bán dẫn. Trong phần lớn thời gian xảy ra đại dịch, các nhà máy không đủ nguồn cung khiến khủng hoảng chip xảy ra. Còn hiện nay, mọi thứ bắt đầu nằm trong tầm kiểm soát.
Thậm chí, nhiều công ty đã tính đến khủng hoảng thừa do sản xuất quá nhiều. Điều này kéo theo tình trạng giảm doanh thu và lợi nhuận trong thời gian còn lại của năm 2022 và sang năm 2023. Theo Gartner, doanh số bán dẫn năm nay chỉ tăng 7,4%, thấp hơn nhiều so với mức 26% năm ngoái.
Các công ty chip khác có trụ sở tại Mỹ cũng đang gặp khó khăn. Đầu tuần này, Nvidia thông báo có thể giảm 17% doanh thu dự báo quý II/2022 (công bố ngày 28/8). Trong khi đó, Intel lỗ 454 triệu USD trong quý vừa qua, đồng thời cảnh báo doanh số PC sẽ giảm 10% năm nay.
"Tôi chưa bao giờ thấy lượng chip tồn kho lại quá nhiều như lúc này", Dan Hutcheson, CEO của VLSI Research, nói với Fortune. "Các công ty khác cũng bắt đầu chậm sản xuất hoặc hạn chế nhập hàng mới để sử dụng nguồn dự trữ đang dư thừa".
Cũng theo số liệu của VLSI Research, hàng tồn kho trong chuỗi cung ứng chip tăng nhanh từ đầu năm nay. Nếu như tháng 2, hàng tồn chỉ khoảng 1,2 tháng thì đến nay, mức tồn kho toàn cầu đã tăng lên 1,4 tháng vào tháng 6 và 1,7 tháng vào tháng 7.
Theo Fortune, trong bối cảnh nhu cầu suy giảm và chip tồn kho chất đống, việc Mỹ rót tiền tấn vào lĩnh vực "chưa cần sự hỗ trợ một cách cần thiết" có thể là sai lầm.
"Vấn đề khá hài hước. Chưa rõ các chính trị gia đã tìm hiểu tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa có thể giải quyết nhanh chóng như thế nào khi ngành công nghiệp thay đổi", nhà phân tích Stacy Rasgon của Bernstein Research nói với Bloomberg.
Theo các chuyên gia, CHIPS & Science Act là mục tiêu dài hạn và phục vụ cho một ngành hết sức quan trọng. Dù vậy, việc mất nhiều năm để thực hiện lại là nhược điểm khác.
Cụ thể, kế hoạch phân bổ gói tài trợ 52,7 tỷ USD sẽ diễn ra trong 9 năm, chủ yếu sau 2025. Theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), chỉ 30% quỹ, tương đương 16 tỷ USD, sẽ được giải ngân từ nay đến cuối 2025. Tốc độ này được xem là khá chậm và có thể bị các quốc gia khác bỏ xa, đặc biệt là Trung Quốc.
Con số gần 53 tỷ USD cho mảng bán dẫn của Mỹ cũng bị đánh giá là không quá lớn nếu so với các quốc gia khác. Chẳng hạn, Hàn Quốc dự tính chi 450 tỷ USD cho bán dẫn trong một thập kỷ tới, hay Đài Loan hồi tháng 1 cũng nói sẽ trợ cấp nhiều tiền để duy trì vị thế hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn, dù không nêu con số cụ thể.
Trung Quốc lo 'hỗn loại chuỗi cung ứng'
Ngày 17/8, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc (CSIA) tuyên bố đạo luật CHIPS & Science Act "vi phạm công bằng thương mại".
CSIA thành lập tháng 6/1999, đại diện cho 744 công ty thành viên trong lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc. Tổ chức này cho rằng luật mới do Biden ký đã vi phạm các nguyên tắc chung về công bằng, cởi mở và không phân biệt đối xử trong ngành. Nó cũng đe dọa việc Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến cần thiết cho lĩnh vực chip và vai trò của nước này trong chuỗi cung ứng.
CSIA cảnh báo việc thông qua luật "chắc chắn dẫn đến sự hỗn loạn trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu", đồng thời kêu gọi Mỹ "sửa chữa những sai lầm của mình" để thể hiện sự tôn trọng trật tự trong lĩnh vực chip quốc tế.
"Tuyên bố của CSIA phản ánh sự cấp bách mà Trung Quốc phải đối mặt ở lĩnh vực bán dẫn. Động thái của Mỹ có thể thúc đẩy cái gọi là liên minh chip với các đồng minh hàng đầu như Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản", SCMP bình luận.
Dù vậy, luật mới cũng được dự đoán sẽ gây áp lực lên các công ty đang có nhà máy tại Trung Quốc như Samsung, SK Hynix, TSMC... "Nếu các công ty như Samsung và SK Hynix nhận các khoản tài trợ từ Washington, gần như chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động mở rộng của họ ở Trung Quốc, nhất là khi tất cả đang phụ thuộc công nghệ Mỹ", Gary Ng, chuyên gia kinh tế của ngân hàng đầu tư Natixis, nói với SCMP.
Cả Samsung và SK Hynix hiện đầu tư lớn của để xây dựng và vận hành xưởng đúc chip ở Trung Quốc. Theo một số chuyên gia, cả hai sẽ khó có khả năng rời bỏ một sớm một chiều do các lợi ích kinh doanh liên quan.
tổng hợp