Theo Bộ Tài chính, đang có hiện tượng nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng nâng lãi suất trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trao đổi với báo chí ngày 19-8, ông Nguyễn Hoàng Dương - phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) - cho biết tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong 7 tháng đầu năm là 280.641 tỉ đồng.
Trong đó, các tổ chức tín dụng chiếm 37,2% tổng khối lượng phát hành, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 31,5%, xây dựng chiếm 8,8%.
Nhà đầu tư cá nhân nắm giữ 32,6% lượng trái phiếu doanh nghiệp
Ông Dương cũng cho hay nhà đầu tư chính mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường sơ cấp là các tổ chức tín dụng với 46,14% tổng khối lượng phát hành, công ty chứng khoán mua 22,43% còn các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua 10,11%.
Tuy nhiên, theo thống kê trên thị trường thứ cấp, sau khi mua trái phiếu, các công ty chứng khoán chủ yếu bán lại cho nhà đầu tư cá nhân khiến lượng nắm giữ của cá nhân tăng lên mức 32,6%.
Mặt khác, tình hình phát hành những tháng gần đây cho thấy nếu như trong quý I, doanh nghiệp bất động sản và xây dựng là nhóm phát hành mạnh nhất chiếm lần lượt 50,98% và 18,87% thì sang quý II, các tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh phát hành, chiếm 64,73% tổng khối lượng phát hành, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 15,49% và nhóm xây dựng 0,44%.
Đáng chú ý, sau những động thái chấn chỉnh nghiêm của cơ quan quản lý, nhiều doanh nghiệp mua lại trước hạn trái phiếu doanh nghiệp lớn với khối lượng lớn. Tính đến cuối tháng 7, khối lượng mua lại là 86.556 tỉ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng chủ yếu vẫn ở nhóm các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, thị trường đang có hiện tượng nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng nâng lãi suất trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn
Năm liền kề lãi và không có lỗ lũy kế mới được phát hành trái phiếu
Trước thực trạng trên, để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung nghị định 153 năm 2020 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, bộ này đề nghị bổ sung một loạt điều kiện đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân, gồm phải là công ty đại chúng, năm liền kề trước năm phát hành phải có lãi, không có lỗ lũy kế, trái phiếu phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán.
Điều kiện để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng chặt chẽ hơn so với hiện nay. Cụ thể, nhà đầu tư chuyên nghiệp phải nắm giữ danh mục chứng khoán có giá trị trung bình từ 2 tỉ đồng tối thiểu trong vòng 6 tháng bằng tài sản của mình.
Khi mua trái phiếu, nhà đầu tư phải ký văn bản xác nhận đã hiểu biết pháp luật và tiếp cận đầy đủ thông tin, chấp nhận rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.