Trong báo cáo vĩ mô mới nhất, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết giá xăng dầu giảm phần nào giúp hạn chế lạm phát.
Việc giá xăng dầu trong nước giảm vào tháng 7 giúp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm gần 0,3%.
Tuy nhiên, tốc độ tăng CPI tháng 7 vẫn đạt mức 0,4% so với tháng trước và 3,1% so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân bao gồm giá thịt lợn tăng, nhu cầu sử dụng điện và nước cao hơn do thời tiết nắng nóng và giá các hàng hóa dịch vụ thiết yếu khác tăng khi chi phí vận chuyển và chi phí nguyên liệu đầu vào tăng.
Dù vậy, tốc độ tăng CPI bình quân 7 tháng 2022 chỉ tăng 2,54% so với ùng kỳ, đây vẫn là mức thấp thứ hai trong cùng kỳ 5 năm qua. VCSC kỳ vọng tốc độ tăng CPI bình quân cả năm 2022 ở mức 3,5%, trong đó áp lực lạm phát sẽ gia tăng vào cuối năm, với CPI bình quân tăng khoảng 4,5% trong 6 tháng cuối năm 2022.
Áp lực lạm phát tại Việt Nam đã giảm đáng kể. Nhiều tổ chức nhận định đây sẽ không phải là điều quá đáng lo với nền kinh tế những tháng cuối năm.
Mới đây, CTCP Chứng khoán VNDirect cũng nhận định việc kiểm soát lạm phát bình quân năm 2022 dưới 4 % mà Quốc hội đề ra là hoàn toàn có thể đạt được.
Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tập trung kiểm soát lạm phát và ổn định nền kinh tế vĩ mô, đồng thời cũng theo đuổi mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi. Đà giảm của giá hàng hóa thế giới và lạm phát trong nước được kiểm soát tốt là điều kiện cho phép NHNN tiếp tục trì hoãn việc tăng lãi suất điều hành trong năm nay.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã quyết liệt sử dụng chính sách tài khóa để san sẻ gánh nặng với chính sách tiền tệ trong mục tiêu quan trọng là kiềm chế lạm phát thông qua việc giảm thuế, phí đối với một số mặt hàng thiết yếu, điển hình là xăng dầu.
Do đó, NHNN có thêm dư địa để trì hoãn việc tăng lãi suất điều hành nhằm ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
Về lạm phát năm 2023, khối phân tích cho rằng lạm phát có khả năng vẫn ở mức cao trong nửa đầu năm sau trước khi hạ nhiệt vào nửa cuối năm sau. Đặc biệt, việc tăng giá của nhóm ngành lương thực, thực phẩm sẽ là tác nhân chính đẩy lạm phát lên mức cao trong năm 2023.
Các chuyên gia của HSBC cũng nhận định áp lực lạm phát sẽ mạnh hơn bắt đầu từ nửa cuối năm 2022, đẩy lạm phát toàn phần tạm thời vượt mức trần 4% của NHNN trong một vài quý. Ngân hàng này đồng thời đưa ra cảnh báo Việt Nam cần lưu ý lạm phát lương thực dù lạm phát toàn phần ở mức vừa phải.