Cố cung ở Bắc Kinh là quần thể công trình kiến trúc cung điện cổ bằng gỗ hoàn chỉnh và lớn nhất thế giới. Cố Cung Bắc Kinh có diện tích 720.000 mét vuông, với diện tích xây dựng khoảng 150.000 mét vuông. Việc xây dựng nơi này được bắt đầu bởi Minh Thành Tổ - Chu Đệ của nhà Minh vào năm Vĩnh Lạc thứ 4 (năm 1406). Cố Cung ở Bắc Kinh được xây dựng dựa trên Cố Cung ở Nam Kinh. Và Cố Cung Nam Kinh chính là địa danh mà chúng ta nhắc đến ở phía trên.
Cố Cung ở Nam Kinh còn được gọi là Minh Cung, là cung điện hoàng gia của nhà Minh. Vào đầu năm 1367, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đã nghe theo lời của tướng quân Phùng Quốc cho xây dựng cung điện nhà Minh ở ngay trên hồ Yến Tước. Thế nhưng, hồ Yến Tước khi đó đang đầy nước, muốn xây dựng cung điện thì phải lấp hồ. Ở thời đó, các thầy phong thủy cho rằng, đây là nơi "rồng cuộn, hổ ngồi", có long mạch thịnh vượng nhất. Vì vậy, Minh Thái Tổ đã lệnh cho 200.000 người bắt đầu thực hiện công việc này.
Cố Cung ở Nam Kinh do Chu Nguyên Chương hạ lệnh xây dựng ngay trên hồ Yến Tước. (Ảnh: Sohu)
Tới tháng 10 năm 1367, cung điện nhà Minh đã hoàn thiện. Cung điện có diện tích khá khiêm tốn với chiều dài chỉ 790m, rộng 750m và chỉ có các đại sảnh Phụng Thiên, Hoa Hải Đường, Kim Thẩm Đường, Văn Lâu, Vũ Lâu, tiền Sảnh Cung, Côn Ninh Cung, Đông Tây Lục Cung.
Một bức tường thành cao 9,6m, rộng 6,8m được xây bao quanh cung điện. Cung điện có 4 cổng gồm cổng chính Phụng Thiên nằm ở phía Nam, cổng Đông Hoa ở phía Đông, cổng Tây Hoa ở phía Tây và cổng Huyền Vũ ở phía Bắc.
Đến năm 1368, Chu Nguyên Chương chính thức định đô ở Nam Kinh và lấy niên hiệu là Hồng Vũ. Sau đó, cung điện nhà Minh còn có thêm 2 lần mở rộng cũng như trang trí thêm vào các năm 1375 và 1392. Phải mất tới hơn 20 năm thì Cố Cung ở Nam Kinh mới hoàn thành. Diện tích của Cố Cung Nam Kinh lớn hơn nhiều so với phiên bản Bắc Kinh. Ba đời hoàng đế đã sống ở đây là Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, Minh Huệ Đế Chu Doãn Văn, Minh Thành Tổ Chu Đệ.
3 đời hoàng đế nhà Minh đã sống ở đây. (Ảnh: Sohu)
Vào thời điểm đó, để phòng ngự sự tấn công của quân Mông Cổ, Chu Đệ đã đích thân đến Bắc Kinh trấn thủ, chỉ huy quân đội và bố trí các trận chiến phòng ngự. Bởi vì Chu Đệ thường ở Bắc Kinh nên rất nhiều quan viên cũng theo ông đến đó, vì thế mà Bắc Kinh dần trở thành trung tâm chính trị. Sau đó, Chu Đệ bắt đầu dời đô và kiến tu Bắc Kinh, phần lớn cung điện ở Bắc Kinh vẫn được xây dựng lại dựa theo Cố Cung ở Nam Kinh.
Còn Cố Cung ở Nam Kinh trở thành Nam Trực Lệ, tức là nơi đóng quân của hoàng thất và các quan đại thần, nơi này vẫn rất được coi là vị trí trọng yếu. Đáng tiếc, sau khi nhà Minh sụp đổ, Cố Cung ở Nam Kinh không còn dược sử dụng. Các tòa nhà bắt đầu cũ do bị bỏ hoang, không còn ai sinh sống.
Diện tích của Cố Cung Nam Kinh lớn hơn nhiều so với Cố Cung ở Bắc Kinh. (Ảnh: Sohu)
Đến thời nhà Thanh, Cố Cung Nam Kinh đã bị đổi thành nơi đóng quân của quân Bát Kì. Đồng thời, một bức tường thành lớn đã được xây dụng để cô lập nó, khiến cho Cố Cung Nam Kinh bị thiệt hại lớn. Những đồ vật còn dùng được như gạch tráng men, các bộ phận bằng kính, các món đồ cổ bằng nhiều chất liệu đã bị dỡ ra và sử dụng để xây dựng các công trình ở nơi khác.
Trong chiến tranh, nhiều kiến trúc khác của Cố Cung Nam Kinh cũng đã bị phá hủy. Sau đó, Cố Cung Nam Kinh chỉ còn lại một số cổng thành và đồ tạo tác, kệ đá kê cột. Vào tháng 10 năm 1956, tỉnh Giang Tô đã công bố Cố Cung Nam Kinh là di tích văn hóa của tỉnh Giang Tô. Vào tháng 5 năm 2006, Quốc vụ viện đã công bố Cố Cung Nam Kinh là di tích văn hóa trọng điểm quốc gia. Vinh quang trước đây không còn, hiện Cố Cung ở Nam Kinh đã mở cửa cho du khách thăm quan miễn phí, thế nhưng, ngay cả như vậy cũng có rất nhiều người ghé thăm nơi này.
Nguồn: Sohu