Hồi cuối tháng 2, một nhà quản lý cấp trung tại công ty mẹ của Facebook là Meta đã lên mạng xã hội để phản ánh về tình trạng thắt lưng buộc bụng của công ty. Người này đã sử dụng Blind (ứng dụng truyền thông xã hội ẩn danh) để chia sẻ cảm xúc của mình. Bài viết có tiêu đề "Giận dữ/Lo lắng rằng mọi thứ của tôi sẽ bị tước đoạt".
Người này viết: "Tôi đã chiến đấu rất vất vả để đạt được vị trí này và trong tháng này, mọi thứ của tôi sẽ bị tước đoạt bằng sự 'san phẳng' quy mô lớn". Tờ New York Post chỉ ra rằng "sự san phẳng" dùng để ám chỉ đến tối hậu thư gần đây do CEO Mark Zuckerberg đưa ra, yêu cầu những người quản lý cấp trung tại công ty phải làm việc hiệu quả hơn nếu không muốn bị sa thải.
Người tự xưng là nhân viên Meta được tuyển dụng với tư cách là quản lý cấp 1 - vị trí có mức lương 550.000 USD/năm (hơn 13 tỷ đồng). Trong năm 2022, người này đã nhận được lời mời công việc có mức lương 750.000 USD/năm (gần 18 tỷ đồng) từ các công ty công nghệ đối thủ, bao gồm Google, Square, Uber và Stripe…
Tuy nhiên, người này đã từ chối những lời đề nghị đó để tiếp tục ở lại với Meta và giờ đây họ cảm thấy có phần tiếc nuối.
Mở đầu bài chia sẻ của người dùng ẩn danh tự xưng là quản lý cấp 1 ở Meta. Ảnh: @Stonks_dot_com.
Giá cổ phiếu của công ty đã giảm hơn 65% vào năm 2022 khi doanh thu giảm. Mark Zuckerberg gần đây sa thải hàng nghìn nhân viên. Trong cuộc hội nghị tài chính gần đây của công ty, tỷ phú 39 tuổi ám chỉ rằng sẽ có nhiều đợt sa thải hơn vào năm 2023 - giai đoạn mà Mark gọi là "năm hiệu quả".
"Mọi thứ đã trở nên tồi tệ. Không chỉ giá cổ phiếu mà bây giờ còn là sự 'san phẳng' quy mô lớn, tỷ lệ sống sót của tôi là 50/50", quản lý ẩn danh của Meta viết.
Người này đã lên kế hoạch thăng tiến đến vị trí quản lý cấp 2, đặt mục tiêu đạt tổng mức thù lao là 1 triệu USD vào năm 2026. Song với tình hình hiện tại, kế hoạch này khó có thể thành công và tính toán lại hướng đi, cho rằng phương án tốt nhất lúc này là làm việc đến năm 45 tuổi và duy trì mức thu nhập đang có.
Bài viết này đã thu hút lượng lớn người quan tâm và nhiều lượt chia sẻ trên mạng xã hội. Đáng chú ý, nhiều người dùng tỏ ra không mấy đồng cảm với chủ nhân bài viết - người có mức lương cao gấp khoảng 10 lần thu nhập trung bình của người Mỹ.
"Những người giàu đáng thương đó có thể nhận được 300.000 USD (tiền trợ cấp thôi việc) để có một kỳ nghỉ dài 6 tháng, hay chưa", "Đã đến lúc Mark Zuckerberg sa thải toàn bộ quản lý cấp trung"... là 2 trong số bình luận nổi bật.
Mark Zuckerberg lo ngại về sự gia tăng của các nhà quản lý trong gã khổng lồ truyền thông xã hội, khẳng định rằng vấn đề này tạo ra chi phí phình to và tăng vọt. Ảnh: CNBC.
Làn sóng sa thải nhân viên công nghệ xuất hiện manh nha hồi đầu năm 2022, sau đó trở thành "cơn sóng thần" vào cuối năm đó và chưa có dấu hiệu giảm bớt. Trong đợt đầu tiên vào tháng 11/2022, công ty đã sa thải 11.000 nhân viên, chiếm 13% toàn bộ lực lượng lao động.
Mark Zuckerberg đã đề cập đến các yếu tố như "suy thoái kinh tế vĩ mô", "cạnh tranh gia tăng" và "mất tín hiệu quảng cáo" để giải thích lý do cần phải chấm dứt hợp đồng của các nhân sự.
Công ty đang chứng kiến sự sụt giảm doanh thu do có nhiều hạn chế hơn trong danh mục quảng cáo được nhắm mục tiêu. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu quảng cáo của công ty.
Theo New York Post