Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch công ty phân tích dữ liệu FiinGroup - nhận định, các quy định mới có giá trị tích cực, tạo cơ sở cho việc đẩy mạnh các biện pháp nhằm "hạ cánh mềm" cho trái phiếu hiện nay, nhất là trái phiếu bất động sản. Còn việc khôi phục niềm tin và cầu đầu tư trái phiếu cần thời gian, bổ sung các giải pháp tiếp theo.
Với quy định cho phép doanh nghiệp thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác, ông Thuân cho rằng, mấu chốt là doanh nghiệp, nhà đầu tư phải đàm phán. Thực tế, phương án này đã được một số chủ đầu tư thực hiện trước đó. Đến nay, khi có quy định chuyên ngành sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp.
Tương tự việc đàm phán kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa 2 năm cũng có nhiều doanh nghiệp đã làm. Đây là quy định mới tại Nghị định 08. “Cũng tốt để có một quy định chuyên ngành rõ ràng, làm cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh hơn việc xử lý nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp. Vấn đề là tài sản đó có tình trạng pháp lý và giá chuyển đổi ra sao. Đó sẽ là mấu chốt doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ phải đàm phán”, ông Thuân góp ý.
Năm 2023, bất động sản là ngành chiếm tỷ trọng đáo hạn lớn nhất, tương đương 107.752
Nghị định 08 còn quy định: tạm ngưng định nghĩa nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và yêu cầu xếp hạng tín nhiệm đến 31/12/2023. Ông Thuân bày tỏ đáng tiếc khi việc thi hành xếp hạng tín nhiệm sẽ ngưng tới cuối năm. Bởi, đây là yếu tố góp phần minh bạch thông tin cho thị trường và khôi phục niềm tin để quay trở lại. Đặc biệt, quy định này cũng tác động tích cực nếu trái phiếu phát hành có chất lượng hơn và minh bạch hơn để giúp nhà đầu tư cá nhân quay lại.
Còn ông Huỳnh Minh Tuấn - nhà sáng lập Công ty tư vấn tài chính FIDT - cho rằng, thị trường cần thời gian để thích nghi với các quy định mới. Nhìn chung, nghị định 08 sửa đổi theo hướng tích cực cho thị trường. Trong đó, các điều kiện khó đáp ứng và cần thời gian để thị trường thích nghi được ngưng thi hành đến 2023. Nghị định mới mở ra cơ sở cho việc giải quyết qua thương lượng, cơ cấu, hoán đổi tài sản với trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, và doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn, giúp giảm nguy cơ vỡ nợ trái phiếu.
Tóm tắt nội dung mới của Nghị định 08 (dữ liệu: FIDT).
Ông Tuấn đánh giá, việc ngưng xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ tạo tác động tích cực cho thị trường, khi Nghị định 65 gây giảm cầu. Việc thay đổi thời gian phân phối trái phiếu cũng giúp doanh nghiệp và công ty chứng khoán “dễ thở" hơn, tăng khả năng của các đợt phát hành.
Nhận xét về việc ngưng xếp hạng tín nhiệm, ông Tuấn cho rằng, điều này giúp giảm các điều kiện phát hành, đặc biệt là doanh nghiệp có vay nợ trái phiếu nhiều, doanh nghiệp bất động sản. Việc điều chỉnh này cũng giúp doanh nghiệp có thời gian đáp ứng các tiêu chí về dự nợ trái phiếu, và phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm.
Theo ông Tuấn, việc thay đổi kỳ hạn trái phiếu sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn để cơ cấu lại trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành và thoả thuận với nhà đầu tư, giúp giảm nguy cơ vỡ nợ. Cuối cùng, việc chuyển đổi gốc, lãi trái phiếu thành tài sản khác sẽ cũng giúp giảm nguy cơ vỡ nợ. Quy định này mở ra cơ chế thoả thuận mà trước đây Nghị định 65 không có.