Đà tăng của đồng USD đã giảm nhiệt khi dữ liệu PMI ngành dịch vụ và chỉ số khảo sát niềm tin tiêu dùng từ Conference Board (Mỹ) được công bố trong ngày thứ 3/3 với kết quả không quá tích cực.
Kết tuần ngày 3/3, chỉ số USD Index (đo lường sức khỏe đồng USD) giảm 0,7% và hầu như các đồng tiền chủ chốt khác đều tăng giá nhẹ so với USD như EUR (tăng 0,82%), GBP (tăng 0,77%), JPY (tăng 0,45%).
Các đồng tiền trong khu vực Châu Á cũng ghi nhận mức tăng giá khá tốt như baht Thái Lan - THB (tăng 1,0%), won Hàn Quốc - KRW (tăng 0,27%). Trong khi đó, rủi ro xung đột địa chính trị giữa Trung Quốc và Đài Loan tăng lên khiến TWD giảm 0,2%.
Trong tuần này, thị trường chờ đợi các thông tin quan trọng từ phiên điều trần của Chủ tịch Fed về chính sách tiền tệ của Fed, kéo dài 2 ngày 7-8/3 và báo cáo thị trường lao động chi tiết của Mỹ sẽ được Bộ Lao động nước này công bố ngày 10/3.
Theo công cụ dữ báo lãi suất Fed của CME (CME FedWatch), xác suất Fed tăng 25 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 3 vẫn đang là 75%.
Tại thị trường trong nước, tương đồng với diễn biến quốc tế, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá chợ đen và tỷ giá liên ngân hàng đã hạ nhiệt trong tuần 27/2 - 3/3.
Kết tuần, tỷ giá niêm yết từ Vietcombank giảm 110 đồng/USD, trong khi tỷ giá chợ đen giảm 95 đồng/USD. Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng giảm 0,25%, xuống VND 23,728/USD.
Theo các chuyên gia của SSI, áp lực điều hành đối với NHNN vẫn khá lớn khi tìm điểm cân bằng giữa tăng trưởng, lãi suất và tỷ giá. Điểm tích cực hỗ trợ tỷ giá đến từ nguồn cung ngoại tệ, với việc cán cân thương mại ước tính thặng dư 2,8 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm hay giải ngân FDI đạt 4,5 tỷ USD.