Tài chính

Bê bối tài chính chấn động nước Đức: Cổ phiếu 1 công ty giảm 75% sau tuyên bố từ hãng kiểm toán, loạt nhân chứng bị theo dõi nhằm bịt miệng

Bê bối tài chính chấn động nước Đức:   Cổ phiếu 1 công ty giảm 75% sau tuyên bố từ hãng kiểm toán, loạt nhân chứng bị theo dõi nhằm bịt miệng - Ảnh 1.

Hồi năm 2020, cả nước Đức chấn động với bê bối tài chính của Wirecard - công ty nổi lên như một ngôi sao mới trong lĩnh vực fintech. Năm 2018, vốn hóa của nó đã lên tới gần 25 tỷ USD, thay thế ngân hàng lớn thứ 2 của Đức là Commerzbank trong rổ chỉ số DAX và chính thức trở thành một trong 30 tập đoàn Đức giá trị nhất được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt.

Bê bối chính thức được tờ Financial Times hé lộ hôm 18/6/2020, sau khi hãng kiểm toán EY từ chối xác nhận báo cáo kinh doanh năm 2019 của Wirecard có khoản tiền trị giá tới 1,9 tỷ Euro trong các tài khoản ở 2 ngân hàng Philippines không thể kiểm chứng. Nhiều nhà quản lý và công tố viên đã vào cuộc để làm sáng tỏ xem một trong những công ty fintech hứa hẹn nhất châu Âu đánh lừa các nhà đầu tư như thế nào.

Ông Markus Braun, Giám đốc điều hành Wirecard lúc bấy giờ cho hay: “Có dấu hiệu cho thấy một bên tín thác đã tìm cách lập các tài khoản giả vì mục đích lừa đảo. Nhiều khả năng Wirecard đã trở thành nạn nhân của một vụ gian lận nghiêm trọng”.

Không rõ tính xác thực của phát biểu trên, chỉ biết giá cổ phiếu Wirecard sụt giảm hơn 75% ngay sau thông báo của EY, qua đó buộc CEO Markus Braun phải từ chức. Công ty cũng thừa nhận, con số 1,9 tỷ Euro nói trên thực chất có thể không tồn tại.

“Đây là một thảm kịch. Chúng tôi đã mắc sai lầm khi để bế bối như thế này xảy ra và sẽ không để điều tương tự lặp lại”, ông Felix Hufeld, Chủ tịch Cơ quan Giám sát tài chính Đức (BaFin) cho hay.

Wirecard sau đó kiện Financial về loạt báo cáo điều tra mà họ cho là xuyên tạc bí mật nội bộ. Công ty cũng cử thám tử theo dõi các nhân chứng buộc tội mình, trong đó có chuyên gia Matthew Earl, nhằm bưng bít các phản ứng tiêu cực.

Theo lời kể của Matthew Earl, một chiếc Mercedes-Benz đen bí ẩn thường xuyên đỗ trước cửa nhà và bám theo gia đình ông. Nó là lời tuyên bố thẳng thừng từ Wirecard, rằng Earl và hai đứa con ông đều đang bị giám sát.

Vài ngày sau, hai người lạ mặt bước ra khỏi chiếc ô tô và giao cho ông lá thư từ công ty thanh toán Wirecard, Đức. Được biết họ, thuộc công ty điều tra tư nhân Kroll, sau đó đã bị cáo buộc sử dụng giọng điệu đe dọa đáng sợ với người vô tội.

Bê bối tài chính chấn động nước Đức:   Cổ phiếu 1 công ty giảm 75% sau tuyên bố từ hãng kiểm toán, loạt nhân chứng bị theo dõi nhằm bịt miệng - Ảnh 2.

Hồi năm 2020, cả nước Đức chấn động với bê bối tài chính của Wirecard - công ty nổi lên như một ngôi sao mới trong lĩnh vực fintech.

Theo The Guardian, sự kiện trên đánh dấu một chương mới trong “chiến dịch quấy rối bất hợp pháp” của các công ty luật đứng đằng sau Wirecard, chẳng hạn như Jones Day hay Kroll. Một đơn kiện vừa được đệ trình lên tòa án cấp cao London, nêu chi tiết các cáo buộc về việc Kroll bí mật theo dõi, xâm nhập thông tin liên lạc và đề xuất tấn công chặn dữ liệu điện thoại di động.

Thông qua các luật sư của mình, Kroll thanh minh rằng “hành động trên hoàn toàn phù hợp với tất cả các luật hiện hành”, và rằng Earl đã “hiểu nhầm” về động cơ của họ.

Bất kể khiếu nại pháp lý chống lại Jones Day hay Kroll thành công hay không, bằng chứng và các email được tiết lộ mới đây sẽ cung cấp cái nhìn hiếm hoi về thế giới ngầm nhằm bịt miệng nhân chứng và những người mang tư tưởng chỉ trích chống đối.

Matthew Earl là người sáng lập kiêm quản lý quỹ tại Shadowfall - một quỹ phòng hộ chuyên tập trung vào bán khống. Nguồn cơn việc bị theo dõi chủ yếu bắt nguồn từ những cáo buộc của ông nhằm vào Wirecard AG - công ty thanh toán hàng đầu nước Đức từng phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Giám đốc điều hành Wirecard, Markus Braun, đã bị bắt vào tháng 6/2020 và hiện đang chịu xét xử tại Đức với loạt tội danh, bao gồm gian lận, biển thủ và thao túng thị trường. Braun phủ nhận mọi cáo buộc và nói rằng bản thân ông cũng là một trong những nạn nhân của vụ lừa đảo.

Từng là nhà phân tích tại công ty môi giới chứng khoán Charles Stanley, Earl có lịch sử lâu dài trong việc “gây chiến” với các công ty ông cho là được định giá quá cao. Một bài báo xuất bản vào cuối năm 2019 trên City AM cho biết dân bán khống rất dễ xác định các lỗ hổng trong cấu trúc nội bộ.

Bê bối tài chính chấn động nước Đức:   Cổ phiếu 1 công ty giảm 75% sau tuyên bố từ hãng kiểm toán, loạt nhân chứng bị theo dõi nhằm bịt miệng - Ảnh 3.

Giám đốc điều hành Wirecard, Markus Braun, đã bị bắt vào tháng 6/2020

“Trong một số trường hợp, việc gian lận đã được phát hiện bởi hoạt động bán khống của các nhà đầu tư chuyên nghiệp”, bài báo nêu rõ.

Đáng chú ý, tác giả bài báo lại Ben Hamilton - một trong hai nhân viên Kroll có tên trong đơn kiện của Earl. Hồ sơ của Hamilton trên trang web Kroll nêu rõ anh là cựu nhà báo điều tra, có kinh nghiệm theo dõi bê bối tiền số và tìm ra kẻ tấn công email của Giám đốc điều hành FTSE 100. Những gì liên quan đến Wirecard không được đề cập.

Earl đưa ra những cáo buộc đầu tiên với Wirecard AG vào ngày 24/ 2/2016 từ Zatarra Research, một trang web ẩn danh do ông đồng sáng lập. Cổ phiếu Wirecard ngay lập tức giảm 21%.

Công ty này sau đó cố gắng phủ nhận mọi cáo buộc và vạch trần Earl, cuối cùng thuê Kroll và các điệp viên giám sát nghiêm ngặt một số chuyên gia bán khống.

Kroll, được Duff & Phelps mua lại vào năm 2018, có văn phòng trên khắp thế giới, bao gồm cả tòa nhà chọc trời Shard ở London. Dịch vụ của nó không hề rẻ, và theo đơn kiện, Kroll bị cáo buộc tính phí tới 75.000 € (66.000 bảng Anh) song chỉ cung cấp dịch vụ điều tra trong 6 tuần. Công ty này cũng từng lập hóa đơn 254,661 € cho gần 750 giờ làm việc của 16 nhân viên, bao gồm “điều tra máy tính”, “giám sát”...

Tháng 8/2016, một nhân viên khác của Kroll bị cáo buộc gửi cho Giám đốc điều hành Wirecard những bức ảnh bí mật của Earl tại nhà ga Victoria của London. Wirecard cũng đã thuê ít nhất 5 công ty luật và một công ty quan hệ công chúng để giải quyết hậu bê bối.

Theo một báo cáo hồi tháng 3/2016, Wirecard thậm chí còn được đề xuất sử dụng các phương tiện cực đoan hơn để truy tìm những người chỉ trích, trong đó có việc sử dụng bất hợp pháp công cụ nhận dạng thuê bao di động quốc tế (IMSI).

“Trong suốt quá trình này, hành động của Kroll hoàn toàn phù hợp với tất cả các quy định hiện hành. Nó không – và tất nhiên sẽ không bao giờ – tham gia bất kỳ hành vi đe dọa hay bất hợp pháp nào”, luật sư của Kroll cho biết. “Kể từ khi kết thúc hợp đồng với Wirecard, Kroll phát hiện ra rằng Wirecard cũng hợp tác với nhiều công ty điều tra tư nhân khác. Đương nhiên, Kroll không biết về sự tham gia của họ nên không thể bình luận tính đúng sai”.

Theo: The Guardian, FT

Cùng chuyên mục

Đọc thêm