Doanh nghiệp

Hòa Phát vô địch doanh thu quý I, nhóm thép và bán lẻ lấn lướt trong top 20

Thế Giới Di Động (MWG) có doanh thu cao thứ 2, chỉ sau Hòa Phát, trong quý I/2022. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Trong quý đầu năm 2022, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) ghi nhận doanh thu thuần 44.058 tỷ đồng, tăng trưởng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây chưa phải là con số doanh thu kỷ lục trong lịch sử của Hòa Phát vì còn thấp hơn quý IV/2021, nhưng cũng đã đủ để tập đoàn thép của tỷ phú Trần Đình Long đứng đầu thị trường chứng khoán.

Tổng sản lượng tiêu thụ thép tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái lên 2,17 triệu tấn, giá thép xây dựng bình quân tăng 20%, giá thép cuộn cán nóng (HRC) tăng 25% là những nhân tố chính giúp Hòa Phát ghi nhận doanh thu gần 2 tỷ USD trong một quý.

Trong top 20 doanh thu quý I vừa qua còn có ba doanh nghiệp ngành thép nữa là Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG), Tập đoàn Nam Kim (Mã: NKG) và CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC).

 

Hòa Phát có chuỗi giá trị kéo dài từ khâu tuyển quặng để sản xuất ra gang lỏng, phôi thép, rồi cán ra các loại thành phẩm như thép xây dựng, ống thép, tôn mạ, … thậm chí sử dụng thép để làm các loại đồ gia dụng, điện máy.

Trong khi đó, Hoa Sen và Nam Kim chỉ hoạt động ở khâu hạ nguồn, tức là nhập thép cuộn cán nóng (HRC) để cán ra tôn mạ và ống thép. Hoa Sen hiện chiếm thị phần lớn hơn Nam Kim cả về tôn mạ và ống thép, điều này phần nào giải thích chênh lệch doanh thu giữa hai doanh nghiệp.

  • TIN LIÊN QUAN
  • Chiến lược kinh doanh trái ngược của các đại gia thép Hoa Sen, Hòa Phát, Nam Kim

Ngoài ra, Hoa Sen còn sản xuất ống nhựa và đang đẩy mạnh hoạt động phân phối vật liệu xây dựng và nội thất thông qua hệ thống siêu thị Hoa Sen Home.

Nói cách khác, doanh thu của Hoa Sen không chỉ đến từ tiêu thụ các sản phẩm do chính mình sản xuất ra mà còn gồm các sản phẩm mua về rồi bán lại.

 

Đại gia có doanh thu thuần cao thứ 2 sàn chứng khoán quý vừa qua là CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) với 36.467 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử của công ty nhưng còn thấp hơn 17% so với quán quân Hòa Phát.

Tính đến cuối tháng 3/2022, MWG vận hành 5.497 cửa hàng, bao gồm 985 cửa hàng Thế Giới Di Động, 2.077 cửa hàng Điện Máy Xanh, 29 cửa hàng Topzone, 2.127 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 211 nhà thuốc An Khang, 44 cửa hàng Bluetronics và 24 cửa hàng AVA độc lập.

Trong quý I, các chuỗi Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và Topzone ghi nhận hơn 30.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 21% so với cùng kỳ. Chuỗi Bách Hóa Xanh đạt doanh thu 6.040 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và tăng 8% so với quý IV/2021. Hiện nay Bách Hóa Xanh vẫn đang thua lỗ.

MWG có kế hoạch tiếp tục mở rộng chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh ra miền Trung và miền Bắc, đồng thời tính đến phương án bán 20% vốn của Bách Hóa Xanh cho nhà đầu tư trong nước hoặc quốc tế.

 

Trong top 20 doanh thu quý I còn 4 doanh nghiệp bán lẻ khác là CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail – Mã: FRT), CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ), CTCP Thế Giới Số (Mã: DGW) và Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco - Mã: PET).

Tuy tên gọi có từ “dầu khí” nhưng hoạt động kinh doanh chính của Petrosetco là phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin và thiết bị viễn thông của các thương hiệu như Apple, Samsung, Huawei, Acer, HP, Lenovo, …

Ngoài ra, Petrosetco còn bán lẻ phân bón hữu cơ sinh học, hạt nhựa polypropylene (PP), xơ sợi polyester và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG). Năm 2021, Petrosetco ghi nhận doanh thu 17.921 tỷ đồng, trong đó hoạt động bán hàng hóa chiếm 90,5%, cung cấp dịch vụ đóng góp 9,5% còn lại.

FPT Retail là đối thủ lớn của MWG trong lĩnh vực bán lẻ hàng điện tử và công nghệ như điện thoại, laptop, máy tính bảng, … Tuy nhiên, FPT Retail không có mảng kinh doanh bách hóa như MWG.

Thế Giới Số là doanh nghiệp vừa bán lẻ các sản phẩm điện tử và công nghệ, vừa cung cấp cho các doanh nghiệp bán lẻ khác như MWG và FPT Retail. Tại ngày 31/3/2022, Thế Giới Số đang có khoản phải thu 759 tỷ đồng từ Thế Giới Di Động và 248 tỷ đồng từ FPT Retail. 

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm