Chỉ sau Phần Lan, năm 2022, Đan Mạch là quốc gia nằm ở vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng quốc gia hạnh phúc thế giới do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc thực hiện. Để có được kết quả này một phần này liên quan đến phương pháp giáo dục của người dân nơi đây.
Suy nghĩ thực tế
Nhiều người xem phim hay đọc sách của Đan Mạch sẽ nhanh chóng nhận ra rằng thường có kết chuyện thực tế và không mang đến những kết thúc có hậu như bộ phim của Hollywood. Ví dụ như trong phiên bản gốc của chuyện Nàng tiên cá, nhà văn Hans Christian Andersen không để nhân vật nữ chính lấy chàng hoàng tử. Trong khi đó, các bộ phim của Disney lại để Ariel không chỉ kết hôn với hoàng tử Eric mà còn được trở thành con người mãi mãi.
Người Đan Mạch có cái nhìn thực tế hơn và họ chia sẻ với con mình về điều đó. Việc này được thể hiện ngay trong cách khen ngợi của cha mẹ Đan Mạch, đúng lý do và đúng cách. Những bậc cha mẹ Đan Mạch sẽ khen ngợi một đứa trẻ hoàn thành nhiệm vụ vì chăm chỉ chứ không phải do sự thông minh.
Với phương pháp này, trẻ sẽ tin rằng chúng sẽ có khả năng làm được bất kì điều gì, trái ngược với suy nghĩ chỉ có thể chinh phục được mục tiêu nếu sở hữu những khả năng thiên bẩm.
Tự điều chỉnh để có được cảm xúc tích cực nhất
Người Đan Mạch thích xử lý các tình huống đặc biệt là những trường hợp căng thẳng hoặc khó chịu bằng cách điều chỉnh nhận thức của mình về chúng. Ví dụ, nếu thời tiết quá lạnh và có bão, một người Đan Mạch sẽ nói rằng ít nhất tôi rất vui vì mình không phải ra ngoài vào thời tiết này.
Người dân quốc gia hạnh phúc cho rằng tất cả mọi chuyện tốt hay xấu đều nằm ở cách bạn nhìn nhận mọi chuyện. Vì thế họ cố gắng dạy con tìm ra các khía cạnh tươi sáng của vấn đề, từ đó nảy sinh sự đồng cảm, thấu hiểu. Điều này giúp con của bạn loại bỏ cảm xúc tiêu cực, và cảm thấy hạnh phúc hơn.
Người Đan Mạch luôn tâm niệm con cái là hình ảnh phản chiếu cha mẹ. Nếu cha mẹ luôn có tâm niệm tiêu cực như ''Tôi không thể giảm cân'', ''Tôi không phải là một nhà văn giỏi''... - chính bạn đang làm gương cho con mình có một giới hạn tồn tại từ trước hơn bất kì điều gì có thể xảy ra nếu cố gắng hết mình.
Lớp học về sự thấu cảm
Ở các trường học Đan Mạch, mỗi giờ một tuần, các học sinh trong độ tuổi từ 6-16 phải tham gia lớp học đồng cảm có tên ''Klassens tid''. Giờ học đồng cảm này cũng quan trọng như thời gian dành cho tiếng Anh hay Toán học.
Trong giờ học này, học sinh sẽ được thảo luận về các vấn đề mình đang gặp phải. Cả lớp và giáo viên sẽ cố gắng tìm ra giải pháp dựa trên sự lắng nghe và thấu hiểu. Nếu không có vấn đề gì cần thảo luận, học sinh sẽ chỉ đơn giản là dành thời gian để cùng nhau thư giãn và tận hưởng ''hygge''.
"Hygge" là khái niệm riêng dùng để biểu đạt ý nghĩa của sự hạnh phúc ở Đan Mạch. Đây cũng được xem là cơ sở để ngành giáo dục nước này xây dựng, phát triển môn Thấu cảm trong trường học.
"Hygge" còn có nghĩa là mang lại ánh sáng, sự ấm áp và tình bạn, tạo ra một bầu không khí chia sẻ, chào đón và thân thiện.
Môn Thấu cảm được chứng minh giúp xây dựng các mối quan hệ, ngăn chặn bắt nạt học đường và tạo nên sự thành công trong công việc.
Không có sự cạnh tranh giữa người với người
Cạnh tranh chỉ dành riêng trong con người bạn chứ không phải với người khác. Chính vì vậy, các trường học ở Đan Mạch không có các giải thưởng, danh hiệu dành cho những học sinh xuất sắc trong các môn học ở trường nhằm không tạo ra sự cạnh tranh. Thay vào đó họ thực hành văn hoá động lực để cải thiện chính bản thân mình.
Ở các trường học Đan Mạch còn có văn hoá học tập hợp tác, bao gồm việc tập hợp những đứa trẻ có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau trong các môn học để giúp đỡ lẫn nhau cùng cố gắng.
Ngoài ra, ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em Đan Mạch đã được dạy: Bạn không thể thành công nếu chỉ có một mình. Một đứa trẻ có năng khiếu về toán học nhưng nếu không cộng tác với bạn bè sẽ không thể tiến xa. Bởi đứa trẻ này chắc chắn sẽ cần giúp đỡ ở các môn học khác.
Một nghiên cứu cũng cho thấy khi giải thích điều gì với ai đó, chẳng hạn như một bài toán, bạn không chỉ học lại bài tập đó tốt hơn nhiều so với việc tự học thuộc lòng mà còn xây dựng kỹ năng đồng cảm. Bởi bạn sẽ cần cẩn thận và chú ý đến cách người kia tiếp nhận thông tin và phải đặt mình vào họ để hiểu suy nghĩ của họ.
Cha mẹ không có tối hậu thư với con cái
Các bậc cha mẹ Đan Mạch kiên quyết trong cách nuôi dạy con nhưng cũng rất nhạy bén và luôn ủng hộ chúng. Họ không bao giờ dùng quyền làm cha mẹ để áp đặt lên con trẻ. Thay vào đó, các bậc phụ huynh cố gắng để thấu hiểu, tin tưởng và tôn trọng con. Họ chọn giao tiếp để giải quyết vấn đề, hơn là cố chấp giành chiến thắng trong các cuộc tranh luận với con cái.
Cha mẹ luôn dành thời gian bên con
Ngoài trường học, cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cái. Người Đan Mạch dành nhiều thời gian ở bên con và đó là những khoảng thời gian không điện thoại di động, không công việc, không Internet.
Trong hầu hết các gia đình Đan Mạch đều có giá sách chứa đầy các trò chơi có thể tương tác trực tiếp như cờ cá ngựa, UNO, cờ tỷ phú... Điều này đem lại hiệu quả cao trong việc gắn kết các thành viên trong gia đình.
Theo Thedanishway