Tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ (+7% so với đầu năm so với mức 3,4% trong quý I/2021). Điều khiến SSI Research chú ý là tốc độ tăng trưởng tín dụng cao chưa từng có tại các ngân hàng quốc doanh (+6,4% so với đầu năm), với động lực là các khoản cho vay ngắn hạn. VietinBank gần đạt hạn mức tín dụng được cấp ban đầu vào cuối tháng 3 (+9% so với đầu năm) với việc đẩy mạnh giải ngân cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong khi đó, các ngân hàng tư nhân có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao (ngoại trừ HDBank) có số dư trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục mở rộng. Tại thời điểm cuối quý I/2022, số dư trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất là ở các ngân hàng Techcombank, MB, VPBank, TPBank và SHB.
Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) tăng nhẹ so với quý trước do các ngân hàng tiếp tục nâng LDR thuần lên 93% (so với mức 90% vào cuối năm 2021). Các ngân hàng quốc doanh còn được hưởng lợi từ sự gia tăng đáng kể của tiền gửi có kỳ hạn từ KBNN (tăng 66 nghìn tỷ đồng so với đầu năm) và CASA cải thiện (khoảng 60 điểm cơ bản so với quý trước tại BIDV và Vietcombank).
Theo SSI Research, việc tăng CASA có thể là kết quả ban đầu của các chương trình miễn phí chuyển khoản bắt đầu từ năm 2022 tại các ngân hàng quốc doanh. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh và tỷ lệ NIM ổn định, thu nhập lãi thuần (NII) tăng 19% so với cùng kỳ. Sacombank là một ngoại lệ với NII giảm 9% so với cùng kỳ, do ngân hàng đẩy mạnh việc thoái lãi dự thu tồn đọng.
Thu nhập phí thuần (NFI) tăng trưởng mạnh ở nhóm ngân hàng tư nhân (+37% so với cùng kỳ) nhưng thu hẹp ở nhóm ngân hàng quốc doanh (-16,5% so với cùng kỳ). SSI Research cho rằng điều này là vì các ngân hàng quốc doanh đã chọn cách hy sinh một phần thu nhập phí để đổi lấy việc mở rộng CASA, giảm chi phí vốn. Trong khi đó, thu nhập từ dịch vụ thanh toán và bancassurance vẫn tăng mạnh ở hầu hết các ngân hàng tư nhân. Thu nhập liên quan đến hoạt động kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp chưa bị ảnh hưởng trong quý I/2022.
Thu nhập ròng ngoài lãi (non-NII) nhìn chung yếu ngoại trừ giao dịch ngoại hối tại các ngân hàng quốc doanh và tư nhân lớn, và thu từ nợ xấu đã xử lý tại ACB, Vietinbank, Sacombank và VPBank. Lãi từ chứng khoán đầu tư khá ảm đạm trong toàn ngành, ngoại trừ MB. VietinBank và Techcombank thậm chí còn ghi nhận lỗ ròng chứng khoán đầu tư do trích lập dự phòng giảm giá đối với danh mục trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, số dư dự phòng này dự kiến sẽ được hoàn nhập trong quý II/2022, do Thông tư 24/2022 mới đây không yêu cầu các doanh nghiệp phải trích lập dự phòng giảm cho trái phiếu chính phủ từ ngày 25/5/2022.
Áp lực trích lập dự phòng vẫn ở mức cao, ngoại trừ ACB và Techcombank. Theo SSI Research, tỷ lệ nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng xấu đi trong quý I/2022, nguyên nhân một phần là do việc phân loại lại các khoản nợ tái cơ cấu thành nợ Nhóm 4 hoặc 5 sau khi hết thời hạn tái cơ cấu. Dư nợ tái cơ cấu do đó đã giảm ở hầu hết các ngân hàng. Tỷ lệ nợ Nhóm 2 tăng tương đối mạnh, ngoại trừ tại ACB, HDBank, MSB và Techcombank.
Nhìn chung, nhóm phân tích cho rằng chất lượng tài sản trong quý I/2022 ở các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu chưa phải là vấn đề đáng lo ngại nhưng áp lực trích lập dự phòng vẫn ở mức cao (+18% so với cùng kỳ).