Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) vừa cho biết doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 37.714 tỷ đồng trong quý II vừa qua, nhỉnh hơn cùng kỳ 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 4.023 tỷ đồng, giảm gần 59%. Biểu đồ bên trên cho thấy đây là mức lãi thấp nhất của Hòa Phát kể từ quý III/2020.
Tính chung nửa đầu năm, tập đoàn của Chủ tịch Trần Đình Long đạt 82.118 tỷ đồng doanh thu và 12.229 tỷ lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 23% và giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Cả năm 2022, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 160.000 tỷ, lãi sau thuế khoảng 25.000 - 30.000 tỷ đồng. Sau 6 tháng, Hòa Phát đã thực hiện khoảng 51% kế hoạch doanh thu và 41% - 49% kế hoạch lợi nhuận.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đã sản xuất 4,3 triệu tấn thép thô, tăng 8% so với nửa đầu năm ngoái. Tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt gần 4 triệu tấn, tăng 6%. Riêng bán hàng thép xây dựng là 2,38 triệu tấn, tăng 29% so với 6 tháng đầu 2021 và chiếm hơn 36% thị phần toàn ngành.
Bán hàng HRC của Hòa Phát ghi nhận 1,4 triệu tấn trong nửa đầu năm nay, tăng 7%. Sản phẩm hạ nguồn HRC như ống thép, tôn mạ đạt lần lượt 377.000 tấn và 180.000 tấn, tương đương mức tiêu thụ nửa đầu năm 2021.
Thị phần thép xây dựng của Hòa Phát tăng từ 32,6% trong năm 2021 lên 36,2% trong nửa đầu năm nay, tiếp tục dẫn đầu toàn ngành.
Ngành thép "thê thảm" trong quý II
Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 24/5, tỷ phú Trần Đình Long đã cảnh báo kết quả kinh doanh ngành thép trong ba quý cuối năm nay sẽ "thê thảm" vì nhiều yếu tố bất lợi như nhu cầu yếu, giá nguyên liệu đầu vào cao.
Một số doanh nghiệp thông báo kết quả kinh doanh sớm đã vẽ nên một bức tranh khá ảm đạm.
CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) cho biết lợi nhuận sau thuế quý II vừa qua đạt 42,5 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ 2021. Lũy kế nửa đầu năm, lãi sau thuế giảm 83% còn 123 tỷ đồng.
Theo giải trình của SMC, sản lượng tiêu thụ của công ty trong 6 tháng đầu 2022 đã giảm 2% so với cùng kỳ nhưng do cơ cấu mặt hàng thay đổi nên doanh thu vẫn tăng 20%.
Tuy nhiên, giá thép giảm nhanh dẫn đến giá vốn hàng tồn kho cao hơn giá thị trường và ảnh hưởng lớn tới việc dự trữ nguyên liệu phục vụ sản xuất và buộc phải dự phòng. Ngoài ra, lãi suất tăng làm cho phi phí tài chính tăng 129% so với nửa đầu 2021.
Thép Thủ Đức (Mã: TDS) báo lỗ ròng gần 2 tỷ đồng vào quý II, trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi hơn 34 tỷ và quý I năm nay có lãi hơn 8 tỷ. Giá cả đầu ra giảm sâu liên tục từ đầu quý II đến nay, cộng với lượng thép tiêu thụ đi xuống mạnh khiến cho công ty ngưng sản xuất, giá thép tồn kho cao từ các tháng trước khiến giá vốn cao và lợi nhuận thấp.
Việc tiêu thụ chậm cũng ảnh hưởng tới dòng tiền, kèm với việc siết chặt tín dụng, lãi suất lên cao hơn cùng kỳ là những nhân tố làm cho chi phí tài chính, đặc biệt là lãi vay, tăng đột biến.
Gang thép Cao Bằng (Mã: CBI) công bố lợi nhuận ròng 17,7 tỷ đồng, lao dốc 88% so với quý II/2021. Lãi sau thuế nửa đầu năm giảm 80% còn 43 tỷ đồng.
Công ty cho biết giá nguyên liệu đầu vào lên cao là nguyên nhân chính làm tăng chi phí và giảm lợi nhuận. Cụ thể, than cốc dùng cho 6 tháng đầu 2022 có giá bình quân 14,69 triệu đồng/tấn, cao hơn 53% so với nửa đầu năm ngoái.
Lợi nhuận sau thuế của Thép Mê Lin (Mã: MEL) trong quý II giảm 93% so với cùng kỳ năm trước, còn 1,7 tỷ đồng. Công ty cho biết giá thép trong nước và thế giới giảm mạnh nên sản lượng bán hàng xuống thấp, cả doanh thu lẫn lợi nhuận đều sa sút.