Doanh nghiệp

Hỗ trợ vốn vay tới 50% cho dự án tiết kiệm năng lượng

Thông tin được ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương chia sẻ tại tọa đàm Kinh tế xanh, chủ đề "Quản lý năng lượng - Giải pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp", phát sóng trên VnExpress, ngày 28/6.

Tại tọa đàm, các diễn giả đã thảo luận khái niệm về quản lý năng lượng, đánh giá thực trạng hiệu quả áp dụng quản lý năng lượng tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Từ đó đưa ra đề xuất và tư vấn giải pháp hiệu quả trong việc quản lý năng lượng tại các doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương.

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương. Ảnh: Hoài Phương

Mở đầu chương trình, ông Trịnh Quốc Vũ nhận định, cùng các nước đang phát triển, nhu cầu sử dụng năng lượng tại Việt Nam tăng nhanh chóng. Năng lượng đóng vai trò chính trong phát thải khí nhà kính, gây biến đổi khí hậu toàn cầu, nên việc tiết kiệm năng lượng hiệu quả đóng vai trò quan trọng và giải pháp đưa ra là quản lý năng lượng.

Quản lý năng lượng là xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch về sản xuất, sử dụng năng lượng, phân phối lưu trữ năng lượng, giúp các cơ sở sản xuất năng lượng đạt hiệu quả cao về kinh tế, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Về phía Schneider Electric, ông Đồng Mai Lâm Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia, diễn giả của tọa đàm cho rằng quản lý năng lượng là quá trình giúp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn đảm bảo mục tiêu về phát triển bền vững môi trường, giảm thải carbon.

Cụ thể, ở góc độ doanh nghiệp có thể giúp tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa quá trình sản xuất và tăng năng suất lao động. Mặt khác, việc thực thi các giải pháp năng lượng có thể giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn của chính phủ trong giảm thải carbon. Ông lấy ví dụ, Singapore, đang áp dụng đánh thuế carbon là 5 USD trên một tấn phát thải và có thể tiến đến 80 USD vào năm 2030.

Ông Đồng Mai Lâm - Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia.

Ông Đồng Mai Lâm - Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia. Ảnh: Hoài Phương

Mục đích cuối cùng của việc quản lý năng lượng là giúp doanh nghiệp hội nhập quốc tế. Các tập đoàn quốc tế phải tuân thủ nhiều quy định về quản lý năng lượng, phát triển bền vững. "Chỉ khi chúng ta đáp ứng các tiêu chuẩn đó thì mới có thể hội nhập toàn cầu", ông nhấn mạnh.

Ở góc độ kinh tế, ông Lâm cho rằng quản lý năng lượng hiệu quả sẽ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư về năng lượng 10-20%, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh năng lượng hướng đến đáp ứng cam kết của Chính phủ Việt Nam vào 2050 hướng đến phát thải bằng 0.

Thực trạng quản lý năng lượng tại các doanh nghiệp Việt Nam

Ông Nguyễn Mạnh Tùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Song Nam, một trong những diễn giả của tọa đàm cho rằng, nhận thức chung về quản lý năng lượng ở các doanh nghiệp Việt Nam chưa cao, một phần vì chính phủ chưa trang bị đồng bộ hệ thống giám sát, phân tích đo lường và tiêu thụ năng lượng, một phần vì chưa có cơ chế kịp thời khuyến khích, thúc đẩy tạo động lực cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào tối ưu tiết kiệm năng lượng, đạt kết quả cao.

Ông Nguyễn Mạnh Tùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Song Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Tùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Song Nam. Ảnh: Hoài Phương

Mặt khác, tiến trình chuyển đổi số của nước ta đang diễn ra mọi mặt đời sống, nhất là trong tòa nhà nhà máy, hạ tầng công trình trọng điểm nhưng tiến độ tương đối chậm so với thế giới. Nhà nước cũng chưa hoàn thiện thúc đẩy chính sách về năng lượng tới các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt chú trọng bộ tiêu chí đo lường, đánh giá mức độ quan tâm cũng như phương thức triển khai tối ưu năng lượng.

"Các doanh nghiệp đang bắt đầu áp dụng các giải pháp về tối ưu năng lượng, cũng như hệ thống quản trị về năng lượng, các thiết bị tối ưu tiêu thụ năng lượng, nhưng các yếu tố gián tiếp như chính sách, quy trình, khâu tuyên truyền đang tương đối thấp nên hiệu quả đạt được chưa như kỳ vọng", ông Tùng nhận định.

Về vấn đề này, ông Trịnh Quốc Vũ thừa nhận về mặt khuôn khổ pháp lý đã có đầy đủ, nhưng về mặt thực tiễn còn nhiều điều phải làm. "Việc chúng ta phải làm sắp tới là các bộ ngành địa phương cần thúc đẩy hơn nữa các quy định của luật về sử dụng tiết kiệm năng lượng. Thứ hai là hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng nghiêm túc việc xây dựng mô hình quản lý năng lượng và thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giúp doanh nghiệp và quốc gia giảm tiêu thụ năng lượng, bảo tồn năng lượng quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính", ông Vũ nói.

Giải pháp quản lý năng lượng hiệu quả

Đồng tình với quan điểm của ông Vũ, ông Đồng Mai Lâm cho hay, để tạo ra quy trình hiệu quả trong quản lý năng lượng không chỉ yêu cầu về công nghệ mà còn phải nâng cao nhận thức của doanh nghiệp.

Cụ thể, các giải pháp đều hướng đến 4 yếu tố chính: đo lường và thu thập dữ liệu; phân tích dữ liệu để đưa ra giải pháp; tối ưu hóa sử dụng năng lượng, và giám sát việc thực thi hiệu quả.

Tại Schneider Electric Việt Nam, giải pháp mà công ty này đưa ra là bộ công cụ hỗ trợ cho 4 bước trên gồm đồng hồ đo lường và các thiết bị điện thông minh phục vụ cho việc thu thập dữ liệu, phần mềm EcoStruxure Power Monitoring Expert (PME) phân tích dữ liệu từ đó đưa ra những khuyến nghị về tối ưu hóa điện năng tiêu thụ. Các thiết bị kết nối khác như bộ bù hệ số công suất động EVC+, bộ lọc sóng hài Accusine, bộ ổn áp công nghiệp DVR giúp khách hàng tiết kiệm năng lượng tiêu thụ cũng như cải thiện chất lượng điện năng.

Schneider Electric còn giúp khách hàng bảo trì hệ thống điện tốt hơn, thông qua giải pháp số hóa EcoStruxure Power Advisor Digital Service Plan giúp khách hàng đánh giá sức khỏe hệ thống điện, tiên đoán trước sự cố có thể xảy ra và có thể chủ động đưa ra kế hoạch bảo trì, cũng như khuyến nghị các khách hàng đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống điện .. "Kết quả từ các khách hàng của công ty cho thấy tối ưu hóa hệ thống quản lý năng lượng có thể tiết kiệm năng lượng đến 50% trong khi mức trung bình là 23%", ông Lâm chia sẻ.

Schneider Electric cũng có đội ngũ chuyên gia có thể giúp doanh nghiệp tư vấn về phát triển bền vững, về các giải pháp công nghệ kết nối toàn bộ hệ thống điện với nhau giúp việc giám sát quá trình phân tích sử dụng điện năng hiệu quả hơn.

Cũng là doanh nghiệp chuyên kinh doanh về các giải pháp cho lĩnh vực năng lượng, ông Nguyễn Mạnh Tùng cho biết công ty đang triển khai phầm mềm PMS, PME... về giám sát, phân tích năng lượng. Công ty cũng đang phối hợp với Schneider Electric Việt Nam cung cấp cho khách hàng giải pháp tích hợp bộ công cụ để phân tích tối ưu năng lượng, kiểm soát song hành cùng khách hàng; hoàn thiện các giải pháp về phòng thông minh cho khách sạn, smart home, rộng hơn nữa là smart building, đơn cử bộ giải pháp smart office, smart hotel, smart hospital, smart school.

"Chúng tôi cũng nhìn thấy xu hướng phát triển về khu đô thị thông minh tại Việt Nam nên đang hoàn thành giải pháp smart city phối hợp với sản phẩm lõi của Schneider Electric, hy vọng có thể tối ưu cho các thị trường trọng yếu là nhà trường, hạ tầng, nhà máy", ông Tùng cho biết.

Trước những giải pháp từ phía doanh nghiệp, ông Vũ đánh giá quản lý năng lượng đóng vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu của chính phủ về sử dụng hiệu quả năng lượng.

Cụ thể, ông Vũ cho biết, bên cạnh quy định về phạt các doanh nghiệp chưa đáp ứng tiêu chí quản lý năng lượng, chính phủ đang nghiên cứu cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp quản lý năng lượng hiệu quả trên thế giới và hy vọng Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ xây dựng, thúc đẩy doanh nghiệp để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, các bộ ban ngành cũng có xây dựng các chương trình, cơ chế thí điểm để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, trong đó có cơ chế tài chính.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm