Lời kêu gọi cấm TikTok ở Mỹ đang ngày càng mạnh mẽ hơn. Chính phủ nước này nỗ lực đẩy nền tảng video xã hội phổ biến của Trung Quốc ra khỏi trường học hay trong các thiết bị của nhân viên chính phủ với lý do dữ liệu người dùng có thể bị đánh cắp và lợi dụng. Tuy nhiên, với người làm cha mẹ, nguy cơ lộ dữ liệu cá nhân không đáng lo ngại bằng sức mạnh lan truyền thông tin xấu độc của thuật toán của TikTok.
Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, hai phần ba thanh thiếu niên Mỹ dùng TikTok, trong đó 16% sử dụng liên tục. Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA) đánh giá việc thường xuyên xem video TikTok có thể đẩy thanh thiếu niên vào những "hố sâu nguy hiểm". APA kêu gọi phụ huynh nên chú ý đến phương tiện xã hội mà con mình sử dụng, đặc biệt cảnh giác với nội dung tự làm hại bản thân.
Năm 2021, một cuộc điều tra của WSJ phát hiện TikTok hướng người xem đến nội dung nguy hiểm. Tuy nhiên, trái với hứa sẽ có một thuật toán ổn định hơn, tài khoản của thanh thiếu niên gần như không có sự thay đổi trong hai năm qua.
Tháng 12/2022, Trung tâm Chống thù ghét kỹ thuật số (CCDH) đã lập những tài khoản TikTok hư cấu đóng vai những đứa trẻ 13 tuổi ở Mỹ, Canada, Australia và Anh. Trong 30 phút, họ họ thả tim video bất kỳ về hình ảnh cơ thể và sức khỏe tinh thần được gợi ý. Kết quả là sau 2,6 phút, TikTok đề xuất nội dung liên quan đến tự tử và làm hại cơ thể. Trong 8 phút, nền tảng hiển thị video về giảm cân, cách đạt được cơ thể đáng mơ ước, chứng rối loạn ăn uống. Trung bình cứ 39 giây, TikTok lại cung cấp video về hình ảnh cơ thể và vấn đề sức khỏe tinh thần.
Sau khi nghiên cứu được công bố, nhiều video đã biến mất, nhưng các tài khoản đăng lại vẫn tồn tại. Nội dung tự tử được gỡ bỏ, nhưng video mô tả cảm giác muốn tự tử lại không bị coi là vi phạm. Trong số 595 video CCDH tiếp cận, có hàng loạt nội dung tiêu cực, buồn bã, kéo cảm xúc xuống khi chứa những câu nói về nỗi thất vọng, bi quan, nhụt chí kèm đoạn nhạc buồn và u uất. Một số ghi lại cảnh trong bệnh viện, cùng dòng chữ như "Tôi không còn hy vọng gì trong những giây phút cuối đời". Các nhà tâm lý học lo ngại các video này có thể tác động tiêu cực đến tâm lý trẻ em.
TikTok cho biết công ty có đội ngũ hơn 40.000 người kiểm duyệt nội dung. Ba tháng cuối 2022, nền tảng đã xóa 85 triệu video vi phạm nguyên tắc cộng đồng, trong đó 2,8% là nội dung tự làm hại, tự tử và rối loạn ăn uống. "Chúng tôi sẵn sàng đón nhận phản hồi và xem xét kỹ lưỡng, đồng thời tìm cách tương tác một cách xây dựng với các đối tác", phát ngôn viên TikTok nói.
TikTok cho rằng nền tảng này cũng là nơi chia sẻ cảm xúc về những trải nghiệm khó khăn và việc chủ động đối phó cảm xúc tiêu cực có thể hữu ích cho cả hai bên. Công ty sẽ điều chỉnh thuật toán để hạn chế đề xuất nhiều lần một nội dung hẹp cho người xem.
Trong khi đó, người đăng video cũng liên tục nghĩ mẹo để tránh bộ lọc TikTok. Thay vì dùng từ khóa tự tử, nhiều người chọn cách phiên âm khác đi hoặc dùng từ lái để người nghe tự tưởng tượng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng TikTok có thể lựa chọn xóa bỏ, gắn nhãn cảnh báo thay vì tiếp tay cho video độc hại.
"Nếu không thể loại bỏ nội dung độc hại khỏi nền tảng, các công ty cũng đừng tạo ra thuật toán đưa chúng đến với trẻ em", Arthur C. Evans Jr., Giám đốc điều hành Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, nói.
Phụ huynh có thể làm gì?
Ariana Hoet, nhà tâm lý học nhi khoa tại Bệnh viện trẻ em quốc gia Mỹ, khuyến khích cha mẹ chủ động kiểm tra nội dung con nhỏ đang xem, thay vì trông chờ vào nền tảng. Họ nên trực tiếp hỏi xem con cái đang thấy gì trên mục For You. Nếu phát hiện nội dung độc hại, có thể đứa trẻ đang tìm kiếm hoặc có xu hướng chú ý đến vấn đề đó và nên can thiệp ngay từ lúc này.
Ngoài ra phụ huynh cũng nên thiết lập chế độ Family Pairing trên ứng dụng để hạn chế nội dung không phù hợp với con trẻ. Chế độ này còn cho phép thiết lập thời gian dùng ứng dụng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo với thuật toán gây nghiện của TikTok, người dùng, nhất là trẻ nhỏ, có thể sẩy chân bất kỳ lúc nào vào những cạm bẫy liên tục được tạo ra trên nền tảng.
(theo WSJ)