Công nghệ

Apple giữ bí mật và lần ra nguồn tin rò rỉ thế nào

Ngày 10/5, tài khoản @analyst941, nổi tiếng với các tin đồn liên quan đến sản phẩm Apple, đã xóa tài khoản Twitter theo yêu cầu của hãng. Trước đó, hãng đã tìm kiếm và sa thải nguồn tin trong nội bộ, được xác nhận là chị gái người này.

Theo 9to5mac, Apple có nhiều biện pháp khác nhau để xác định người tung tin đồn (leaker). Biên tập viên các trang tin công nghệ cũng phải cẩn trọng trong cách biên tập câu chữ tránh vô tình để lộ nguồn tin của mình.

Văn hóa giữ bí mật của Apple

Nhà đồng sáng lập Steve Jobs theo đuổi một triết lý quan trọng: điều kỳ diệu phải xuất hiện bất ngờ. Sự ra mắt iPhone đời đầu là ví dụ kinh điển. "Hôm nay chúng tôi xin giới thiệu ba sản phẩm mang tính cách mạng của ngành. Đầu tiên là iPod màn hình rộng có điều khiển cảm ứng. Thứ hai là điện thoại di động mang tính cách mạng. Và thứ ba là thiết bị liên lạc Internet đột phá", Jobs nói trong sự kiện đầu tháng 1/2007.

Tin đồn về ba sản phẩm này cũng đã xuất hiện trước lễ công bố. Tuy nhiên, đó không phải ba thiết bị riêng biệt, mà hội tụ trong duy nhất một chiếc iPhone. Mong muốn tạo nên "điều kỳ diệu bất ngờ" đã hình thành tại Apple một văn hóa gọi là bí mật được cất giữ.

Khuôn mẫu được cho là của iPhone 15 (hàng trên) được lan truyền trên Internet hồi đầu tháng 5. Nguồn: Apple Insider

Khuôn mẫu được cho là của iPhone 15 (hàng trên) đang lan truyền trên mạng. Nguồn: Apple Insider

Vậy Apple làm gì để bảo vệ "kho báu"? Đầu tiên là hệ thống tổ chức đội nhóm. Các cá nhân hoặc nhóm nhỏ sẽ làm việc độc lập trên một thành phần riêng lẻ của sản phẩm, thậm chí họ không biết đến sự tồn tại của nhau. Nhà phát triển không được phép nói về công việc của mình, kể cả với nhân viên Apple khác.

Adam Lashinsky, nhà báo của Washington Post, mô tả trong cuốn Inside Apple: "Mỗi nhân viên Apple là một mắt xích trong chuỗi zíc zắc và chỉ một người có thể xâu chuỗi lại với nhau là CEO - vai trò mà Steve Jobs trao lại cho Tim Cook. Những căn phòng không cửa sổ, bị khóa trái là nơi sản phẩm được thảo luận. Ngay cả lãnh đạo cao cấp cỡ Phó chủ tịch cũng chỉ được mời vào để trình bày về phần họ phụ trách trong thiết kế chung rồi được yêu cầu rời khỏi phòng. Ít ai hình dung toàn bộ sản phẩm trông như thế nào"

Nhiều nhân viên Apple cho biết họ thậm chí không rõ đang làm khâu nào của sản phẩm. Thiết kế hình tròn của trụ sở Apple Park cũng được cho là để phục vụ đặc thù sắp xếp nhân sự này. Một kỹ sư có thể phát triển về công nghệ âm thanh nhưng không biết sản phẩm sẽ được đưa vào loa HomePod, máy Mac, AirPods hay iPhone.

Các thiết bị nguyên mẫu cũng được ngụy trang cẩn thận nếu chúng cần được sử dụng nơi công cộng. Bài học xương máu này được rút ra sau sự cố nổi tiếng khi iPhone 4 bị lộ hoàn toàn thiết kế do một kỹ sư bỏ quên nguyên mẫu ở một quán bar năm 2010.

Apple cũng giám sát chặt chẽ hoạt động mạng, thiết bị ngoại vi như USB, cũng như cảnh bảo nhân viên rằng hành động rò rỉ sẽ bị xử phạt, phải bồi thường cả thiệt hại về tài chính.

"Đi săn"

Dù Apple nỗ lực bảo vệ, thông tin về sản phẩm vẫn liên tục bị tuồn ra ngoài. Lý do là sức nóng của các thiết bị như iPhone, iPad đang mở ra ngành kinh doanh tiền tỷ liên quan đến phát triển ứng dụng, phụ kiện như ốp lưng, cáp sạc.

Mỗi năm, Apple chỉ trình làng một thế hệ iPhone và bán ra sau khi công bố 1-2 tuần. Thời gian này quá ngắn để nhà phát triển và giới kinh doanh phụ kiện kịp trở tay trong việc xây dựng ứng dụng phù hợp màn hình mới hay sản xuất bộ ốp lưng vừa vặn kích thước mới. Họ cần nắm trước thông tin một cách chính xác vì chỉ cần sai lệch một chút về số đô, vị trí để loa, giắc cắm, nút bấm... là toàn bộ lô hàng sản xuất "đón đầu" thành phế thải. Do đó, nhiều bên sẵn sàng trả khoản tiền lớn nhằm mua chuộc nguồn tin nội bộ cung cấp bản vẽ, hình ảnh CAD... hoặc hoặc dụ công nhân nhà máy chụp trộm sản phẩm, "cho mượn" bộ khung iPhone trong thời gian ngắn.

Để đối phó, Apple cài cắm nhiều bẫy trong nguồn tin. Một cách phổ biến là mỗi sản phẩm giao cho nhân viên đều sẽ được mã hóa bằng một màu riêng biệt.

Một bức ảnh màu đen nhưng đã được mã hóa bằng cách thay đổi một phần màu sắc mà mắt thường khó có thể nhận ra. Ảnh: 9to5mac

Bức ảnh màu đen nhưng được mã hóa bằng cách thay đổi một phần màu sắc mà mắt thường khó có thể nhận ra. Ảnh: 9to5mac

Ví dụ hình ảnh màu đen trong ảnh trên, với mắt thường là ô màu không có gì đặc biệt. Nhưng Apple đã làm mờ một phần, đổi tông màu thành #0D0D0D thay vì #000000. Bằng cách thực hiện thay đổi tinh tế như vậy, với các pixel khác nhau, hãng có thể tạo số lượng biến thể gần như vô hạn mà mắt thường không phân biệt được.

Đây là cách giúp hãng nhanh chóng xác định người đã tuồn hình ảnh ra ngoài là ai. Tuy nhiên, các chuyên gia tin đồn cũng không để Apple nắm thóp. Họ hiếm khi đăng hình ảnh gốc được cung cấp mà sẽ dựng lại, dù màu sắc có thể không chính xác tuyệt đối.

Một mẹo khác của Apple là đánh dấu serie mỗi bức ảnh. Tương tự, video cũng có ID riêng gắn với mã nhân viên công ty. Hãng cũng đổi kiểu chữ tinh tế. Ví dụ với phông chữ serif đặc trưng của Apple, bộ phận bảo mật có thể tạo một ký tự bị thiếu một pixel trong một nét duy nhất của chữ cái. Kích cỡ phông chữ cũng có thể được thu nhỏ hoặc hạ hàng thấp xuống chỉ một pixel.

Đôi khi, Apple áp dụng cách tiếp cận ngược, có thể thấy ngay bằng mắt thường như im đậm, in nghiêng một vài từ khóa. Khi nhận được những văn bản như thế, nhân viên Apple tự hiểu họ đang vào tầm ngắm và đây là lời cảnh cáo.

Apple bất ngờ mang Final Cut Pro lên iPad trong sự kiện ngày 10/5 thay vì phải đến năm 2024 như tin đồn trước đó. Ảnh:Apple

Apple giới thiệu tính năng Final Cut Pro trên iPad trong sự kiện ngày 9/5. Ảnh:Apple

Ngoài ra, hãng thường cung cấp thông tin không đúng về ngày ra mắt, thông số kỹ thuật, giá bán, màu sắc cho nhân viên không nằm trong nhóm liên quan. Ví dụ, nhân viên phụ trách phát triển băng tần mạng sẽ nhận tài liệu về thông số camera sai lệch là f/1.78 thay vì f/1.76.

Theo 9to5mac, đây là một vài trong rất nhiều mẹo "đi săn" nguồn tin của Apple đã bị giới chuyên gia nhận ra. Nhưng hãng còn nhiều chiêu bí mật khác chưa bị nhận ra.

Mắc bẫy

Trong trường hợp của chuyên gia tin đồn @Analyst941, trước khi bị Apple phát giác, người này thường xuyên đăng tin rò rỉ về tính năng mới trên hệ điều hành iOS 17, iPadOS 17 và watchOS 10. Tuy nhiên, trong bài viết cuối trên trang MacRumors, người này thừa nhận đã sập bẫy Apple.

Hầu hết tin đồn từ @Analyst941 là chính xác. Nhưng đến đầu tháng 5, người này nói Apple sẽ phát hành công cụ Final Cut Pro cho iPad trong 2024, sau đó là Logic Pro năm 2025.

Tuy nhiên, Apple bất ngờ phát hành cả hai tính năng trong sự kiện ngày 9/5. Thực tế, hãng đã cố tình cung cấp thời gian sai cho nhân viên. Khi tin đồn sai được tung ra, họ dễ dàng truy ra người tuồn tin. Chị gái của @Analyst941 đã bị thôi việc ngay sau đó. Cả hai đang đối diện nguy cơ bị kiện.

(theo 9to5mac)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm