Thời sự

Bộ ba bất khả thi là gì, Việt Nam có nên chuyển sang chính sách linh hoạt tỷ giá như Trung Quốc để hạ lãi suất?

Ba yếu tố nằm trong "bộ ba bất khả thi" đó là: Lãi suất - tỷ giá - dòng vốn. Tức là không thể nào cùng lúc đạt được cả ba mục tiêu trên mà bắt buộc phải có sự lựa chọn. Điểm khác biệt là ở mỗi thời điểm, sự lựa chọn khác nhau sẽ phù hợp với những mục tiêu chính sách khác nhau.

Bộ ba bất khả thi là gì?

Bộ ba bất khả thi được nhắc đến nhiều kể từ thời điểm cuối tháng 9/2022 khi Fed liên tục tăng lãi suất khiến Việt Nam rơi vào trạng thái bị động, muốn giữ được dòng vốn và tỷ giá để tránh ảnh hưởng đến đầu tư FDI và xuất nhập khẩu thì buộc phải tăng lãi suất.

Thời điểm ấy, các chuyên gia cũng đã đưa ra những phân tích và khuyến nghị lựa chọn chính sách.

TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính phân tích, theo lý thuyết nếu không muốn ảnh hưởng đến dòng vốn thì cần tăng lãi suất, giảm bớt nguy cơ tỷ giá hoặc nếu không muốn tăng lãi suất mà vẫn muốn giữ dòng vốn thì phải giảm giá đồng tiền.

"Vậy nên gọi là bộ ba bất khả thi, điều quan trọng là đánh giá tác động để lựa chọn giữa cái được và cái mất", chuyên gia Vũ Đình Ánh cho hay.

Khi ấy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trước áp lực tỷ giá tăng quá cao đã buộc phải tăng lãi suất để không bị tụt quá xa so với Mỹ trong cuộc đua lãi suất. Điều đó khiến lãi suất thực của Việt Nam thời điểm các tháng cuối năm 2022 thuộc top cao trên thế giới vì lạm phát thấp mà lãi suất lại ở mức rất cao.

Fed đã tăng lãi suất liên tục từ tháng 3/2022 đến nay ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ giá của các đồng tiền trên thế giới. 

Tháng 12/2022, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia từng so sánh, lãi suất tiền gửi kỳ hạn một năm đang khoảng 9,4% mà lạm phát 6,2% thì lãi suất thực khoảng 6,2%. Lãi suất cho vay hiện đang khoảng 12,6% mà lạm phát có 3,2% thì lãi suất thực cho vay hiện trên 9%.

Tại Mỹ, lạm phát đang ở 8%, lãi suất 3,5% - 4% thì lãi suất thực là -4% còn Việt Nam đang là 9%, tức cao hơn lãi suất thực của Mỹ hơn 13%. Nếu so sánh với châu Âu, lạm phát 10% mà lãi suất cho vay còn thấp hơn của Mỹ thì lãi suất thực của Việt Nam còn cao hơn nữa. Đây là một trong những lãi suất thực cao nhất thế giới ở thời điểm cuối năm 2022.

Bước sang quý I/2023, NHNN đã tích cực hạ lãi suất bằng việc liên tiếp giảm hai đợt lãi suất điều hành đồng thời yêu cầu các ngân hàng thương mại hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.

Đánh giá về động thái trên, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, NHNN đã tương đối chủ động khi giảm mặt bằng lãi suất hai lần trong khi trên thế giới, một số ngân hàng trung ương vẫn còn tăng lãi suất và mới chuẩn bị dừng lại, tức là Việt Nam đã đi trước một bước.

Tính chủ động và linh hoạt trong chính sách tiền tệ qua đó giúp mặt bằng lãi suất huy động và cho vay từ 1-2%, hỗ trợ một phần khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân.

Với lãi suất vay USD, TS. Lực kỳ vọng sẽ giảm nhẹ trong thời gian tới vì mặt bằng lãi suất USD trên thế giới vẫn ở mức tương đối cao. Theo ông, Việt Nam được đánh giá là một môi trường đầu tư kinh doanh ở mức rủi ro tương đối cao. Chính vì vậy, lãi suất cho vay đồng USD hay lãi suất đầu tư thông thường ở mức tương đối cao.

Thời điểm để cân nhắc lại bộ ba bất khả thi

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: Hạ An).

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cũng khuyến nghị trong bối cảnh hiện nay, tỷ giá có thể linh hoạt hơn nữa.

"Với VND, giá trị thực có vẻ như vẫn còn tăng và chúng ta có thể linh hoạt hơn bằng cách để tỷ giá biến động và chấp nhận mất giá một chút, giống như cách mà Trung Quốc đang triển khai trong thời gian vừa qua", TS. Lực nói.

Các chuyên gia quốc tế đánh giá, hệ thống tỷ giá hối đoái linh hoạt dựa trên thị trường của Trung Quốc giúp ổn định nền kinh tế vĩ mô và cán cân thanh toán quốc tế.

Năm ngoái, Trung Quốc cũng đã hạ lãi suất cơ bản cho vay để giữ lãi suất thực ở mức phù hợp, giúp giảm chi phí tài chính một cách hiệu quả và hỗ trợ nền kinh tế thực.

Việc chấp nhận tỷ giá linh hoạt hơn theo thị trường là yếu tố giúp NHNN có thể hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn. Tuy nhiên, mặt tiêu cực là tỷ giá có biến động mạnh hơn.

Theo TS. Lực, hiện nay, tỷ giá VND về cơ bản đã theo thị trường, tuy nhiên vẫn neo với một rổ tiền tệ 8 đồng tiền khác nhau. 

Vì vậy, chuyên gia khuyến nghị NHNN không nhất thiết phải can thiệp mọi nơi mọi lúc và có thể để tỷ giá biến động sát hơn với thị trường, tất nhiên là vẫn phải trong tầm kiểm soát.

"Muốn vậy thì chúng ta phải tăng cường dự trữ ngoại hối để chúng ta có cú đệm chắc chắn hơn, tránh các tình huống xấu có thể xảy ra", TS Lực nói.

Ông cũng thông tin thêm, NHNN cũng vừa công bố mua thêm trên 6 tỷ USD nâng mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên trên 90 tỷ USD, mức này cao hơn nhiều so với thời điểm cuối năm 2022.

Diễn biến này trái ngược với năm ngoái khi trong 10 tháng đầu năm 2022, NHNN phải bán một lượng lớn ngoại tệ (ước khoảng 20% dự trữ ngoại hối) để ổn định tỷ giá. Điều này đã khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm xuống dưới mức khuyến nghị của IMF (thấp hơn 3 tháng nhập khẩu).

Từ giữa tháng 12/2022, NHNN đã phát tín hiệu quay trở lại hoạt động mua ngoại tệ khi giá đồng USD hạ nhiệt trên thị trường quốc tế giúp giảm áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, theo TS. Lực trong thời gian tới, NHNN vẫn phải tiếp tục mua vào bởi hiện nay vẫn ở mức tương đối thấp so với khuyến cáo của IMF.

Yếu tố thứ hai là câu chuyện kiểm soát dòng vốn. "Chúng ta vẫn phải kiểm soát dòng vốn bởi trong bối cảnh hiện nay, vốn ra vốn vào diễn biến thay đổi tương đối nhanh", chuyên gia đánh giá.

TS. Lực cũng nhìn nhận, đối với Việt Nam, việc theo đuổi chính sách tiền tệ độc lập khá là tương đối khó bởi NHNN là một cơ quan thuộc Chính phủ cho nên chúng ta phải kiên định với câu chuyện về ổn định vĩ mô. Chính sách tiền tệ theo đó cũng phải phụ thuộc vào các mục tiêu của Chính phủ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm