Tài chính

Hiệu ứng boomerang ngược ở Mỹ: Nhiều cha mẹ chuyển đến sống cùng con cái

Mô hình đa thế hệ phổ biến ở Mỹ trong nửa đầu thế kỷ 20 nhưng sau đó đã thay đổi khi nhà ở tập trung vào gia đình hạt nhân. Sau khi chạm đáy ở mức 12% vào năm 1980, mô hình này đã trở lại Mỹ những năm gần đây, đặc biệt là sau tác động của đại dịch Covid-19.

Những thách thức của thị trường nhà ở được cho là một trong những nguyên nhân. Theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia (NAR), năm 2022, có 14% số người mua nhà chọn các ngôi nhà dành cho nhiều thế hệ chung sống, tăng so với mức 11% của năm 2021. Đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu thiết kế nhà ở cho nhiều thế hệ, bao gồm cả khu sinh hoạt riêng cho cha mẹ lớn tuổi.

Gia đình gần nhau hơn

Nhiều thế hệ sống chúng trong một gia đình giúp những người mua nhà có thể tận dụng nguồn tài chính từ người thân lớn tuổi, theo Jessica Lautz, Phó chủ tịch nghiên cứu của NAR.

Năm ngoái, Darin Freeman (30 tuổi), nhân viên quảng cáo đồ gia dụng, quần áo và đồ trang điểm trên mạng xã hội, đã cùng chồng mua ngôi nhà rộng hơn 300 m2 ở Tampa (bang Florida, Mỹ).

Cô và chồng đã dành một năm để thuyết phục cha mình, ông Daniel Kanem, cùng vợ và con gái riêng chuyển đến sống cùng vợ chồng cô. Freeman muốn gần gũi hơn với cha mình, người sống ở Safford (bang Arizona). Cô đã mời ông làm quản lý cho công ty của mình.

Hằng tháng, ông Kanem sẽ nhận số tiền 5.000 USD (tương đương hơn 118 triệu đồng) cho các công việc với phía nhà sản xuất, theo dõi hàng tồn kho và kiểm tra sản phẩm mới. "Tôi nhiều tuổi rồi. Tôi thà vất vả để kiếm tiền cho con gái mình còn hơn làm thuê cho người khác", ông Kanem nói.

Ông Kanem cũng muốn có nhiều thời gian với con cháu. Ông muốn nấu bữa sáng, cùng xem bóng đá và hoạt động thể thao với gia đình. Trong căn hộ lớn, Kanem và vợ có phòng ngủ riêng, phòng tắm riêng.

Mất đi góc riêng tư nhưng...

Freeman và chồng trả tiền thế chấp, trong khi vợ chồng ông Kanem giúp vợ chồng con gái trông hai cháu. Chi phí mua sắm của gia đình đều dùng chung một thẻ tín dụng và được phân chia rõ ràng.

Tuy nhiên, như hầu hết những người trưởng thành làm việc tại nhà, Freeman thấy khó khăn để tìm được nơi yên tĩnh cho công việc. Cô phải làm việc trong phòng ngủ, nơi cô quay video và làm nội dung để đăng tải lên mạng xã hội.

Khi còn nhỏ, Freeman sống với mẹ, bà nội và bà cố. Chồng của Freeman cũng lớn lên trong một gia đình 4 thế hệ. Anh thấu hiểu mong muốn của vợ là được gần gũi hơn với gia đình, vì nhiều thành viên trong gia đình anh cũng sống ở Florida.

Đa số người lớn tuổi trong các gia đình đa thế hệ nói rằng, việc sống với con cái ít nhiều có mặt tích cực, mặc dù gần 1/4 số người được hỏi cho biết điều đó cũng khá căng thẳng, theo Pew.

Kể từ năm 2018, Simon DoQuang (31 tuổi) và vợ Alexis DoQuang (28 tuổi) đã sống với cha trong một căn nhà bốn phòng ngủ ở thành phố Ellicott (bang Maryland) với khoản thế chấp 2.425 USD/tháng (tương đương hơn 58 triệu đồng/tháng).

Cha anh, ông Louis DoQuang (62 tuổi), mắc bệnh Parkinson, thường xuyên cần sự giúp đỡ. Còn vợ chồng Simon đang tìm kiếm người trông con để mình còn đi làm.

Mùa hè năm 2020, hai vợ chồng thuyết phục mẹ của Simon, bà Anna DoQuang, chuyển đến ở cùng. Bà không sống cùng chồng mà ở Las Vegas. Con trai lớn của Simon và Alexis hiện 4 tuổi và đang đi nhà trẻ.

Simon đã đề nghị trả tiền cho mẹ hàng tháng để bà chuyển đến ở cùng và trông giúp vợ chồng anh đứa con nhỏ mới được 2 tuổi. Bà Anna chia sẻ bà cũng nhớ sự riêng tư khi sống một mình nhưng ở riêng quá tốn kém.

Nói về trải nghiệm sống trong gia đình nhiều thế hệ, Simon cho biết, đó là cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Cha mẹ anh giúp nấu ăn, dọn dẹp và trông con nhưng đổi lại vợ chồng anh mất đi sự riêng tư. Hai vợ chồng phải hạn chế tối đa việc thể hiện tình cảm trong không gian chung của gia đình.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm