Thời sự

Doanh nghiệp nước ngoài than phiền về thủ tục, mất 6 tháng mới xong hồ sơ đưa một giám đốc sang nhậm chức

Một trong những kiến nghị được nhiều Hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài đưa ra tại phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên (VBF) 2023 diễn ra sáng 19/3 liên quan đến vấn đề khó khăn trong thủ tục nhập cảnh với chuyên gia người nước ngoài.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho hay, liên quan đến quy trình cấp Giấy phép lao động, KoCham đã nhận được phản ánh vướng mắc về quá trình từ lúc nộp hồ sơ đến khi được cấp giấy phép mất rất nhiều thời gian.

Ngay cả sau khi nộp hồ sơ lần đầu, nhiều trường hợp phải bổ sung, sửa đổi hồ sơ dẫn đến thông thường phải mất hai, ba tháng mới được cấp Giấy phép lao động, thậm chí có những trường hợp mất hơn 6 tháng do phải thực hiện các thủ tục bổ sung.

Trường hợp phải bổ sung hồ sơ, doanh nghiệp sẽ xử lý nhanh hơn nếu được hướng dẫn nhất quán ngay từ đầu. Do đó, KoCham kiến nghị cơ quan liên quan ban hành hướng dẫn chính xác, nhất quán liên quan đến hồ sơ phải nộp.

Hồ sơ, thủ tục phức tạp

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (giữa). (Ảnh: VGP).

Kocham đánh giá kể từ tháng 2/2021, điều kiện cấp giấy phép lao động đã được thắt chặt hơn theo quy định của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.

Một trong những điểm vướng mắc là việc người lao động sẽ không được cấp 'Giấy phép lao động theo diện chuyên gia' nếu kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tương ứng không đủ từ ba năm trở lên.

Với cộng đồng Hàn Quốc, những học viên hoàn thành Khóa đào tạo nhà quản lý và nghiệp vụ trong thời gian một năm theo Chương trình K-Move School do Chính phủ Hàn Quốc tổ chức nhằm hỗ trợ các nhân lực trẻ không được cấp 'Giấy phép lao động diện chuyên gia' do không đáp ứng đủ số năm kinh nghiệm làm việc.

Dù thời gian đào tạo của Chương trình K-Move School ngắn, nhưng những người được lựa chọn đào tạo nghiệp vụ tập trung theo Chương trình này có đầy đủ năng lực ngang tầm chuyên gia. Do đó, KoCham đề nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ cấp 'Giấy phép lao động diện chuyên gia' cho những người đã hoàn thành Chương trình này.

Trường hợp việc cấp 'Giấy phép lao động diện chuyên gia' gặp khó khăn, đề nghị Chính phủ tạo điều kiện để họ được cấp 'Giấy phép lao động diện giám đốc điều hành' do đa phần họ đảm nhận vai trò người đứng đầu trong doanh nghiệp.

Ông Hong Sun kiến nghị, cần có hướng dẫn cụ thể về văn bản, giấy tờ xin cấp Giấy phép lao động diện nhà quản lý và chuyên gia, đồng thời cần xem xét để thống nhất các văn bản, giấy tờ ở tất cả các địa phương.

Ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cũng kiến nghị về việc các yêu cầu cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng.

Nhiều tổ chức nước ngoài đang có kế hoạch thành lập đại diện thương mại tại Việt Nam chưa có người bảo lãnh để xin cấp thị thực vào Việt Nam cho lao động nước ngoài của mình. AmCham đề xuất đơn giản hóa các thủ tục hành chính về cấp giấy phép lao động.

Theo ông Greg Testerman, Nghị quyết 105/NQ-CP vừa hết hiệu lực đang gây khó khăn cho các công ty trong việc giữ chân lao động nước ngoài hiện tại đang làm việc tại Việt Nam và huy động thêm lao động nước ngoài mới do các quy định cải tiến về giấy phép lao động hiện đã chuyển sang các quy định phức tạp hơn theo Nghị định 152.

Ông Soren Roed Pedersen, Đồng Chủ tịch VBF. (Ảnh: Hạ An).

Ngoài vấn đề về thủ tục cho lao động nước ngoài, ông Soren Roed Pedersen, Đồng Chủ tịch VBF cũng nhấn mạnh, còn một số tồn tại, hạn chế trong khâu thực thi chính sách pháp luật và việc triển khai chính sách pháp luật của một số nơi còn quá cứng nhắc và thiếu thống nhất ở cấp làm việc tại cả Trung ương và địa phương khiến các doanh nghiệp nước ngoài gặp khó khăn.

Một số luật và quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, đặc biệt là đối với một số nội dung mới như kinh tế số, môi trường, những lĩnh vực này cần khuôn khổ pháp lý linh hoạt hơn để các doanh nghiệp nước ngoài có thể phát triển mạnh mẽ

Trong đó, nhóm công tác Đầu tư và Thương mại ghi nhận sự cải thiện lớn trong việc cấp phép qua mạng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tuy nhiên cũng nêu vấn đề "giấy phép con" cản trở kinh doanh, bao gồm điều kiện "kiểm tra nhu cầu kinh tế" trong lĩnh vực bán lẻ, "giấy phép thương mại" và các giấy phép con khác về kỹ thuật, môi trường v.v...

"Mỗi giấy phép đều có một lý do riêng nhưng chúng tôi tin rằng mỗi giấy phép có một sự thay thế hiệu quả hơn mà doanh nghiệp sẽ không bị chậm trễ hàng tháng để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu", ôngSoren Roed Pedersen nói.

Nghị định 152 sửa đổi sẽ theo hướng thủ tục đơn giản hơn

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. (Ảnh: VGP).

Trả lời về kiến nghị của các nhà đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, với trách nhiệm của mình, Việt Nam sẽ tập trung cao trong phát triển nguồn nhân lực, coi đây là một khâu đột phá.

Đối với lực lượng lao động trong nước, Chính phủ đã ban hành các chuyên đề về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập quốc tế. Các cấp có thẩm quyền cũng sẽ ban hành các chuyên đề riêng về đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, người lao động và xã hội.

Đối với lực lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam, nhất là ba đối tượng: Chuyên gia, nhà quản lý và người lao động có trình độ cao. Việt Nam xác định đây là lực lượng rất quan trọng.

Chủ trương của Chính phủ Việt Nam là trân quý và sử dụng có hiệu quả, vừa phục vụ yêu cầu trong nước, vừa tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực thi tốt công việc của mình.

Hiện nay, Bộ LĐ,TB&XH đang lắng nghe và sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị định 152 vào cuối quý III/2023 theo hướng đảm bảo tiêu chuẩn và xác định rõ ba đối tượng khác nhau là chuyên gia, nhà quản lý và lao động trình độ cao theo hướng cởi mở hơn, tạo điều kiện hơn.

Về trình độ, thủ tục, hồ sơ phấn đấu đảm bảo đơn giản nhất có thể, thời gian nhanh nhất, phân cấp mạnh nhất. Bộ trưởng cũng cho biết, trong quý II, Bộ sẽ lấy ý kiến nhân dân góp ý về dự thảo Nghị định 152 sửa đổi. Do đó, Bộ trưởng Dung đề nghị các Hiệp hội nước ngoài đề xuất ý kiến cụ thể để cơ quan soạn thảo lắng nghe, khả thi, thiết lực.

Bộ trưởng cho biết, trong dự thảo sửa đổi Nghị định mới, hai đối tượng chuyên gia và nhà quản lý sẽ được ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, những người lao động nước ngoài trước đây đã được cấp phép 5 năm rồi, nay chuyển sang đối tượng khác mà không đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì vẫn có thể hạn chế việc phải xin cấp phép lại.

"Chẳng hạn trước đây là người lao động trình độ cao đã được cấp phép, nay chuyển sang chuyên gia và không đủ điều kiện thì vẫn có thể xem xét hạn chế việc phải cấp phép lại", Bộ trưởng lấy ví dụ. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm