Thay thế cho giai đoạn phát triển vũ bão của công nghệ là thời kỳ cắt giảm việc làm, tốc độ tăng trưởng giảm sút và những kế hoạch mở rộng bị đình trệ. Điều này đang tác động không hay đến tâm trạng của các nhân viên, ảnh hưởng xấu tới khả năng thu hút nhân tài và thể hiện nhiều mặt tiêu cực với phát triển kinh tế tại Mỹ.
Các doanh nghiệp công nghệ đang thông báo tin xấu gần như hàng ngày, trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc, chiến sự ở Ukraine, lạm phát và đại dịch Covid-19 bước sang năm thứ ba.
Công ty Snap, đứng sau ứng dụng Snapchat, ngày 23/5 hạ dự báo doanh số và lợi nhuận, đồng thời tuyên bố sẽ giảm tốc độ tuyển nhân lực. Một ngày sau, Lyft cũng cho biết sẽ hạn chế tuyển người và tìm những phương án cắt giảm chi phí vận hành. Cuối tháng 5, Microsoft dừng tuyển dụng ở nhiều bộ phận quan trọng.
Xu thế này vẫn duy trì đến đầu tháng 6, khi CEO Tesla Elon Musk nói rằng nhà sản xuất xe điện cần cắt 10% lực lượng lao động và ngừng tuyển trên toàn cầu. Sàn giao dịch tiền số Coinbase Global cũng tiếp tục dừng kế hoạch tìm nhân sự và hủy bỏ nhiều đề xuất công việc.
Amazon đang duy trì quá nhiều nhân công và nhà kho, trong khi hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng vì chi phí tăng cao. Meta, công ty mẹ của Facebook, cũng đóng băng tuyển dụng, trong khi Twitter đã đình chỉ nhiều đợt tìm kiếm nhân viên mới, thậm chí rút lại các thông báo tuyển người từ trước khi nền tảng này được bán cho Elon Musk. Apple hồi tháng 4 cảnh báo các hạn chế do Covid-19 tại Trung Quốc có thể khiến hãng mất khoảng 8 tỷ USD doanh thu trong quý II/2022.
Những thông báo liên tiếp này cho thấy sự thay đổi của ngành công nghiệp từng được coi là bất khả chiến bại trong việc bảo đảm nhân công, nhà đầu tư khỏi sự bất ổn của nền kinh tế.
"Lĩnh vực công nghệ không còn là phương án chắc chắn, bởi có nhiều yếu tố cơ bản đang chống lại nó", Tom Forte, nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư D.A. Davidson, nhận xét.
Nguy cơ mất việc bắt đầu ám ảnh tâm lý tại Thung lũng Silicon. Số cuộc thảo luận về ngừng tuyển dụng trên Blind, ứng dụng nhắn tin bảo mật dành cho nhân viên các công ty, tăng 13 lần trong giai đoạn ngày 19/4-19/5 so với cùng kỳ năm ngoái. Các cuộc trò chuyện về khả năng bị sa thải cũng tăng 5 lần, trong khi đề tài suy thoái được đề cập nhiều gấp 50 lần.
Ngành công nghệ, từng là một đầu tàu tăng trưởng với kinh tế Mỹ, đang bắt đầu loạng choạng. Hơn 126.000 nhân viên ngành này đã mất việc từ khi Covid-19 xuất hiện.
Những công ty như Meta, Twitter và Uber phải chịu cú sốc mạnh nhất. Tình hình được đánh giá còn tồi tệ hơn khi bong bóng dotcom vỡ hồi đầu thập niên 2000. Sự khác biệt và tích cực là đại dịch đã cho thấy tầm quan trọng của nhiều sản phẩm công nghệ, giúp các hãng chống chịu tốt hơn, ít bị ảnh hưởng kinh tế từ những lệnh phong tỏa do Covid-19.
"Mọi người nhận ra công nghệ không chỉ mang lại tiện ích, mà còn không thể thay thế trong đời sống. Những gì đang diễn ra hiện nay giống như thị trường tự điều chỉnh. Dù vậy, ngành công nghệ có thể mất đi năng lực đổi mới và đột phá về lâu dài", Russell Hancock, CEO tổ chức phi lợi nhuận Joint Venture Silicon Valley chuyên nghiên cứu về kinh tế tại Thung lũng Silicon, nhận xét.
Các công ty phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về đầu tư khi đối mặt với giai đoạn khó đoán định dài hạn.
Amazon hồi năm 2020 đầu tư nhiều nguồn lực cho nhân sự và không gian nhà kho để đáp ứng nhu cầu giao hàng trong đại dịch. Nhưng giờ họ thừa thãi nhân công và mặt bằng. Thông báo của Amazon khiến hàng trăm nhân viên trong bộ phận bất động sản lo lắng. Những người từng phải quản lý nhiều dự án xây dựng cùng lúc giờ không có việc để làm, đồng thời không có gì bảo đảm cho công việc của họ tại Amazon.
CEO Meta Mark Zuckerberg hồi tháng 2 cho biết công ty đang ưu tiên một số dự án như Reels, tin nhắn cá nhân và metaverse. Doanh nghiệp này cũng tuyên bố cắt giảm 3 tỷ USD chi tiêu trong năm nay, dấu hiệu đầu tiên cho thấy Meta đang trở nên cẩn trọng với các khoản đầu tư.
Theo Bloomberg, hào quang bất khả chiến bại có thể đang giảm, nhưng Thung lũng Silicon vẫn duy trì sức sống mạnh mẽ. Tỷ lệ thất nghiệp ở bang California đang ở mức 2%, thấp nhất kể từ năm 1999.
"Suy giảm nhu cầu tuyển dụng cần được xem xét trong bối cảnh ngành công nghệ đang phát triển mạnh mẽ. Thế giới có muốn thêm nhiều sản phẩm và dịch vụ công nghệ hay không, cũng như liệu đây có phải lĩnh vực đang phát triển hay không? Câu trả lời là có", Stephen Levy, giám đốc CCSCE, nhận xét.
(theo Bloomberg)