Theo thông tin từ Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trần Duy Đông, sắp tới có ba dự án với tổng số vốn đăng ký 1.200 tỷ đồng tại khu vực Tây Nguyên sẽ được trao chủ trương đầu tư, đồng thời các biên bản hợp tác đầu tư cho khu vực này sẽ được ký kết với giá trị lên tới hàng tỷ USD.
Việc ký kết hợp tác sẽ diễn ra tại Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 dự kiến tổ chức ngày 20/11, Thứ trưởng Đông cho biết.
Là địa phương có GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội trong cả nước, Tây Nguyên được đánh giá là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại.
Mặc dù, quy mô kinh tế của vùng tăng nhanh, năm 2020 gấp hơn 14 lần năm 2002, trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả.
Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng, và giữa vùng với cả nước. Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong vùng và cả nước.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Những hạn chế, bất cập này nếu được khắc phục kết hợp với những tiềm năng, lợi thế và nguồn lực còn chưa được khai được hiệu quả, bên cạnh các cơ hội mới sẽ là "dư địa", cơ hội để Tây Nguyên phát triển mạnh trong thời gian tới.
Mảnh đất "ngủ quên" Tây Nguyên
Dù có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng trong thời gian qua, Tây Nguyên vẫn chưa xây dựng được chuỗi lớn, chưa xây dựng được thương hiệu, xác định giá trị gia tăng cao,.. Nơi đây giống như mảnh đất "ngủ quên" đang chờ thức dậy, vươn mình phát triển.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, chương trình hành động của Chính phủ dự kiến
Đánh giá vùng Tây Nguyên hiện còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế do đây là khu vực có khí hậu thổ nhưỡng đặc biệt, phù hợp để phát triển nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, Thứ trưởng Đông cho biết, khu vực này có rất nhiều tiềm năng trong thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, khu vực này cũng có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, bao gồm: Năng lượng mặt trời, năng lượng gió không chỉ đặt ở các vùng núi và còn trên mặt nước.
Với lĩnh vực công nghiệp, Tây Nguyên có tiềm năng trong khai thác bền vững bôxit, chế biến sâu ra sản phẩm nhôm, gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Một hướng mới trong thời gian gần đây là việc phát triển dược liệu. Với thổ nhưỡng phù hợp, diện tích dưới tán rừng lớn, Tây Nguyên hoàn toàn có tiềm năng trong phát triển dược liệu như sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum, dù vậy, Chính phủ cần có chế để thu hút phát triển lĩnh vực này.
Thứ trưởng Đông cho biết, hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào khu vực Tây Nguyên chưa có nhiều do các nguyên nhân từ trước đó. Hiện nay, tình hình chính trị của khu vực này tương đối ổn định nên cần tạo cơ chế thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng.
Đầu tư hàng tỷ USD, "cú huých" phát triển Tây Nguyên
Thứ trưởng thông tin thêm, tại hội nghị xúc tiến sắp tới sẽ có hàng tỷ USD được ký kết thoả thuận ghi nhớ đầu tư vào Tây Nguyên của các nhà đầu tư quan tâm tập trung vào các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thương mại dịch vụ, hạ tầng công nghiệp, chế biến, giao thông vận tải, đầu tư xây dựng, hạ tầng, khu thương mại, khu nhà ở,..
Chỉ tính riêng vốn ODA, dự kiến sẽ có 16 dự án với tổng mức tài trợ khoảng 288 triệu USD ký kết thoả thuận dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Đây là các dự án ODA từ 6 đối tác chính gồm: Chính phủ Phần Lan, Ngân hàng ADB, Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD), Ngân hàng tái thiết Đức (KWF), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc và JICA Nhật Bản.
Cũng tại sự kiện này, 6 dự án sẽ được nhận chứng nhận đầu tư và 7 thoả thuận đầu tư. Trong đó, có 3 dự án được trao chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư dự án là 1.250 tỷ đồng, đầu tư vào ba lĩnh vực: Chế biến nông sản, chế biến gỗ và thương mại, dịch vụ bất động sản.
Đây được xem là nguồn vốn sẽ tạo cú huých cho khu vực Tây Nguyên trong những năm tới.