Nhu cầu dinh dưỡng phù hợp và nền tảng thể lực tốt ngày càng gia tăng khi con người ngày càng làm việc quá sức, đồng thời phải đối mặt các nguy cơ ô nhiễm môi trường sống, ô nhiễm thực phẩm, tiêu thụ các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.
"Không chỉ chăm sóc dinh dưỡng, chúng ta còn muốn các thế hệ sau con cháu phải to cao hơn. Đó là sứ mệnh và đam mê của Nutrcare", ông Nguyễn Đức Minh, CEO Nutricare chia sẻ tại talkshow The Next Power, phát sóng trên VnExpress ngày 10/11.
Là doanh nghiệp cung cấp các giải pháp dinh dưỡng cho người Việt suốt 12 năm qua, từ phụ nữ mang thai, trẻ em, người lớn đến người cao tuổi, Nutricare xác định mảng dinh dưỡng y học với các sản phẩm dinh dưỡng hỗ trợ bệnh lý là chìa khóa giúp doanh nghiệp tạo khác biệt, tiên phong mở lối đi riêng để dẫn đầu.
Trước câu hỏi vì sao không gộp chung thuật ngữ mà phải chia ra "dinh dưỡng" và "dinh dưỡng y học", CEO Nguyễn Đức Minh chỉ ra dinh dưỡng thông thường là sản phẩm chế biến sẵn, chứa đầy đủ chất bổ, vitamin, khoáng, thành phần chức năng... hỗ trợ cuộc sống nói chung và đối tượng nào cũng có thể sử dụng.Trong khi đó dinh dưỡng y học phức tạp hơn, mang tính cá thể hóa, được xây dựng cho đối tượng cụ thể và phục vụ người có bệnh lý (hoặc có nhu cầu).
"Ban đầu, chúng tôi chỉ tập trung vào sản phẩm cho trẻ thấp còi, hiện phát triển thêm dòng hỗ trợ dinh dưỡng sau phẫu thuật, tiêu hóa cho trẻ. Bên cạnh đó, Nutricare mở rộng thêm sản phẩm cho người trưởng thành, nhất là nhóm bệnh đang có nguy cơ gia tăng như: ung thư, tiểu đường, loãng xương, gan, thận, tuyến giáp...", CEO Nguyễn Đức Minh nói.
"Nghiên cứu dinh dưỡng y học là trách nhiệm xã hội"
Xuất phát điểm là bác sĩ dinh dưỡng, tốt nghiệp Thạc sĩ tại Đại học Washington, Seattle, Mỹ và từng giữ chức Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y Xã hội học (SMS), ông Nguyễn Đức Minh cho biết có nhiều bất lợi khi từ làm khoa học chuyển hướng làm kinh doanh. Sự khác biệt lớn nhất là bác sĩ thường không phải tìm bệnh nhân mà người bệnh sẽ chủ động gặp họ. Trong khi đó, doanh nhân phải đi kiếm khách hàng.
"Bất lợi khác là các bác sĩ học nhiều về cơ chế, bệnh lý, bệnh học..., họ có xu thế hơi chủ quan, ít xem xét điều kiện kinh tế, xã hội lẫn sự lựa chọn. Vì bác sĩ là người quyết định cuối cùng", ông Minh lý giải.
Tuy nhiên, sự chuyển đổi vai trò này cũng có lợi thế. Nhờ có nền tảng y học, các bác sĩ doanh nhân hiểu sâu vấn đề người bệnh gặp phải, nhu cầu, tư duy lẫn cơ chế bệnh học. Ông Minh cho rằng khi được học thêm về marketing, biến động thị trường, độ chấp nhận của khách hàng... dựa trên kiến thức cơ chế bệnh học, các bác sĩ - doanh nhân sẽ dẫn dắt đội ngũ của mình tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu mọi đối tượng, nhất là bệnh nhân.
Mọi yếu tố "innovation" (sự đổi mới) vốn không dễ dàng, trong ngành y lại càng khó hơn. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Minh nhận định thay đổi lớn nhất là nhu cầu xã hội, thị trường. Ngày trước, người ta chỉ thuần túy ăn khi đói và uống khi khát. Hiện cuộc sống dần cải thiện, mọi người cần thêm năng lượng học tập, làm việc, phấn đấu... Ví dụ, người trẻ chăm tập luyện để hình thể đẹp hơn. Người già vận động duy trì thể trạng tốt. Trẻ em được cha mẹ đầu tư dinh dưỡng nhằm đạt chiều cao, sức bền, đề kháng tốt chống lại bệnh tật...
"Cơ hội nhiều đồng nghĩa cạnh tranh cao. Trước thay đổi trên, chúng tôi phải luôn nắm bắt đâu là chỉ tiêu kỹ thuật cho các dòng sản phẩm cụ thể, phục vụ đối tượng nhất định mà dinh dưỡng y học hướng tới", ông Minh nhấn mạnh.
Với quan niệm "nghiên cứu dinh dưỡng y học là trách nhiệm xã hội", 12 năm qua, Nutricare liên tục cập nhật kiến thức mới, tìm hiểu đặc điểm sinh thể người Việt, nắm vững mô hình tiêu thụ lương thực thực phẩm... nhằm mang đến giải pháp đáp ứng mọi nhu cầu cùng giá cả phù hợp.
Trước bối cảnh ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam vẫn thiếu và non trẻ, ông Minh cùng các cộng sự liên tục đưa nhân viên sang Mỹ đào tạo, giúp họ tiếp cận tri thức mới. Ngược lại, phía Mỹ cũng thường gửi chuyên gia sang, góp phần thay đổi cách tư duy của đội ngũ Nutricare: từ thị trường dinh dưỡng y học trong nước hướng tới nhu cầu lớn hơn, mang tính quốc tế hóa.
Lãnh đạo doanh nghiệp cũng nhắc lại lần tham gia dự án châu Âu tài trợ nhằm giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng trẻ em Việt Nam hồi 2010. Khi phát triển sản phẩm, ông nhận ra nhu cầu bên ngoài lớn hơn nhiều so với số liệu thống kê. "Có lẽ người Việt thời ấy chưa biết rằng con mình thực sự thiếu chiều cao so với chuẩn quốc tế. Khi sản phẩm ra mắt, người dùng phản ứng tích cực, chúng tôi thường không đủ hàng để bán. Điều ấy cho thấy thị trường ngách nhưng rất tiềm năng", CEO Đức Minh nói.
Không dồn hết nguồn lực tốt nhất cho một dự án
"Darwin nói rằng bản chất của tiến hóa không phải là chọn lọc mà bắt đầu từ biến dị. Một đội ngũ liên tục đưa ra ý kiến phản biện sẽ tốt hơn nhiều và có cái nhìn cân đối", CEO Nutricare nhấn mạnh trong phần "Mới" talkshow.
Ngoài chuyên môn, doanh nghiệp luôn tuân thủ kỷ luật về hiệu quả kinh doanh, cân đối các thước đo chỉ tiêu phát triển dựa trên tầm nhìn và sứ mệnh gồm: doanh thu, có lợi nhuận, thể hiện trách nhiệm xã hội.
Nguyên tắc của CEO Nguyễn ĐứcMinh là không dùng hết nguồn lực tốt nhất cho một dự án, mà phân bổ đồng đều. Trong trường hợp một nhóm (tổ) thất bại, doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì hoạt động, không gây xáo trộn lớn dẫn đến suy thoái, phá sản...
Là công ty về dinh dưỡng y học, Nutricare cũng đối mặt không ít thách thức. Rủi ro lớn nhất là nghiên cứu 10 năm nhưng không ra kết quả. CEO Nguyễn Đức Minh lý giải có nhiều sản phẩm sẽ thành công nếu làm ở quy mô nghiên cứu. Tuy nhiên khi sản xuất lớn dễ bị biến đổi, khó kiểm soát và gây ra các chất có hoạt tính sinh học cao, mất tính năng lẫn tác dụng kỳ vọng. Đơn cử, người lớn, bệnh nhân có thể chấp nhận những sản phẩm có vị đắng, nhưng trẻ nhỏ sẽ không chịu uống. Muốn kiểm soát vị đắng, chi phí lại quá cao.
Để sản xuất thành công các sản phẩm dinh dưỡng y học chất lượng cao, doanh nghiệp đã đầu tư nghiêm túc cho đội ngũ chuyên môn cũng như trang thiết bị sản xuất, viện nghiên cứu và kiểm nghiệm lâm sàng,
Tính riêng năm 2021, công ty đầu tư thêm nhiều trang thiết bị hiện đại cho phòng lab và nhà máy sản xuất với tổng đầu tư lên đến 3 triệu USD, nâng công suất thêm 30.000 tấn mỗi năm. Các nhà máy đều đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018, HACCP, GMP và ISO 14001.
Bên cạnh đó, Nutricare luôn ứng dụng những thành tựu công nghệ mới vào sản phẩm. Đồng thời mua nguyên liệu ở dạng thức khác nhau, tái tổ hợp công thức để phục vụ các nhóm đối tượng theo nhu cầu trong từng giai đoạn sống, luyện tập hay điều trị .
Theo CEO Nguyễn Đức Minh, sản phẩm dinh dưỡng y học của đơn vị được tin dùng bởi cán bộ y tế và bệnh nhân tại hầu hết bệnh viện tuyến trung ương lẫn địa phương, tiếp sức dinh dưỡng cho gần 1,5 triệu lượt bệnh nhân ung thư và tiểu đường, cải thiện cân nặng và chiều cao cho hơn 6 triệu lượt trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi, nhất là trẻ ở nông thôn Việt Nam.
Những năm qua, doanh nghiệp liên tục được vinh danh trong các giải thưởng, bảng xếp hạng uy tín như: Top 100 sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho gia đình và trẻ em; Top 10 công ty thực phẩm uy tín (2021, 2022), Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500); Top 200 Sao Vàng đất Việt; Thương hiệu quốc gia Dinh dưỡng Y học 3 kỳ liên tiếp (2018, 2020, 2022).
Cụ thể, những sản phẩm Nutricare nhận danh hiệu Thương hiệu quốc gia 2022 gồm: Care 100 Plus ra mắt năm 2011 dành cho trẻ nhẹ cân, thấp còi, trẻ cần bổ sung dinh dưỡng; Hanie Kid - dòng chuyên biệt cho trẻ biếng ăn, nhẹ cân, thấp còi; Metacare - giúp trẻ tăng cân, phát triển thể chất toàn diện; Smarta IQ tăng cường DHA và Choline giúp bé phát triển não bộ, tăng cường khả năng ghi nhớ.
Người đứng đầu Nutricare nhận định thị trường sữa và các sản phẩm dinh dưỡng ở Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, dó đó doanh nghiệp ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực sản xuất. Đồng thời có kế hoạch mở rộng, xây dựng thêm các nhà máy sản xuất khắp Việt Nam và đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới xu thế chung: tạo ra sản phẩm toàn cầu hóa sớm nhất.