Cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn khi chưa bị khởi tố
Thẩm định giá theo định hướng của AIC
Theo kết luận điều tra, đầu năm 2013, khi Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho đơn vị tư vấn điều chỉnh danh mục cho phù hợp với tình hình thực tế, thông qua giới thiệu của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch Công ty AIC, ông Phan Huy Anh Vũ - cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã chỉ định Công ty Mediconsult do Nguyễn Thị Dung làm Tổng giám đốc ký hợp đồng thực hiện tư vấn điều chỉnh danh mục thiết bị y tế chuyên môn, lập hồ sơ mời thầu (HSMT) và đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT).
Sau đó, bà Hoàng Thị Thúy Nga, thời điểm đó là Trưởng Ban quản lý dự án 1 của Công ty AIC, chỉ đạo nhân viên công ty này phối hợp với lãnh đạo, nhân viên Công ty Mediconsult làm việc với các phòng, ban của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để từ đó đề xuất các cấp phê duyệt điều chỉnh dự án.
Các hạng mục thiết bị đều do phía Công ty AIC đề nghị, thu thập báo giá gửi cho Công ty Mediconsult làm căn cứ tư vấn cho Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trình UBND tỉnh Đồng Nai điều chỉnh dự án. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định điều chỉnh danh mục thiết bị y tế, quyết định phê duyệt các kế hoạch đấu thầu.
Sau khi được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt, bà Nhàn, bà Nga chỉ đạo nhân viên liên hệ các hãng, các đơn vị cung cấp để thu thập thông tin, giá sản phẩm đầu vào, lợi nhuận dự kiến, làm cơ sở cho 2 bà này phê duyệt giá đầu ra, bán vào bệnh viện.
Tiếp đó, bà Nhàn đề nghị ông Vũ giới thiệu bà Nga với ông Nguyễn Công Tiến, Tổng giám đốc Công ty thẩm định giá Thế Hệ Mới cung cấp các báo giá để thẩm định theo giá định hướng của Công ty AIC.
Theo chỉ đạo của bà Nhàn, bà Nga, toàn bộ các báo giá làm căn cứ thẩm định giá đều nâng khống lên từ 1,3 - 2 lần so với giá đầu vào. Từ đó, căn cứ chứng thư thẩm định giá, ông Vũ đại diện chủ đầu tư ký phê duyệt dự toán các gói thầu theo giá đã được Công ty AIC thông đồng với đơn vị thẩm định giá nâng giá, sử dụng làm căn cứ lập và phê duyệt HSMT.
Phân bổ gói thầu
Quá trình tham gia đấu thầu, bà Nhàn chỉ đạo ông Đỗ Văn Sơn - Kế toán trưởng và bà Lê Thị Hương- kế toán Công ty AIC điều chỉnh các thông tin trên báo cáo tài chính từ 2010 đến 2013, tăng hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, tăng vốn chủ sở hữu so với báo cáo tài chính thực tế đã nộp tại Cục Thuế Hà Nội để bà Nhàn ký, đưa vào HSDT, đảm bảo Công ty AIC đủ năng lực tham gia đấu thầu theo quy định của HSMT.
Đồng thời, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới mua HSMT, lập HSDT cho cả công ty “quân đỏ” và công ty “quân xanh”, nhờ nhân viên các công ty nộp HSDT cho đủ số lượng theo quy định.
Theo hồ sơ vụ án, với cương vị là Chủ tịch AIC, bà Nhàn thành lập, chỉ đạo nhóm các công ty thuộc hệ sinh thái làm “quân xanh” trong đấu thầu gồm, Công ty MOPHA do bố đẻ đứng tên và bà Nhàn chiếm 70% cổ phần; Công ty CP Thiết bị y tế và Môi trường do cháu ruột bà Nhàn làm Tổng giám đốc; Công ty CP tư vấn Công nghệ cao.
Hoặc bà Nhàn thuê người làm “quân xanh”, báo giá, dự thầu như Công ty TNT, Công ty Thanh An Hà Nội, Công ty BMS, Công ty nha khoa Việt Tiên, Công ty Tâm Hợp…
Sau đó, chỉ các công ty được xác định trúng thầu như AIC, BMS, Thành An Hà Nội và TNT thì bộ phận lập hồ sơ đưa ủy quyền bán hàng, bảo hành của hãng vào hồ sơ để đảm bảo trúng thầu, còn các công ty làm “quân xanh” thì nhân viên Công ty AIC làm HSDT không có giấy ủy quyền của hãng, không có bảo hành để không đủ điều kiện trúng thầu.
Công ty AIC và các công ty do AIC chỉ định tham gia 16 gói thầu và trúng toàn bộ 16 gói. Trong đó, Công ty AIC đứng tên trúng thầu 12 gói thầu với tổng trị giá 477 tỉ đồng. Còn 4 gói thầu, bà Nhàn chỉ đạo Nga liên hệ để nhân viên AIC lập hồ sơ cho Công ty Thành An Hà Nội trúng 2 gói thầu, BMS trúng 1 gói, TNT trúng 1 gói.
Sau khi trúng thầu, được chủ đầu tư thanh toán, các công ty trên chuyển tiền lại cho Công ty AIC, toàn bộ hoạt động giao hàng, quản lý dự án đều do nhân viên của Công ty AIC thực hiện.
Kiến nghị xử lý người phân bổ nguồn vốn trái luật
Đáng chú ý, tại kết luận điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã nêu 3 kiến nghị tới các cơ quan chức năng như: tăng cường kiểm tra, giám sát việc phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương cho các địa phương tại những dự án, đảm bảo công bằng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đặc biệt đối với nguồn vốn bổ sung ngoài kế hoạch; đồng thời có chế tài xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người có thẩm quyền phân bố nguồn vốn trái quy định của pháp luật.
Mặt khác yêu cầu các doanh nghiệp công bố và chịu trách nhiệm về việc công khai chi phí đầu vào để hạn chế việc nâng giá thông qua mua bán lòng vòng trước khi tham dự đấu thầu, bán hàng...
Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về đấu thầu theo hướng quy định cụ thể, chặt chẽ về năng lực tài chính (sử dụng báo cáo tài chính doanh nghiệp gửi cơ quan Thuế), năng lực kinh nghiệm để đảm bảo các đơn vị tham dự thầu là những đơn vị có đủ điều kiện tham gia gói thầu, hạn chế việc sắp đặt “quân xanh quân đỏ” để dự thầu.