Tài chính

Hàng triệu người dùng thẻ tín dụng đặc biệt ghi nhớ những điều này!

Kiểm soát rủi ro trong quá trình sử dụng thẻ

Theo Tiểu ban rủi ro, Chi hội thẻ Việt Nam khuyến nghị, chủ thẻ tín dụng cần hiểu, nhận biết và kiểm soát được những rủi ro nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng thẻ.

Trước hết, chủ thẻ cần đọc kỹ Hợp đồng sử dụng thẻ trước khi ký vào Đơn đề nghị phát hành và Hợp đồng sử dụng thẻ, tuân thủ theo các nội dung hướng dẫn tại hợp đồng. Đồng thời bảo quản thẻ, bảo mật PIN, các mã số xác nhận chủ thẻ khác, các thông tin thẻ, thông tin giao dịch, không để lộ thông tin thẻ trong quá trình sử dụng thẻ.

Thứ hai, chủ thẻ thường xuyên cập nhật các chia sẻ, cảnh báo của các ngân hàng cũng như thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng về các thủ đoạn của các đối tượng tội phạm để có các biện pháp phòng tránh các nguy cơ rủi ro phát sinh khi sử dụng thẻ.

Để hạn chế rủi ro phát sinh, khách hàng nên thường xuyên kiểm tra thông báo giao dịch thẻ qua tin nhắn gửi qua điện thoại hoặc ứng dụng mà ngân hàng cung cấp cho khách hàng để biết được các biến động giao dịch từ thẻ và liên hệ ngay với ngân hàng trường hợp giao dịch đó không do khách hàng thực hiện.

Khách hàng nên thường xuyên thay đổi mã PIN, mật khẩu của thẻ và nên tránh các con số dễ đoán/có liên quan đến các thông tin cá nhân như: Ngày tháng năm sinh, số điện thoại,….để tránh việc lộ thông tin cho kẻ xấu lợi dụng;

Khách hàng chỉ giao dịch tại các website/ứng dụng di động uy tín, các địa chỉ mua hàng tin cậy, bảo mật cao. Lưu ý gõ địa chỉ đường link website đầy đủ vào thanh địa chỉ trong trình duyệt internet thay vì chọn đường link có sẵn hoặc được gợi ý; Tuyệt đối không lưu lại tài khoản đăng nhập và mật khẩu có gắn với thông tin thẻ trên trình duyệt khi giao dịch. Phải đăng xuất thoát khỏi ứng dụng, website khi hoàn thành phiên giao dịch.

Khách hàng cẩn trọng các thủ đoạn gọi điện cho khách hang, gửi thư điện tử, tin nhắn dưới các hình thức giả mạo để yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin như thông tin thẻ (số thẻ, ngày hết hạn, họ tên trên thẻ,…), thông tin cá nhân (số CMND/CCCD) hay các hình thức giả danh nhân viên ngân hàng, nhân viên trang thương mại điện tử.

Khách hàng cũng cần đề phòng hình thức lừa đảo như gửi thư điện tử hoặc tin nhắn giả mạo ngân hàng (thư điện tử có chứa tên ngân hàng và chữ ký điện tử của nhân viên ngân hàng) thông báo có chứa các đường link giả mạo, mã độc,… và yêu cầu khách hàng xác nhận giao dịch bằng cách nhập các thông tin thẻ, sau đó sẽ chiếm đoạt các thông tin thẻ của khách hàng để thực hiện các giao dịch gian lận

Trong các trường hợp này, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cho bất kỳ ai. Không đưa thẻ của mình cho bất cứ người nào khác, trừ nhân viên của ngân hàng hoặc các nhân viên thu ngân được chỉ định để làm việc với khách hàng. Khi thu ngân thực hiện giao dịch phải trong tầm quan sát của khách hàng. Đối với nhân viên ngân hàng, khách hàng chỉ nên đưa thẻ cho nhân viên của ngân hàng khi thực hiện các giao dịch/thủ tục tại các điểm giao dịch của ngân hàng, không đưa thẻ ở các địa điểm bên ngoài điểm giao dịch của ngân hàng.

Làm gì khi có rủi ro phát sinh xảy ra?

Khách hàng nên chủ động quản trị rủi ro thẻ thông qua các công cụ mà ngân hàng cung cấp cho khách hàng. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã cung cấp cho khách hàng các công cụ để khách hàng có thể chủ động quản trị thẻ thông qua các ứng dụng hoặc các trang web. Theo đó, khách hàng có thể chủ động tạm thời đóng/ mở thẻ, đóng/ mở chức năng thanh toán trực. Khi khách hàng chưa có nhu cầu sử dụng thẻ, khách hàng nên tạm thời khóa thẻ, trường hợp khách hàng mở ra chi tiêu thì nên đóng lại ngay sau khi hoàn tất giao dịch.

Khách hàng cũng đồng thời có thể cài đặt các hạn mức thanh toán (số tiền giao dịch/lần/ngày), theo đó, khi nhu cầu giao dịch thông thường của khách hàng là dưới 5 triệu, trong khi hạn mức tín dụng mà ngân hàng cấp cho khách hàng là 100 triệu, khách hàng có thể tự mình đặt hạn mức số tiền giao dịch/lần hoặc/ngày là 5 triệu cho đến khi có nhu cầu chi tiêu lớn hơn.

Ứng dụng ngân hàng còn cung cấp cho khách hàng có nhiều tính năng khác nữa như khách hàng có thể quản trị rủi ro thẻ một cách chủ động dù khách hàng đang ở bất kỳ đâu mà không cần phải liên hệ trực tiếp với ngân hàng cũng như tự mình xử lý nhanh nhất các tình huống phát sinh để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra rủi ro.

Trong trường hợp xảy ra hoặc nghi ngờ có rủi ro phát sinh như dữ liệu thẻ của mình có thể đã bị xâm nhập, đầu tiên, khách hàng cần lập tức: khóa thẻ thông qua ứng dụng ngân hàng cung cấp cho khách hang.

Thứ hai, liên hệ ngay tổng đài hỗ trợ khách hàng 24/7 của các ngân hàng phát hành thẻ để khóa thẻ.

Thứ ba, liên hệ với Cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ. Việc làm việc với cơ quan Công an sẽ là các bằng chứng để củng cố hồ sơ nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng trước các rủi ro phát sinh.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm