Mới đây, Bắc Á Bank công bố thông tin chào bán 20.000.000 trái phiếu phát hành ra công chúng. Theo ngân hàng này, trái chủ sẽ được hưởng lãi suất linh hoạt theo từng năm với mức lãi suất luôn cao hơn mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng với biên độ tối đa lên tới 1,9%/năm. Theo ước tính, mức lãi suất này hiện dao động ở mức 7%/năm. Trái phiếu này thuộc tiếp tục là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm.
Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho thấy, từ cuối tháng 3/2024 đến nay, các ngân hàng rục rịch phát hành trở lại. Trong đó, Ngân hàng MB phát hành 7 đợt trái phiếu, huy động 2.800 tỷ đồng, HDBank và Techcombank cũng huy động 3.000 tỷ đồng trái phiếu, MSB huy động 800 tỷ đồng trái phiếu. Diễn biến này trái ngược với bức tranh trầm lắng như 2 tháng đầu năm,
Theo đơn vị này, tổng lượng trái phiếu mà các ngân hàng phát hành trong 2 tháng qua là 9.600 tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng giá trị trái phiếu phát hành tính từ đầu năm, chỉ đứng sau nhóm bất động sản. Đa phần ngân hàng đều phát hành trái phiếu có kỳ hạn dài để tăng vốn cấp 2.
Còn theo báo cáo thị trường trái phiếu tháng 5 của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho thấy, tính từ ngày 1/5 đến 22/5/2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công ước đạt hơn 10,7 nghìn tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế từ đầu năm, đối với ngành ngân hàng, các nhà băng cũng tăng mạnh hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu, với tổng giá trị phát hành đạt 19,9 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35%. Cùng kỳ năm 2023, giá trị phát các ngân hàng là 400 tỷ đồng. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu ngân hàng vẫn là 5,3%/năm, kỳ hạn bình quân là 4,8 năm.
Theo đánh giá các chuyên gia, xu hướng các ngân hàng quay trở lại phát hành trái phiếu trong bối cảnh ngân hàng dồi dào thanh khoản, song đa phần là tiền gửi kỳ hạn ngắn. Trong khi đó, các ngân hàng vẫn đứng trước áp lực huy động vốn kỳ hạn dài để tăng vốn cấp 2.
FiinRatings đưa ra nhận định rằng, các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong bối cảnh thanh khoản thị trường có dấu hiệu giảm dư thừa, thể hiện ở lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã nhảy vọt lên mức trên 4% trong tháng 4. Theo FiinRatings, đây là kết quả của việc Ngân hàng Nhà nước liên tục hút thanh khoản qua kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO) thời gian vừa qua; đồng thời huy động tiền gửi từ dân cư, của các tổ chức tín dụng cũng giảm tốc trong quý I/2024, ghi nhận mức giảm 0,76% so với cuối năm 2023 (số liệu của Tổng cục thống kê).
Tại một hội thảo diễn ra mới đây, ông Trần Lê Minh, Tổng giám đốc VIS Rating nhận định, rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đạt đỉnh và bắt đầu giảm dần. Theo ông Minh, một chu kỳ phát triển mới, an toàn hơn, lành mạnh hơn đã mở ra. Tổng quy mô lưu hành dần ổn định nhờ lượng phát hành mới hồi phục.
Trong năm 2022 và 2023, giá trị phát hành mới thấp hơn đáo hạn và mua lại, nhưng mức độ sụt giảm này đang thu hẹp trong năm 2024, giúp quy mô thị trường dần ổn định trở lại. Bên cạnh sự phục hồi về quy mô, giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm trả theo từng tháng đang có xu hướng giảm dần trong những tháng đầu năm 2024.
Ông Minh phân tích thêm rằng, biện pháp kéo giãn thời gian trả nợ thêm 2 năm theo Nghị định số 08/2023/NĐ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không có tiền trả nợ đối với trái phiếu đến hạn phải thanh toán là một bước ngoặt quan trọng, ảnh hưởng lớn đến thị trường trái phiếu.
Với bức tranh khởi sắc chung, các chuyên gia VIS dự báo, khối ngân hàng sẽ tiếp tục tăng mạnh phát hành trái phiếu năm 2024. Quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ vốn giải ngân cho vay trung và dài hạn sẽ thúc đẩy ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều hơn để bổ sung cơ cấu nguồn vốn dài hạn của mình. Đồng thời, trong môi trường lãi suất thấp, ngân hàng sẽ có động lực để mua lại và phát hành trái phiếu có lãi suất hấp dẫn hơn.