Đáng chú ý, trong danh sách bị cưỡng chế nợ thuế có nhiều doanh nghiệp (DN) lớn, có tên tuổi với số nợ thuế từ hàng chục tới hàng trăm tỉ đồng.
Cục thuế TP HCM vừa công khai 100 doanh nghiệp nợ thuế tính đến hết quý II với tổng số tiền hơn 7.860 tỷ đồng (gồm tiền thuế, phạt, chậm nộp). Chiếm phần lớn danh sách này là nhóm doanh nghiệp bất động sản, xây dựng. Trong đó, đứng đầu là Công ty cổ phần Đầu tư Golden Hill, chủ đầu tư dự án cao ốc phức hợp tại 87 Cống Quỳnh (TP HCM), nợ thuế 1.290 tỷ đồng.
Đứng đầu trong danh sách nợ thuế là Công ty cổ phần Đầu tư Golden Hill, chủ đầu tư dự án cao ốc phức hợp tại 87 Cống Quỳnh (TP HCM), nợ thuế 1.290 tỷ đồng
Cách đây hai năm, doanh nghiệp này từng phát hành thành công 5.760 tỷ đồng trái phiếu chỉ trong thời gian ngắn, đảm bảo bằng tài sản liên quan dự án 87 Cống Quỳnh. Mục đích theo công bố của lô trái phiếu này là nhằm thanh toán khoản phải trả với các đối tác liên quan đến việc thanh lý các hợp đồng đầu tư với tổng dư nợ gốc hơn 8.000 tỷ đồng.
Đứng thứ hai trong danh sách này là Công ty cổ phần Phát triển Địa ốc Sông Tiên (STC) với số thuế nợ hơn 1.010 tỉ đồng.
Tính đến hết quý II, Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land cũng đang nợ thuế hơn 855 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp nhóm bất động sản khác tại TP HCM cũng trong tình trạng nợ thuế, trong đó gồm các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Đất Xanh nợ 210 tỷ đồng, Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC) nợ 75 tỷ đồng và Công ty cổ phần Tư vấn – Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân nợ thuế 16 tỷ đồng...
Phần lớn doanh nghiệp bất động sản đều trong tình thế khó khăn, thanh khoản hạn chế, đặc biệt sau "cú sốc" trái phiếu doanh nghiệp vừa qua.
Phần lớn doanh nghiệp bất động sản đều trong tình thế khó khăn, thanh khoản hạn chế
Nhóm DN xây dựng, đầu tư khu du lịch, khu nghỉ dưỡng cũng bị cưỡng chế thuế nhiều. Hầu hết các DN này nợ thuế do tiền thuê đất tăng cao, không có khả năng chi trả, như tại Đà Nẵng là Công ty CP khách sạn và du lịch Thiên Thai, chủ đầu tư khu du lịch Aryana, nợ 123,9 tỉ đồng; Công ty CP phát triển đô thị du lịch Quảng An Đà Nẵng, chủ đầu tư khu du lịch biển The Song, 65,3 tỉ đồng; Công ty CP Mỹ Phát, chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng Olalani Resort and Condotel, 26,9 tỉ đồng; Công ty CP Biển Tiên Sa, 12,9 tỉ đồng.
Cũng trong danh sách nợ thuế đợt này của thành phố, còn có một số doanh nghiệp lĩnh vực khác như dệt may, sản xuất, thương mại, vận tải...
Trong đó, Công ty TNHH Sản xuất Hàng tiêu dùng Bình Tân, chủ sở hữu thương hiệu giày Bita's nợ thuế hơn 10 tỷ đồng. Công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang, Chi nhánh TP HCM của Công ty cổ phần xe khách Phương Trang Futabuslines nợ thuế gần 40 tỷ đồng, Công ty cổ phần ẩm thực mặt trời vàng (Goldsunfood), chuyển đổi từ Redsun, đơn vị vận hành nhiều thương hiệu FnB như King BBQ, ThaiExpress, Seoul Garden, Khao Lao.... cũng đang nợ thuế 13 tỷ đồng.
Theo đại diện một DN bất động sản trong số này, từ sau dịch COVID-19 tình hình kinh doanh rất khó khăn. Dù DN đã áp dụng nhiều ưu đãi, giảm giá nhưng vẫn không bán được do khách hàng vẫn chờ mức giảm sâu hơn.
Dự kiến khó khăn còn kéo dài sang năm 2024 - 2025, DN này cho hay đang tìm mọi cách trả dần nợ thuế bởi nếu bị cưỡng chế tài khoản, cưỡng chế hóa đơn thì không thể tiếp tục kinh doanh.
Các DN bị cưỡng chế thuế chủ yếu là do nợ thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng. Thông tin DN bị cưỡng chế cũng khiến không ít khách hàng tại các dự án đang triển khai dang dở lo lắng.
Nhiều DN chậm bàn giao, phát sinh tranh chấp, nay chủ đầu tư vướng nợ thuế, hy vọng nhận sổ đỏ của khách lại càng xa vời.
Lo ngại tình trạng nợ thuế tăng cao, Tổng cục thuế mới đây gửi văn bản đôn đốc cục thuế các địa phương tăng cường thu hồi nợ, công khai thông tin của doanh nghiệp nợ thuế quá hạn, đặc biệt là nhóm nợ thuế lớn và kéo dài.
Với các doanh nghiệp nợ dưới 90 ngày, các cục thuế sẽ gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử, mời lên làm việc. Với khoản nợ thuế trên 90 ngày, những cơ quan này sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ.