Ngày 8/7, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia, Bộ Công an tổ chức Hội thảo “Xác thực truy xuất nguồn gốc – Động lực phát triển bền vững của Kinh tế số Việt Nam”.
Hội thảo được tổ chức nhằm hưởng ứng nhiệm vụ triển khai các chính sách quốc gia về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời cụ thể hóa các định hướng trong Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và các văn bản pháp luật liên quan đến chuyển đổi số, logistics, nông nghiệp, thương mại điện tử và bảo vệ dữ liệu.
Truy xuất nguồn gốc của hàng hóa để triệt hàng giả, hàng nhái
Phát biểu khai mạc hội thảo, đại tá Phạm Minh Tiến, Trung tâm dữ liệu Quốc gia, Bộ Công an cho hay, hiện hàng giả, hàng nhái đang là vấn nạn vào cả siêu thị đến bệnh viện… đặt ra thách thức với các đơn vị chức năng, gây hoang mang với người tiêu dùng. Vì vậy, yêu cầu về tính xác thực, minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc của hàng hóa không chỉ phục vụ công tác quản lý nhà nước mà còn là điều kiện tiên quyết để nâng cao niềm tin thị trường trong nước và hội nhập quốc tế.
Đại tá Phạm Minh Tiến cho hay, trong 5 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng trên cả nước đã xử lý hơn 40.000 vụ việc buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, với tổng giá trị xử phạt lên tới 6.500 tỷ đồng. Nổi bật là tình trạng hàng giả trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân.

Đại tá Phạm Minh Tiến nhấn mạnh: Từ góc độ quản lý nhà nước về dữ liệu, chúng tôi nhận thấy việc triển khai các nền tảng truy xuất nguồn gốc hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến như blockchain, là giải pháp quan trọng giúp nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo an toàn thị trường và tăng cường tính minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
“Điều đáng ghi nhận là những nền tảng này được phát triển bởi chính các doanh nghiệp, kỹ sư công nghệ người Việt Nam, phù hợp với đặc thù thị trường trong nước, và ngày càng được hoàn thiện theo hướng chuẩn hóa, tích hợp với hạ tầng dữ liệu quốc gia. Với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm thúc đẩy ứng dụng dữ liệu trong quản lý nhà nước, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia – Bộ Công an luôn ủng hộ, tạo điều kiện kỹ thuật, pháp lý và an ninh để các giải pháp này phát huy hiệu quả cao nhất”, đại tá Phạm Minh Tiến nói.
Ông Bùi Bá Chính, quyền Giám đốc Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia, Bộ KH&CN chia sẻ về các loại hình hàng giả chia làm 3 nhóm, giả thương hiệu, giả chất lượng và giả xuất xứ. Trong năm 2024, đã xử lý 34.000 vụ. Các vụ điển hình như các vụ thuốc giả ở TPHCM, sữa giả ở Hà Nội, thiết bị điện tử giả ở Hà Nội, mỹ phẩm giả ở Ngệ An… Điều này ảnh hưởng đến việc sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam và ảnh hưởng đến thương hiệu quốc gia.

Ông Chính cho rằng, giải pháp cho vấn đề này là sử dụng mã vạch để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các nước trên thế giới như Mỹ, Canada, châu Âu thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đều được mã hóa định danh trên toàn chuỗi sản xuất và đến khâu xuất khẩu. Ông Chính mong muốn Việt Nam có thể kiểm soát và truy xuất nguồn gốc để định danh sản phẩm, kê khai một cách minh bạch với sự giám sát của toàn dân.
Đây chính là hộ chiếu số cho sản phẩm và hướng đến thị trường quốc tế, đảm bảo mục tiêu xuất khẩu hàng hóa, nâng tầm quốc gia. Để truy xuất nguồn gốc, cần kết nối dữ liệu của các bộ, ngành và địa phương.

Đến nay, Việt Nam đã công bố 35 TCVN về truy xuất nguồn gốc, nhưng cần được áp dụng và đi sâu vào chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, vấn đề truy xuất sản phẩm hàng hóa cũng là vấn đề “đau đầu” của nhiều nước trên thế giới.
Doanh nghiệp chờ nền tảng xác thực quốc gia
Tại sự kiện, ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công nghệ của ECO Pharma cho hay, công ty đã đưa ra nhiều giải pháp như mã QR để truy xuất sản phẩm. Tuy nhiên, hàng giả như ma trận có nhiều phương án đối phó nên buộc công ty phải đưa ra nhiều biện pháp.
Tuy nhiên, những giải pháp này do doanh nghiệp mày mò tìm ra bảo vệ khách hàng chứ chưa được cơ quan nhà nước bảo tín. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đầu tư nhiều nền tảng để giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc và tốn chi phí vận hành.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp chưa liên thông được dữ liệu với nhau và kết nối với dữ liệu quốc gia. Vì vậy, ông Hoàng Tuấn Anh đề xuất cần xác thực ở cấp quốc gia và khách hàng có thể xác thực từ điểm bán sản phẩm.

Còn theo ông Nguyễn Huy, Trưởng Ban Công nghệ, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm không mới, nhưng gần đây trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội, được nhiều người quan tâm.
Đã có những quy định, đã có những tổ chức, doanh nghiệp triển khai việc này nhưng còn rất manh mún, rời rạc, và hiện chưa có một cơ chế xuyên suốt từ trên xuống dưới thống nhất làm như thế nào.
Hiện nay, từng doanh nghiệp đều có những giải pháp riêng, nhiều doanh nghiệp lớn đã có công nghệ, có hệ thống cho sản phẩm và xác thực sản phẩm của họ, tuy nhiên chưa dựa trên tiêu chuẩn đồng nhất cho cả quốc gia cũng như liên thông quốc tế. Đặc biệt, bộ tiêu chuẩn đó không được xác thực bởi cơ quan nhà nước, mà đơn giản là chỉ kết nối trong nội bộ của từng doanh nghiệp.
“Trong bối cảnh cả nước thực hiện chuyển đổi số, số hóa nền kinh tế, việc ứng dụng công nghệ cho truy xuất nguồn gốc là bắt buộc và phải là chính sách toàn diện từ trên xuống dưới, có sự quản lý đồng bộ từ Trung ương tới địa phương và áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, có như vậy mới định danh, xác thực và truy xuất nguồn gốc hàng hóa được”, ông Huy nhấn mạnh.