Định giá thị trường vẫn thấp hơn trung bình dài hạn
YSVN cho biết, mức P/E trailing 12 tháng của VN-Index đã tăng lên 13,5 lần, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức trung bình 5 năm (14,4 lần) và 10 năm (15,3 lần). Cùng với mặt bằng lãi suất tiết kiệm duy trì ở mức thấp, dòng tiền “giá rẻ” tiếp tục là động lực hỗ trợ thị trường trong trung và dài hạn.
Về mặt định giá, ASEANSC đánh giá, tại cuối tháng 6, VN-Index đang giao dịch với P/E trailing khoảng 13,65 lần và P/B là 1,64 lần.
Với giả định lợi nhuận toàn thị trường tăng 15% trong năm 2025, định giá forward P/E vào khoảng 11,8 lần. Mức định giá này được nhận định là hấp dẫn so với trung bình quá khứ và có thể được tái định vị nếu thị trường Việt Nam được nâng hạng trong thời gian tới.

(Nguồn: YSVN).
VN-Index có thể dao động trong vùng 1.350–1.425 điểm
Theo nhóm phân tích Yuanta, VN-Index có thể chịu áp lực điều chỉnh khi tiến sát vùng kháng cự tâm lý 1.400 điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị cần thận trọng tại vùng này, hạn chế mua đuổi và nên chọn lọc cổ phiếu kỹ lưỡng.
ASEANSC dự báo chỉ số sẽ chủ yếu vận động trong vùng 1.350–1.425 điểm trong tháng 7. Dù xu hướng tăng vẫn đang được duy trì, công ty nhận định thị trường chưa có nhịp điều chỉnh đủ lớn để hấp thụ lực cung sau giai đoạn tăng mạnh, đồng thời một số chỉ báo động lượng đang vận động trong vùng quá mua. Do đó, nhà đầu tư chỉ nên mua mới khi thị trường và cổ phiếu xuất hiện nhịp điều chỉnh đáng kể.
ASEANSC lưu ý đến chính sách thuế đối ứng của Mỹ là một trong những biến số chính của thị trường tháng này.
Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND cũng là yếu tố cần lưu ý khi đang tiếp tục đà tăng và đạt mức cao mới trong đầu tháng 7. Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu trở lại để thăm dò phản ứng thị trường, và có thể linh hoạt điều chỉnh quy mô phát hành nếu đà tăng tỷ giá chưa hạ nhiệt.

Kết quả kinh doanh quý II: Ngân hàng, bán lẻ, công nghệ là điểm sáng
ASEANSC dự báo các lĩnh vực như ngân hàng, bán lẻ và công nghệ sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số trong quý II. Trong khi đó, nhóm bất động sản có thể phân hóa theo từng doanh nghiệp, còn nhóm chứng khoán có thể tăng trưởng nhẹ, nhưng diễn biến cổ phiếu thường bám sát chỉ số và thanh khoản hơn là chờ báo cáo tài chính.
Cụ thể, lĩnh vực ngân hàng được dự báo tăng trưởng lợi nhuận từ 12%–15% so với cùng kỳ, nhờ đẩy mạnh tín dụng, tăng thu nhập ngoài lãi và cải thiện hiệu quả hoạt động. Việc luật hóa Nghị quyết 42 cũng được đánh giá sẽ giúp xử lý tài sản đảm bảo linh hoạt hơn và góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu.
Ngành bán lẻ được kỳ vọng tăng lợi nhuận từ 20% nhờ chính sách giảm thuế VAT, cải thiện hiệu quả hoạt động và tăng trưởng từ các chuỗi mới. Lĩnh vực công nghệ, với đóng góp lớn từ một doanh nghiệp đầu ngành, dự kiến có mức tăng trưởng lợi nhuận trong khoảng 17%–20% so với cùng kỳ.
Chiến lược đầu tư: Ưu tiên doanh nghiệp nội địa, kết quả kinh doanh tăng trưởng
Cả hai công ty chứng khoán đều nhấn mạnh yếu tố chọn lọc cổ phiếu theo ngành và câu chuyện riêng.
YSVN cho rằng định giá nhóm tài chính vẫn đang ở mức hấp dẫn hơn so với các ngành phi tài chính, trong khi tâm lý nhà đầu tư hiện vẫn tích cực trong trung và dài hạn.
Về phía ASEANSC, nhóm phân tích khuyến nghị ưu tiên các doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu trong nước cao, ít chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế. Bên cạnh đó là các nhóm ngành như ngân hàng, bán lẻ và công nghệ dự kiến ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận quý II ở mức hai chữ số