Theo thống kê từ Wichart, có 20 doanh nghiệp phi tài chính có tổng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng đạt trên 10.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023.
Tổng lượng tiền của 20 doanh nghiệp phi tài chính này đạt gần 447.000 tỷ đồng, chiếm gần 55% quy mô tiền mặt của các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính trên thị trường chứng khoán.
Có ba trên 20 doanh nghiệp ghi nhận tổng tiền, tiền gửi ngân hàng suy giảm sau một quý là CTCP FPT (Mã: FPT), CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM), Tập đoàn Masan (Mã: MSN).
Doanh nghiệp có sự tăng trưởng về lượng tiền trong quý cuối năm là CTCP Vinhomes (Mã: VHM), đạt 17.937 tỷ đồng, tăng 156% sau một quý.
Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS - Mã: GAS) tiếp tục là doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt cao nhất sàn chứng khoán tính tới cuối quý IV/2023 với 40.754 tỷ đồng, tăng 2% sau một quý.
Sở hữu lượng lớn tiền và tiền gửi giúp PV GAS thu về 2.027 tỷ đồng lãi tiền gửi năm qua, đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận của doanh nghiệp.
Dù nắm giữ lượng tiền lớn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đi vay nhằm tối ưu lợi nhuận khi vay với lãi suất thấp và gửi tiền với lãi suất cao như Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR), Petrolimex (Mã: PLX), FPT, Thế Giới Di Động (Mã: MWG),...
Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, lợi nhuận liên tục dò đáy, lãi tiền gửi đã trở thành cứu cánh, giúp Thế Giới Di Động có lãi các quý trong năm 2023. Cuối năm 2023, lượng tiền gửi của MWG đạt mốc cao kỷ lục và nhận về 1.828 tỷ lãi tiền gửi năm qua, trong khi chi phí lãi vay là 1.448 tỷ.
Hàng chục đơn vị có lượng tiền nắm giữ chiếm tỷ trọng trên 40% trong cơ cấu tổng tài sản như: PV GAS, Lọc hoá dầu Bình Sơn, ACV, Sabeco, Petrolimex, FPT, Vinamilk, MWG, Viettel Global, VEAM, Đạm Cà Mau, Hoá chất Đức Giang,...