Tài chính

Những cơn gió ngược cản bước ngành ngân hàng trong năm 2024

Nhìn lại 2023: Ngân hàng “gồng” để duy trì lợi nhuận

“Kết quả kinh doanh thấp hơn kỳ vọng” hay “bức tranh đan xen mảng sáng tối” là những gì các chuyên gia phân tích nhận định về hoạt động của ngành ngân hàng năm 2023 với nhiều thách thức.

“Nhìn chung, tình hình ngành ngân hàng trong năm 2023 khá là khó khăn. Tín dụng nhiều khả năng không đạt được mục tiêu đề ra, trong khi nợ xấu tăng cao, lợi nhuận sụt giảm”, PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP HCM, nhận định.

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP HCM. (Ảnh: Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam).

Số liệu từ báo cáo tài chính các ngân hàng cho thấy trong năm 2023, các chỉ số về doanh thu, lợi nhuận của ngân hàng đều có dấu hiệu chững lại hoặc quay đầu giảm, trong khi đó nợ xấu lại vọt tăng. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2023 của nhóm ngân hàng niêm yết đã giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, có 14 ngân hàng báo lãi giảm so với cùng kỳ, thậm chí có nhà băng thua lỗ. Tổng thu nhập hoạt động (TOI) của ngân hàng tăng trưởng thấp khi thu nhập lãi thuần chỉ nhích lên khiêm tốn và thu nhập ngoài lãi quay đầu giảm so với cùng kỳ. 

 

Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng chậm khi nhu cầu tín dụng còn yếu, đồng thời ngân hàng áp dụng các chính sách giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng, trong khi vẫn phải trả những khoản tiền gửi với lãi suất cao từ đầu năm. 

Thu nhập ngoài lãi giảm khi hoạt động xử lý nợ xấu không đạt như kỳ vọng, mảng kinh doanh bảo hiểm gặp khủng hoảng niềm tin và áp lực từ cơ quan quản lý.

Ngoài ra, hoạt động thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại cũng gặp khó khăn do bối cảnh vĩ mô khiến thu nhập từ dịch vụ này đi xuống.

Thu nhập lãi thuần, khoản thu chính của ngân hàng, chỉ tăng trưởng 3,8% trong ba quý vừa qua. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước từng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tới 22% so với năm 2021.

Thu nhập ngoài lãi, bao gồm các hoạt động như dịch vụ, chứng khoán, ngoại tệ… đã quay đầu giảm 2,5%. Nhiều ngân hàng đã lựa chọn giảm chi phí dự phòng để duy trì lợi nhuận.

Trong khi thu nhập giảm, nợ xấu lại tăng với tốc độ nhanh chóng. Theo dữ liệu từ WiChart, tổng số dư nợ xấu nội bảng tính đến cuối quý III/2023 của nhóm ngành ngân hàng là gần 210.000 tỷ đồng, tăng 9,3% so với quý liền trước và 52,7% so với cuối năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tiếp tục tăng lên mức 2,25%, tăng 0,64 điểm % so với cuối năm ngoái.

Mặc dù nợ xấu tăng nhưng bộ đệm dự phòng lại không tăng tương ứng khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn ngành đã tụt xuống dưới 100% kể từ quý II/2023. Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh cũng có một số điểm sáng, chẳng hạn như tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đang trên đà phục hồi, hỗ trợ cho biên lãi thuần (NIM). Theo một số công ty chứng khoán, NIM ngân hàng dự kiến sẽ quay đầu tăng kể từ quý IV/2023. 

 

Năm 2024: Lợi nhuận bấp bênh, không còn những con gà đẻ trứng vàng

Theo đánh giá của chuyên gia Nguyễn Hữu Huân, triển vọng thu nhập lãi thuần trong năm 2024 sẽ rất khó dự báo: “Hiện chúng ta đang sống trong thời đại đầy sự không chắc chắn, khó lường trước được những gì sẽ xảy ra trong tương lai, đặc biệt khi Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động từ kinh tế thế giới”.

Tuy nhiên, nếu sử dụng kịch bản tuyến tính (giả định không có gì bất ngờ xảy ra với nền kinh tế thế giới) thì nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng của năm sau sẽ tốt hơn năm nay, ông cho biết. Tăng trưởng tín dụng cải thiện là yếu tố có thể hỗ trợ cho thu nhập lãi thuần.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo về rủi ro nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) buộc phải tăng lãi suất do áp lực từ bên ngoài hay để kiểm soát lạm phát. Khi đó, các ngân hàng thương mại cũng sẽ phải tăng lãi suất huy động, trong khi các khoản vay hiện hữu vẫn được áp dụng lãi suất thấp, ảnh hưởng tới thu nhập lãi thuần.

Về các khoản thu nhập ngoài lãi, ông Huân dự báo kênh bán chéo bảo hiểm sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi Bộ Tài chính có Thông tư 67 cấm ngân hàng chào bán bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước và sau 60 ngày giải ngân khoản vay.

 

“Không có cửa nào sáng, đặc biệt là hoạt động bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng)”, ông Huân nhận định.

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng sau những quy định mới của Bộ Tài chính, kênh bảo hiểm sẽ không tăng trưởng trong ngắn hạn và sẽ cần nhiều thời gian để thị trường có thể điều chỉnh thói quen, định hướng cho khách hàng. 

Đồng thời, hai mảng kinh doanh ngoại hối và chứng khoán, vốn từng ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023, cũng sẽ không còn thuận lợi trong năm tới.

Theo ông Huân, chênh lệch lãi suất USD – VND cao giúp các ngân hàng thực hiện hoạt động đầu cơ ngoại tệ. Các nhà băng đã vay VND để mua USD rồi cho vay USD nhằm hưởng chênh lệch tỷ giá.

Tuy nhiên sang năm tới, chênh lệch này dự kiến sẽ không còn nhiều khi Fed bắt đầu quá trình nới lỏng chính sách. Do đó, lợi nhuận đột biến từ kinh doanh ngoại hối chắc chắn sẽ giảm đi, ông Huân dự báo. Về hoạt động kinh doanh chứng khoán, các ngân hàng đã hưởng lợi từ diễn biến lãi suất.

Việc NHNN hạ lãi suất liên tiếp 4 lần đã giúp những lô trái phiếu cũ tăng giá và các nhà băng có thể hưởng lợi từ việc bán số trái phiếu này. Tuy nhiên, lợi nhuận trên đã được thực hiện hóa và trong những quý tới, thu nhập từ mảng kinh doanh này sẽ không còn thuận lợi như trước.

Mảng tài chính tiêu dùng, từng được coi như con gà đẻ trứng vàng của nhiều ngân hàng, cũng không được kỳ vọng sẽ có bứt phá khi khi nền kinh tế nói chung chưa phục hồi khả quan. Mặc dù vậy, tiềm năng của thị trường này vẫn là rất lớn và đây là cơ hội để bán cổ phần cho các đối tác nước ngoài. 

 4 cơn gió ngược trong năm 2024  

Dự báo về triển vọng của ngành ngân hàng trong năm tới, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho rằng 2024 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn với cả hệ thống ngân hàng. Ông cho rằng ngành ngân hàng sẽ đứng trước 4 thách thức lớn bao gồm điều hành chính sách tiền tệ, nợ xấu, áp lực lợi nhuận và tính thanh khoản.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA. (Ảnh: VNBA).

Về vấn đề đầu tiên, Tổng Thư ký VNBA cho biết hiện chính sách tiền tệ của Việt Nam đang có nhiều điểm trái ngược với quốc tế. “Hiếm có quốc gia nào duy trì lãi suất thấp hơn USD trong một khoảng thời gian lâu như Việt Nam”, ông nói.

Theo ông, trong năm 2024, nhà điều hành phải hết sức uyển chuyển và linh hoạt trong vấn đề điều hành chính sách tiền tệ. Đây là áp lực rất lớn với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Bên cạnh đó, nợ xấu là một vấn đều cực kỳ nan giải với ngành ngân hàng trong năm 2024.

Ông Hùng cho rằng thách thức trên là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh Thông tư 02 hết hiệu lực và luật tổ chức tín dụng chưa được thông qua. Ngoài ra, Nghị quyết 42 hết hiệu lực cũng khiến áp lực thu hồi nợ cực kỳ khó khăn. Tổng Thư ký VNBA dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 sẽ tiếp tục không khả quan như năm 2023: “Đối diện với nợ xấu, trích lập dự phòng thì chắc chắn lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng”, ông Hùng nói. 

Thách thức cuối cùng được vị này đưa ra là tính thanh khoản của các ngân hàng. “Nếu tổ chức tín dụng không cẩn thận, cứ đầu tư vào lĩnh vực trung dài hạn, không có dòng tiền nhanh thì khi nền kinh tế phục hồi, khách hàng rút tiền thì sẽ dẫn đến thiếu thanh khoản”, ông nói.

Cùng với đó, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất nền kinh tế thường sẽ khởi sắc và hoạt động kinh doanh sôi động hơn, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng. 

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm