Tài chính

Hai "ông lớn" Vietcombank và BIDV được kỳ vọng gì trong năm 2024?

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng tăng trưởng tín dụng của Vietcombank sẽ tăng tốc vào cuối năm do giải ngân với các dự án lớn. Về triển vọng của BIDV, KBSV cho rằng NIM ngân hàng sẽ cải thiện vào cuối năm và có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn Vietcombank.

Vietcombank tăng trưởng thận trọng

Tín dụng tăng trưởng 12,5%

Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp cho Vietcombank room tín dụng ở mức 16%. Trong quý I, tín dụng chỉ tăng 0,3%, thấp hơn so với mức tăng chung của nền kinh tế và các ngân hàng quốc doanh khác. 

Ngoài yếu tố mùa vụ và việc tín dụng đã tăng mạnh vào cuối năm ngoái, KBSV cho rằng nguyên nhân còn đến từ sự thận trọng của ngân hàng trong việc giải ngân.

Vietcombank cho biết chỉ tập trung vào nhóm khách hàng có năng lực tài chính và khả năng chống đỡ rủi ro. Do đó, KBSV điều chỉnh dự phóng tăng trưởng tín dụng 2024 của Vietcombank từ 14% xuống 12,5%, cao hơn một chút so với kế hoạch mà ngân hàng đề ra và cao hơn kết quả của năm 2023 (10,7%). 

Các chuyên viên phân tích đánh giá một trong những động lực chính trong năm nay đến từ các dự án cơ sở hạ tầng (sân bay Long Thành và các dự án liên quan, Lô B – Ô Môn…), dự kiến sẽ bắt đầu giải ngân từ quý II. 

Ngoài ra, triển vọng tích cực từ hoạt động xuất nhập khẩu và dòng vốn FDI sẽ thúc đẩy nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của nhóm khách hàng doanh nghiệp. Đồng thời, trong khi nhu cầu tiêu dùng kỳ vọng hồi phục vào cuối năm sẽ cải thiện kết quả kinh doanh ở mảng bán lẻ. 

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, danh mục cho vay của Vietcombank đã dần chuyển sang nhóm khách hàng doanh nghiệp, trong khi tỷ trọng cho vay bán lẻ giảm dần.

NIM tiếp tục cải thiện

Dù trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng kém khả quan, biên lãi thuần của Vietcombank trong quý đầu năm vẫn ghi nhận sự cải thiện khi tăng 15 điểm cơ bản (bps) so với quý trước, lên 3,15% nhờ chi phí vốn (COF) giảm mạnh hơn lãi suất bình quân đầu ra. 

Theo các chuyên viên phân tích, COF giảm 91 bps so với cuối năm 2023 do: mặt bằng lãi suất huy động thấp được phản ánh rõ nét hơn; nguồn vốn huy động được tối ưu để tạo cơ sở giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng (tiền gửi khách hàng giảm 3.5% so với đầu năm) và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) vẫn được duy trì ở mức cao, xấp xỉ 35%. 

KBSV kỳ vọng NIM của Vietcombank sẽ tiếp tục đi ngang quanh mức 3,15% trong ba quý cuối năm. Đồng thời, lãi suất bình quân đầu ra khó tăng trở lại do ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp. 

 

Trong quý I/2024, chất lượng tài sản của Vietcombank suy giảm khi tỷ lệ nợ xấu (NPL) tăng lên 1,22% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm xuống còn 200%. Ngân hàng đã không thực hiện xử lý nợ xấu bằng nguồn dự phòng trong kỳ. 

KBSV cho rằng chất lượng tài sản sẽ có xu hướng cải thiện và tích cực hơn năm 2023 nhờ Thông tư 02 tiếp tục được gia hạn đến hết năm 2024 cùng với các chính sách hạ lãi suất sẽ hỗ trợ tình hình tài chính doanh nghiệp và nền kinh tế ấm lên theo đó là sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Ngoài ra, KBSV cho rằng Vietcombank sẽ gia tăng xử lý nợ xấu trong ba quý còn lại để kiểm soát tỷ lệ NPL xuống mức 1% và tiếp tục trích lập rủi ro nhằm duy trì bộ đệm dự phòng.

 

Dự báo lợi nhuận tăng gần 8%

KBSV dự phóng Vietcombank sẽ ghi nhận thu nhập lãi thuần hơn 60.800 tỷ đồng, tăng 13,4% và thấp hơn so với báo cáo trước đó. Thu từ hoạt động dịch vụ sẽ cải thiện theo sự khởi sắc của nền kinh tế chung. 

KBSV cho rằng VCB vẫn duy trì mức trích lập cao đối với khoản cho vay khách hàng trong 2024- 2025 để ưu tiên sự an toàn, trong khi sẽ tiếp tục hoàn nhập khoản cho vay liên ngân hàng để hỗ trợ lợi nhuận.

Lợi nhuận sau thuế năm 2024 dự báo ở mức 35.690 tỷ đồng, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Sang năm 2025, lợi nhuận của Vietcombank được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh hơn, lên 42.440 tỷ đồng.

Sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và chiết khấu lợi nhuận thặng dư, KBSV đưa ra mức giá mục tiêu cho năm 2024 của cổ phiếu VCB là 105.200 VND/cp. Công ty đưa ra khuyến nghị "mua" với cổ phiếu này.

BIDV: Kỳ vọng NIM cải thiện

NIM cải thiện trong nửa cuối năm

Quý I/2024, NIM của BIDV đạt 2,55%, giảm 2 bps so với quý liền trước, chủ yếu do việc ngân hàng đẩy mạnh hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế. 

Chẳng hạn, ngân hàng đã triển khai gói 200.000 tỷ VND tín dụng lãi suất từ 4,5% cho khách hàng cá nhân phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng hay gói lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà từ 6,5%. 

KBSV kỳ vọng COF của BIDV sẽ được cải thiện trong năm 2024, dựa trên việc các khoản huy động khách hàng lãi suất cao giai đoạn cuối 2022, đầu 2023 dần đáo hạn và lãi suất tiền gửi được duy trì ở mức thấp. Ngoài ra, việc tỷ giá phần nào được kiểm soát tốt cũng sẽ giúp lãi suất huy động không bị đẩy quá mạnh. 

Với giả định lãi suất huy động duy trì ở mức dưới 5,5% trong phần còn lại của năm, các chuyên viên phân tích kỳ vọng chi phí vốn của BIDV trong năm 2024 sẽ ở mức 4% tương đương với giai đoạn 2021-2022. 

Trong khi đó, lãi suất cho vay sẽ ở mức thấp hơn giai đoạn này do BIDV có vai trò đi đầu trong công tác hỗ trợ thúc đẩy hồi phục nền kinh tế, khiến NIM cải thiện không quá nhanh.

 

Lợi nhuận tăng gần 11%

Năm 2024, KBSV dự kiến thu nhập lãi thuần của BIDV đạt 67.219 tỷ đồng, tăng 19,7% so với năm trước. Mức tăng này đến từ NIM cải thiện cùng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng đạt 15%.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ được dự báo tăng 10,4%, đạt 7.254 tỷ đồng. Chi phí trích lập dự phòng ở mức 25.440 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ bao phủ ở mức 138%, KBSV dự báo. 

Lợi nhuận sau thuế của BIDV được kỳ vọng đạt 23.810 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Sang năm 2025, lợi nhuận dự báo sẽ bứt tốc 22% lên 29.038 tỷ đồng. 

Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị “trung lập” đối với cổ phiếu BIDV. Giá mục tiêu cho năm 2024 là 52.200VND/cp.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm