Doanh nhân

Hai đại gia Việt chia nhau hơn 1.100 tỷ đồng trong ngày thị trường chứng khoán giảm mạnh

Sau chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp để tiến gần ngưỡng 1.270 điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên điều chỉnh giảm trong ngày 6/3. Có thời điểm VN-Index giảm hơn 10 điểm trước khi kết phiên mức giảm thu hẹp còn 7,25 điểm, tương đương giảm 0,57% để đóng cửa ở mức giá 1.262,73 điểm. Thanh khoản tăng hơn 500 tỷ đồng so với phiên liền trước với hơn 1,062 tỷ cổ phiếu được sang tay cùng giá trị đạt 24.898 tỷ đồng.

Trong ngày thị trường chứng khoán Việt Nam quay đầu giảm điểm, các công ty chứng khoán thông báo hệ thống gặp gián đoạn, nhà đầu tư không thể đặt, sửa hay hủy lệnh từ đầu phiên chiều 6/3. Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) xác nhận có hiện tượng này. HoSE cho biết đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm 1,9 điểm để đóng cửa ở mức 235,45 điểm. Chỉ số Upcom-Index cũng giảm 0,54 điểm để đóng cửa ở mức 91,24 điểm.

Khối tài sản của tỷ phú Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang tăng mạnh trong ngày thị trường giảm điểm

Khối tài sản của tỷ phú Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang tăng mạnh trong ngày thị trường giảm điểm

Trái ngược với đà giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam, mã cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn MaSan và TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam diễn biến tích cực khi ghi nhận mức tăng 1,59% và 1,3% so với phiên liền trước.

Kết phiên giao dịch, MSN đóng cửa ở mức giá 76.900đ/cổ phiếu đây là phiên tăng thứ 7 liên tiếp của mã cổ phiếu này, với mức giá này, vốn hóa của Masan hiện đang hơn 110.000 tỷ đồng. Nếu tính từ đầu tháng 2 tới nay, cổ phiếu MSN đã tăng 19%. Trong khi TCB đóng cửa ở mức giá 42.750đ/cổ phiếu, đây cũng là phiên tăng thứ 2 liên tiếp của TCB. Vốn hóa hiện tại gần 150.600 tỷ đồng. Nếu tính từ đầu tháng 2 tới nay, cổ phiếu TCB đã tăng 24%.

Hai doanh nghiệp có nhiều mối liên quan khi cả ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang đều sở hữu cổ phần tại TCB và MSN. Masan còn đang là cổ đông lớn nhất của Techcombank khi sở hữu hơn 524 triệu cổ phiếu TCB, tỷ lệ sở hữu 14,88%. Ông Nguyễn Đăng Quang cũng đang là Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank.

Theo thống kê của Forbes, với mức tăng của cổ phiếu TCB và MSN trong phiên giao dịch ngày 6/3, khối tài sản trên sàn chứng khoán của tỷ phú Hồ Hùng Anh – Chủ tịch TCB ghi nhận mức tăng thêm 29 triệu USD, tương đương tăng gần 700 tỷ đồng so với phiên liền trước. Forbes ước tính khối tài sản của tỷ phú Hồ Hùng Anh đang nắm giữ có giá trị 1,8 tỷ USD, đứng thứ tư trong danh sách các tỷ phú USD Việt Nam và đứng thứ 1.725 trên bảng xếp hạng tỷ phú USD thế giới.

Trong khi đó, khối tài sản của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch MSN cũng ghi nhận tăng thêm 18 triệu USD, tương đương hơn 422 tỷ đồng. Ông Quang đang nắm giữ khối tài sản trên sàn chứng khoán trị giá 1,2 tỷ USD và đứng thứ 2.334 trên bảng xếp hạng các tỷ phú USD thế giới.

Sau phiên rung lắc mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng phiên giao dịch ngày 7/3, chuyên gia công ty chứng khoán Vietcap dự báo VN-Index sẽ kiểm định lại hỗ trợ MA5 tại 1.260 điểm và có thể sẽ hồi phục từ ngưỡng này để tiếp tục xu hướng tăng hướng lên kháng cự mạnh tại 1.285-1.290 điểm. Tuy nhiên, nếu áp lực bán còn mạnh khiến hỗ trợ MA5 bị vi phạm, VN-Index có thể thoái lui xuống hỗ trợ của đường MA10 tại 1.245-1.250 điểm để tìm kiểm điểm cân bằng ngắn hạn.

Chuyên gia của CTCK Agribank (Agriseco) đánh giá vùng hỗ trợ gần 1.250 tiếp tục đóng vai trò điểm đỡ đáng tin cậy. Agriseco nhận định, diễn biến rung lắc là cần thiết nhằm giải tỏa áp lực chốt lời ngắn hạn khi mà các chỉ báo xung lượng đang trong vùng quá mua. Với xu hướng tăng điểm vẫn đang được duy trì, nhà đầu tư được khuyến nghị hạn chế mua đuổi trong các nhịp tăng điểm hưng phấn, chỉ gia tăng tỷ trọng trading ngắn hạn trở lại trong các nhịp điều chỉnh về quanh vùng hỗ trợ đã đề cập.

Chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường có thể quay trở lại đà tăng và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm tra lại mức kháng cự 1.268 điểm. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên dòng tiền có thể sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Ngoài ra, rủi ro ngắn hạn là có nhưng Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường chưa phải ở giai đoạn đáng ngại và chủ yếu chỉ xuất hiện nhịp điều chỉnh khi thị trường đang ở vùng kháng cự ngắn hạn và các chỉ báo kỹ thuật tăng vào vùng quá mua.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm