Chiều 23/2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã chủ trì phiên thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn cả nước về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục và giao dịch quốc tế; là một động lực phát triển quan trọng đối với sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và cả nước.
Hà Nội cũng là thành phố đông dân thứ hai cả nước với cơ cấu dân số trẻ có chất lượng cao; ít bị ảnh hưởng của thời tiết cực đoan; vị trí đầu mối giao thông thuận lợi về phát triển giao thông đa dạng và kết nối với các tỉnh/thành trong vùng, các tỉnh phía Bắc, cả nước và quốc tế; là địa bàn có nhiều di sản văn hóa, lịch sử phong phú, đa dạng nhất của quốc gia.
Tuy nhiên, vị thế kinh tế của Hà Nội có xu hướng giảm dần so với các tỉnh/thành phố trong vùng ĐBSH. Năm 20223, tốc độ tăng trưởng GRDP của Hà Nội chỉ đạt 6,27% đứng thứ 9/11 trong Đồng bằng sông Hồng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa hình thành rõ rệt được các ngành kinh tế mũi nhọn, hiệu quả cao.
Hà Nội còn nhiều tồn tại về phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Ba vấn đề lớn là tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và ngập lụt. Các tuyến giao thông thuộc hệ thống hạ tầng khung vẫn chưa được hình thành đồng bộ, đặc biệt thiếu các trục xuyên tâm Bắc - Nam và Đông - Tây.
Kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh vùng ĐBSH, đặc biệt các tỉnh tiểu vùng phía Nam, còn chưa đồng bộ và chưa phát triển đúng mức. Hà Nội mới phát triển được 2/8 trục hướng tâm đã được xác định trong Quy hoạch. Các nút giao thông vào Thủ đô thường xuyên ùn tắc.
Về phía UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cho biết, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch, nổi bật là giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại các khu vực đô thị, đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ cho các vùng địa hình thấp trũng; giải quyết căn bản tình trạng kẹt xe tại các cửa ngõ thành phố và tình trạng ùn tắc giao thông đô thị vào giờ cao điểm.
Đáng chú ý, Hà Nội sẽ tập trung phát triển hệ thống đường sắt đô thị đủ khả năng thay thế phương tiện giao thông cá nhân và kết nối trung tâm Thủ đô với các trung tâm đô thị trong vùng Thủ đô. Mở rộng, nâng công suất sân bay Nội Bài ở mức giới hạn hiệu quả, xây dựng sân bay thứ 2 ở khu vực huyện Phú Xuyên – Ứng Hòa để mở rộng không gian phát triển khu vực phía Nam.
Quy hoạch tập trung vào nhiều lĩnh vực như bán dẫn, công nghệ cao,...
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cũng xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng như định hướng trở thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và AI, công nghệ sinh học; phát triển sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, các loại giống cây con có vai trò dẫn dắt phát triển nông nghiệp các tỉnh phía Bắc;
Đồng thời, tổ chức không gian phát triển Thủ đô Hà Nội với 5 trục động lực, trong đó, trục sông Hồng là trục động lực chính, điểm nhấn của vùng đô thị trung tâm kết nối đô thị phía Nam và phía Bắc sông Hồng với định hướng hình thành không gian văn hóa, lễ hội, văn hóa, thể thao, phát triển du lịch, dịch vụ kinh tế ban đêm và các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng.
Tổ chức hài hòa, khai thác hợp lý 5 không gian phát triển và phát triển mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô xanh, thông minh, hiện đại, sáng tạo với điều kiện đặc thù về mô hình quản trị, thể chế để trở thành khu vực động lực phát triển Thủ đô bao gồm 1 đô thị trung tâm và 4 thành phố thuộc Thủ đô.
Phát triển hạ tầng giao thông kết nối 04 phương thức vận tải bao gồm hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia kết nối liên vùng và quốc tế, đường thủy nội địa với vận tải biển; đường vành đai 4 và 5 kết nối vùng. Cùng với đó, phát triển công nghiệp văn hóa kết hợp với dịch vụ du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trên cơ sở các ý kiến tham gia của các thành viên, ủy viên Hội đồng thẩm định và các đại biểu tham dự phiên họp, cơ quan lập quy hoạch sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để sớm báo cáo xin ý kiến của Quốc hội và trình phê duyệt theo quy định.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.
Hiện nay, cả nước đã có 21 quy hoạch cấp quốc gia và 8 quy hoạch tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng đã được phê duyệt. Tại quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội là một trong các cực tăng trưởng của vùng đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng thông qua, đang trong quá trình hoàn thiện và dự kiến sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 3/2024.