Doanh nghiệp

Công ty chứng khoán lãi cả chục ngàn tỉ đồng từ tự doanh, gấp 4 lần năm trước

Nguồn thu các công ty chứng khoán được đóng góp từ các mảng chính: tự doanh chứng khoán, môi giới, cho vay ký quỹ margin và ngân hàng đầu tư (IB) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nguồn thu các công ty chứng khoán được đóng góp từ các mảng chính: tự doanh chứng khoán, môi giới, cho vay ký quỹ margin và ngân hàng đầu tư (IB) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong các nguồn thu chính, tự doanh vẫn là mảng thường được kỳ vọng có sự đột biến hơn cả với các công ty chứng khoán.

Theo dữ liệu WiGroup, lợi nhuận từ mảng này các công ty chứng khoán đạt xấp xỉ 12.400 tỉ đồng, cao gấp gần 4 lần năm trước.

Dữ liệu: WiGroup, TTO
Năm 2019 4568
Năm 2020 8101
Năm 2021 13940
Năm 2022 3294
Năm 2023 12394

"Soi" danh mục các "ông lớn" chứng khoán

Nhắc lại 2023, VN-Index từng có lúc tăng 22% so với cuối 2022. Sau nhiều pha giảm mạnh và sự lình xình về cuối năm, thị trường kết thúc với mức tăng hơn 12%.

Song con số này chỉ phản ánh một phần hiệu quả mảng tự doanh. Với giá trị đầu tư cuối 2023 khoảng 220.000 tỉ đồng nhưng mỗi công ty phân bổ tài sản với khẩu vị riêng.

Tự doanh được thống kê gồm tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) và tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS).

Như Chứng khoán SSI, là công ty có mảng tự doanh lớn nhất năm 2023, nhưng danh mục lại không tập trung nhiều cổ phiếu.

Đến cuối 2023, chứng chỉ tiền gửi tại SSI đạt 29.990 tỉ đồng, tăng gấp 1,8 lần đầu năm, chiếm đến 68% trong cơ cấu FVTPL. Lớn thứ hai là trái phiếu hơn 12.400 tỉ đồng.

Trong khi cổ phiếu và chứng khoán niêm yết khoảng 1.014 tỉ đồng giá gốc, giá trị hợp lý (giá thị trường) 1.006 tỉ đồng. SSI đầu tư nhiều nhất vào các mã như VPB, FPT, HPG…

Còn tự doanh tại Vietcap (VCI) giảm dần tỉ trọng tiền gửi có kỳ hạn, tăng đầu tư vào chứng khoán. Trong quý 4-2023, công ty giao dịch một số cổ phiếu như MBB, PVS, POW, FPT...

Hoạt động đầu tư tiếp tục là động lực dẫn dắt thu nhập chính của Vietcap trong cả năm 2023, với lợi nhuận trước thuế đạt 347 tỉ đồng, tăng 17% so với năm 2022.

Danh mục tự doanh VCI chủ yếu nằm ở mục AFS. Báo cáo hợp nhất quý 4-2023 cho thấy tại thời điểm 31-12-2023, giá trị thị trường danh mục VCI là 6.603 tỉ đồng, tăng hơn 2.000 tỉ đồng (tương ứng 44%) so với giá mua. 

Hầu hết danh mục VCI đều đang lãi (IPD lãi đột biến, gấp 5 lần), trừ MSN, STB…


Giá trị mua vào (tỉ đồng) Giá thị trường
Tài sản FVTPL

VPB 28,4 28,8
CTG 56,7 54,56
Tài sản AFS

KDH 944,4 1.019
NPJ 222,5 234
IPD 440 2.166
MSN 283 236
MBB 238 246
STB 112 109

Một phần danh mục tự doanh của Vietcap cuối 2023 - Nguồn: BCTC quý 4-2023

Nếu "đọ" về giá trị cổ phiếu, Vietcap cũng đang dẫn đầu. Chưa kể lại sở hữu danh mục hấp dẫn, bởi vậy nhiều nhà đầu tư rất quan tâm Vietcap "cầm" mã nào.

Một công ty khác là VIX cũng nắm giữ chủ yếu trong danh mục tài sản là cổ phiếu niêm yết với 3.390 tỉ đồng, tạm lãi hơn 7%. Còn lại trái phiếu chưa niêm yết giảm mạnh từ mức 1.741 tỉ đồng về 721 tỉ đồng sau một năm.

Cuối 2023, Chứng khoán SHS có 4.050 tỉ đồng vào cổ phiếu, tăng 45% so với thời điểm đầu năm và tạm lãi khoảng 7,5%. Một số mã SHS nắm giữ ghi nhận tại mục FVTPL là EIB, MWG, FRT, còn tại AFS gồm các mã SHB, TCD. Đa số đều lãi, trừ TCD, MWG…

Ngoài ra, trong danh mục tự doanh của SHS cũng có gần 1.400 tỉ đồng trái phiếu (cả niêm yết và chưa niêm yết), giảm 29% so với đầu năm.

Có lo chuyện trục lợi?

Không đề cập đến trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi..., câu chuyện một công ty chứng khoán vừa tự doanh cổ phiếu lấy lãi, vừa môi giới, tư vấn khách hàng, từ lâu đặt ra ít nhiều nghi ngại.

Nói với Tuổi Trẻ Onine, ông B.V.H., giám đốc một công ty chứng khoán, thừa nhận lo ngại trục lợi, đi ngược quyền lợi khách hàng khi tự doanh không phải không có cơ sở.

Trong vụ lãnh đạo Công ty chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương thao túng thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Đỗ Lăng đã chỉ đạo các chuyên viên thường xuyên hô hào, đưa các thông tin tích cực về ba cổ phiếu APS, API, IDJ lên các hội nhóm cùng nhiều chiêu trò khác.

"Đâu đó vẫn có nơi dùng cách này, cách khác tác động lên giá một số cổ phiếu. Còn với thị trường chung, tôi nghĩ khó có thể, bởi nhiều lý do", ông H. nói.

Thứ nhất, thị trường chứng khoán, nhà đầu tư đã "trưởng thành" hơn rất nhiều so với giai đoạn trước, việc nghe tư vấn với nhiều nhà đầu tư chỉ để tham khảo.

Trước đây công ty chứng khoán thường có lợi thế về thông tin hơn hẳn so với nhà đầu tư. Nhưng hiện nay, với sự phát triển mạng xã hội, các kênh truyền thông và thông tin khác, mức độ thông tin tương đối "sòng phẳng". "Nhiều người định làm bậy chắc sẽ rất "rén" sau loạt vụ xử nghiêm hành vi sai phạm".

Tiếp nữa, khối tự doanh hoạt động tách bạch, nên việc "đá bóng thổi còi" hạn chế. Cùng với tốc độ lan truyền nhanh trên mạng xã hội, báo chí, các chuyên viên phân tích, môi giới cũng ý thức hơn rất nhiều về hành vi của mình.

Một chuyên gia khác cho biết tự doanh đóng góp quan trọng thanh khoản chung. Nhưng các công ty chứng khoán thường có thông tin sớm, như ước tính về lợi nhuận hay giao dịch lớn so với nhà đầu tư nhỏ lẻ... 

Chưa kể, cũng không thể nắm rõ các bên phát hành báo cáo, khuyến nghị nắm giữ các cổ phiếu của doanh nghiệp như thế nào.

Để tránh xung đột lợi ích, hơn ai hết bản thân các nhà đầu tư cần lưu ý chuyện "kiểm chứng thông tin". 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm