Sự kiện mở cửa miễn phí từ 8h30 đến 21h tại Nhà Văn hóa Thanh Niên, quận 1, TP HCM. Tiếp tục chủ đề "Sống xanh, giảm nhanh carbon", không gian thiết kế theo cảm hứng từ thiên nhiên, truyền tải thông điệp về lối sống bền vững, chung tay giảm phát thải CO2. Người tham dự được khuyến khích mang theo vật dụng cá nhân như bình nước, ống hút inox... để nhận nước uống miễn phí xuyên suốt sự kiện, bắt đầu thói quen giảm rác thải nhựa một lần.
Chương trình có khu thu gom các loại rác tái chế như vỏ chai nhựa, vỏ hộp sữa, vỏ lon nhôm và pin đã qua sử dụng. Người mang rác tái chế đến có cơ hội nhận về cây xanh. Các vật liệu này sẽ được phân loại và gửi đến đối tác chuyên môn xử lý đúng quy trình, giảm tác hại tới môi trường.
Xuyên suốt sự kiện còn có chuỗi hoạt động workshop miễn phí. Các bạn trẻ có thể tham gia để được hướng dẫn tạo ra vật dụng có ích từ vật liệu tái chế theo phong cách riêng. Ngay cạnh đó là một số gian hàng bán đồ thủ công, tái chế, thân thiện với môi trường.
Một trong những hoạt động chính tại sự kiện là lễ trao giải cho những cá nhân, nhóm sáng kiến xuất sắc của cuộc thi "Đại sứ Gen G". Những sáng kiến đoạt giải có cơ hội nhận hỗ trợ về tài chính và chuyên môn để triển khai thực tế với tổng giá trị lên đến 125 triệu đồng.
Ngoài trao giải, đội thi có cơ hội chia sẻ với cộng đồng về những trải nghiệm thực tế, giới thiệu về sáng kiến xanh, bền vững cho môi trường và xã hội. Trong đó, Giang Ơi - đại sứ chiến dịch năm nay - sẽ mang đến nhiều câu chuyện thú vị về lối sống xanh, và tích cực.
Trước đó, chương trình nhận gần 160 sáng kiến dự thi. Trải qua hơn hai tháng với nhiều hoạt động như tham gia tọa đàm trực tuyến, tập huấn trực tiếp, thăm quan thực địa, Top 20 tiềm năng sẽ tham gia chung kết vào ngày 23/2.
Ngày hội thuộc khuôn khổ mùa hai của chiến dịch "Cùng Gen G sống Xanh đi", góp phần giúp Panasonic hiện thực hóa cam kết Panasonic Green Impact về thúc đẩy phát triển bền vững. Trong cam kết này, tập đoàn đặt mục tiêu trung hòa phát thải CO2 ở tất cả công ty thành viên trên toàn cầu vào năm 2030; giảm 300 triệu tấn phát thải CO2 trong toàn chuỗi giá trị vào năm 2050 - tương đương 1% lượng phát thải toàn cầu hiện nay.